"Phải lòng" du lịch Bình Thuận

Cập nhật: 17/09/2020
Công tác tại báo Đảng địa phương và may mắn phụ trách lĩnh vực du lịch từ khá lâu, do vậy tôi có điều kiện dõi theo chặng đường vươn lên mạnh mẽ của ngành “công nghiệp không khói” nơi đây suốt thời gian qua. Đến hôm nay - đánh dấu sự trưởng thành ở tuổi 25, du lịch Bình Thuận đã dần khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và được kỳ vọng tiếp tục bứt phá trong tương lai gần…

Khu nghỉ dưỡng hút khách Làng Tre Mũi Né (TP. Phan Thiết).

Trên bước đường đó, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương thì  còn có những đóng góp đáng ghi nhận của các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này. Dù là dân Việt hay người nước ngoài, song tất cả đều mong muốn chung sức khai thác hiệu quả tiềm năng, đưa du lịch Bình Thuận phát triển bền vững, là điểm đến lý tưởng và có sức hút du khách khắp nơi.

Sau sự kiện nhật thực toàn phần (24/10/1995 - cũng là sinh nhật ngành du lịch Bình Thuận) không lâu, vùng ven biển Phan Thiết bắt đầu xuất hiện một vài khu du lịch mà thời điểm ấy không ai nghĩ sẽ trở thành “thủ đô resort” của cả nước. Nổi bật trong số đó có thể kể đến Khu du lịch Làng Tre Mũi Né (Bamboo Village Beach Resort & Spa), được đầu tư trên tuyến Hàm Tiến - Mũi Né và chính thức đón khách vào cuối tháng 9/1998. Nhưng để tồn tại và phát triển thì trước khi hình thành khu du lịch ở vùng đất hoang sơ, chủ đầu tư cùng những người bạn đồng hành rất chịu khó bôn ba khám phá các resort nổi tiếng tại Bali (Indonesia), Phuket (Thái Lan)… Qua đó truyền cảm hứng sáng tạo cho Làng Tre Mũi Né với phong cách thuần Việt gần gũi thiên nhiên, tận dụng vẻ đẹp lãng mạn ở chốn bình yên ven biển để lưu dấu chân khách du lịch khắp năm châu. Nhưng tiên phong vào buổi ban sơ ấy, hoạt động kinh doanh của khu du lịch này phải kiên trì khắc phục từ sai sót nhỏ nhất trong quản lý, rồi từng bước hoàn thiện đạt chuẩn chất lượng cao như hôm nay.

Bà Kristy Claire Marland (giữa) trong lần tham gia thu gom rác biển trôi dạt vào bờ Hàm Tiến - Mũi Né.

Tại Bamboo Village Beach Resort & Spa, tôi nghe được những câu chuyện vui về các gia đình và cá nhân du khách phương xa từng quyết định chọn nghỉ dưỡng nơi đây nhiều lần. Như ông bà Callens Francois Jean (quốc tịch Pháp) đến cả chục lần với tổng số hơn 230 đêm, còn ông Armen Grigoryan - nhà soạn nhạc lừng danh người Nga trong ban nhạc rock Krematorij đã đến 2 lần, mỗi lần ở 2 tháng để nghỉ ngơi và sáng tác. Với khách Việt Nam cũng có trường hợp nghỉ dưỡng tại Làng Tre Mũi Né đến 20 lần và rất nhiều du khách quay trở lại nhiều lần mỗi khi tạm gác công việc, lánh xa nhịp sống ồn ào phố thị… Nỗ lực của Bamboo Village Beach Resort & Spa cũng đã đưa khu du lịch ở làng chài ven biển Phan Thiết trở thành một trong những thương hiệu mạnh trong ngành du lịch khách sạn.

Đến Việt Nam từ năm 1995, ông Pascal Lefebvre (người Pháp) cũng nhận ra tiềm năng phát triển du lịch ở một nơi quanh năm nắng ráo, ngập tràn nắng gió phù hợp với các loại hình thể theo giải trí trên biển. Thế là ông quyết định trụ lại Mũi Né - Phan Thiết kinh doanh, cưới vợ Việt và đến đầu thế kỷ 21 thành lập CLB Jibe’s - trung tâm dạy các môn thể thao như lướt sóng, lướt ván diều, lướt ván buồm đầu tiên ở Bình Thuận… Nhờ đó hoạt động thể thao mới mẻ đã dần trở nên phổ biến ở địa phương, đặc biệt được đối tượng khách quốc tế rất ưa chuộng và cũng là một trong những lý do chọn nghỉ dưỡng tại vùng ven biển cực Nam Trung bộ khi đến Việt Nam. Có thể nói, chính Pascal Lefebvre chứ không phải người dân địa phương đã mang đến và “tô điểm” bức tranh du lịch Bình Thuận thêm những sắc màu nổi bật của các môn thể thao giải trí trên biển…

Trên tuyến Hàm Tiến - Mũi Né còn có Khu du lịch Biển Xanh (Blue Ocean Resort) cũng được xem là một trong những dự án du lịch tiên phong khi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2000. Ngoài hoạt động chuyên ngành, thời gian qua không ít người nhớ và có thiện cảm với khu nghỉ dưỡng này nhờ những hoạt động thiết thực, tâm huyết của lãnh đạo đơn vị - Giám đốc Điều hành Kristy Claire Marland (quốc tịch Úc)... Trong đó có ý tưởng giúp cho du khách thư giãn vừa tản bộ vừa thưởng thức những món ăn dân dã, độc đáo mang hương vị đặc trưng riêng của miền biển nơi đây đã được hiện thực hóa. Với tư cách trưởng nhóm, bà cùng những người bạn nước ngoài đang sống, làm việc tại Hàm Tiến - Mũi Né triển khai chương trình ẩm thực đường phố trong nhiều năm qua. Hoạt động này nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền, các đơn vị liên quan tại địa phương để định kỳ tổ chức trong mùa cao điểm du lịch, hoặc những ngày lễ lớn. Bản thân bà Kristy Claire Marland còn là người tiên phong trong chiến dịch “Clean - up Day” hướng đến giữ gìn vệ sinh môi trường trên tuyến du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né thêm xanh, sạch, đẹp... Đồng thời không ngại tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, thường xuyên có mặt kịp thời ở những “điểm nóng” khi rác biển trôi dạt vào bờ để chung tay thu gom sạch sẽ, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện cho du lịch Bình Thuận.

Khách quốc tế tham gia môn thể thao giải trí trên biển tại CLB Jibe’s của ông Pascal Lefebvre.

Tại Phú Quý, chủ Nhà hàng - Nhà nghỉ Long Vĩ là ông Dương Phùng Linh được biết đến là người đầu tiên khơi nguồn cho các dịch vụ du lịch trên địa bàn đảo xa. Như chở du khách câu cá bằng ca nô, tắm biển tại Hòn Đen, Hòn Tranh, lặn ngắm san hô và mở nhà hàng phục vụ các món hải sản tươi sống trong khu hồ lấn biển thông thủy (cá, tôm, bào ngư, ốc…), đầu tư nhà nghỉ cho khách du lưu trú. Bản thân ông cũng luôn chủ động cập nhật thông tin, hình ảnh, quay clip quảng bá và hướng dẫn du khách đến với Bình Thuận nói chung, Phú Quý nói riêng trên website… Trước xu hướng du lịch biển - đảo và góp phần đưa điểm đến Bình Thuận phát triển bền vững, ông đã liên kết hợp tác với các công ty lữ hành đưa đón khách ra Phú Quý. Từ đó khai thác tiềm năng, lợi thế của “đảo ngọc” thông qua nhiều loại hình dịch vụ, nét văn hóa đặc trưng của Phú Quý, cùng xây dựng và giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn…

Không riêng những trường hợp nêu trên, du lịch Bình Thuận vươn lên trưởng thành ở tuổi 25 còn có đóng góp của nhiều cá nhân và doanh nghiệp khác đang làm việc, hoạt động trong lẫn ngoài tỉnh. Bởi tất cả đều có điểm chung là đã… “phải lòng” du lịch Bình Thuận - vùng đất gắn liền với hình ảnh biển xanh, cát trắng, nắng vàng và con người rất dễ mến, hiếu khách. 

Đ.Quốc

Nguồn: Báo Bình Thuận