Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa: Những thành tựu nổi bật

Cập nhật: 21/09/2020
Không chỉ được biết đến là mảnh đất địa đầu Đông Bắc với nhiều tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình kinh tế từ nông nghiệp đến công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Quảng Ninh còn là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa, di tích, danh thắng quý báu của quốc gia. Trong những năm qua, Quảng Ninh đã không ngừng nâng cao chất lượng công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, coi đó là sức mạnh, cội nguồn cho sự phát triển bền vững.

Di tích, danh thắng Yên Tử được đặt mục tiêu công nhận là di sản thế giới, trở thành trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của cả nước. Ảnh: Việt Hoa   

Vì sự phát triển bền vững

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn di sản văn hoá trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình nhằm triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp gìn giữ, phát huy hiệu quả giá trị của di sản văn hoá, danh thắng trên địa bàn. Đặc biệt, trong Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” cũng đã đặt ra mục tiêu chung là “giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hoá...".

Theo thống kê, Quảng Ninh hiện có 613 di tích lịch sử văn hóa, 361 di sản văn hoá phi vật thể, trong đó có 5 di tích đặc biệt cấp quốc gia, 54 di tích cấp quốc gia, 85 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 469 di tích nằm trong danh mục kiểm kê, phân loại.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đã tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân hiểu về giá trị, ý nghĩa và tính cần thiết phải bảo vệ di sản văn hoá của dân tộc. Tỉnh cũng đã mạnh dạn, sáng tạo trong việc áp dụng các biện pháp phân cấp quản lý di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phù hợp với thực tiễn từng địa phương, làm cơ sở tăng cường trách nhiệm của từng cấp, ngành, đơn vị, phân định rõ giữa quản lý nhà nước và quản lý trực tiếp, từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Chùa Trung Tiết  (Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều) mới được trùng tu với kiến trúc đẹp. Ảnh: Việt Hoa

Từ đây, các cấp, ngành đã triển khai hiệu quả việc phát huy giá trị di sản, bố trí, dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích, danh thắng đảm bảo giữ nguyên vẹn những yếu tố gốc cấu thành của di tích cũng như tính thẩm mỹ hài hòa, đúng theo quy định của Luật Di sản văn hoá và các văn bản pháp luật liên quan.

Nhờ đó, nhiều di tích thoát khỏi nguy cơ sụp đổ, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, giảm thiểu các tác động đến việc xâm hại khu vực bảo vệ các di tích đã được xếp hạng. Nhiều di tích được tôn tạo, phục hồi các hạng mục làm cho di tích ngày càng phát huy giá trị tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học, tham quan, học tập trong cộng đồng.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá đòi hỏi nguồn lực rất lớn, vì vậy cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, tỉnh đã chủ động huy động các nguồn lực ngoài ngân sách. Trong đó, việc triển khai 3 quy hoạch dược Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 gồm: Đề án mở rộng và phát triển Khu di tích và danh thắng Yên Tử; quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát triển Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng và quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát triển Khu di tích lịch sử Nhà Trần ở Đông Triều cùng các dự án thành phần đã và đang được triển khai với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng, phần lớn là từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Rước kiệu nghênh thần trong Lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái). Ảnh: Mai Linh

Tiêu biểu phải kể đến Khu di tích - danh thắng Yên Tử đã được tỉnh và TP Uông Bí quan tâm, huy động các nguồn lực để đầu tư, tôn tạo hệ thống các di tích, khẳng định giá trị và vị thế to lớn của Yên Tử. Các công trình hạ tầng như đường giao thông, bãi đỗ xe, tuyến đường hành hương từ chân núi Yên Tử đến chùa Đồng... được hoàn thiện đồng bộ, khang trang.

Cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm được tỉnh giao đầu tư, đã tích cực đồng hành tham gia bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích. Công ty đã đầu tư nhiều công trình độc đáo, mang tầm cỡ quốc tế, như: Hệ thống cáp treo Yên Tử, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử, khu nghỉ dưỡng Legacy Yên Tử... Qua đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho du khách thập phương về tham quan, chiêm bái.

Quảng Ninh cũng là một trong những đơn vị dẫn đầu cả nước về tổ chức lễ hội. Theo đó, tỉnh đã tổ chức và quản lý tốt 76 lễ hội diễn ra trên địa bàn thông qua các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, giá dịch vụ, kiểm soát tốt các hiện tượng mê tín, dị đoan... tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách bốn phương. Tiêu biểu như: Lễ hội Yên Tử, lễ hội Tiên Công, lễ hội đền Cửa Ông... thu hút hàng vạn du khách.

Không ngừng nâng tầm di sản

Hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn hiện nay chính là nguồn tài nguyên quý đã tạo nên sức hút, thương hiệu, giá trị riêng của du lịch Quảng Ninh, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bình Liêu quan tâm công tác phục dựng, bảo tồn di sản âm nhạc hát Then - đàn tính của dân tộc Tày.

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh thu hút khoảng 5 triệu lượt du khách đến tham quan di tích, lễ hội. Riêng năm 2019, tổng số lượng khách đạt trên 9,5 triệu lượt, tập trung tại các di tích lớn như Khu di tích - danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (Uông Bí), chùa Ngọa Vân, di tích nhà Trần ở Đông Triều; chùa Lôi Âm, chùa Long Tiên, đền Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long); đền Cửa Ông, đền Cặp Tiên (Cẩm Phả)...

Để có được những con số ấn tượng này, tỉnh đã đẩy mạnh các kênh tuyên truyền, giới thiệu quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị của di sản văn hoá. Ngoài ra, việc phục dựng một số hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, gắn hoạt động lễ hội với các hoạt động dịch vụ du lịch cũng được tích cực triển khai, tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa lành mạnh, cởi mở cho người dân.

Thêm nữa, tỉnh cũng tiếp tục quan tâm bảo tồn, khôi phục các làng nghề truyền thống; khuyến khích các hoạt động sản xuất, quảng bá các loại hình văn hóa phi vật thể, các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đồ lưu niệm mang thông điệp văn hóa thể hiện được đặc trưng riêng có của tỉnh.

Quảng Ninh cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học có sự tham gia của các chuyên gia, cố vấn đầu ngành trong lĩnh vực di sản văn hoá để định hướng trong quá trình bảo tồn, tôn tạo di tích. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương nghiên cứu sâu hơn về sự hình thành, tồn tại, phát triển của di tích và mối liên hệ với các di tích khác trong, ngoài tỉnh để quy hoạch các tuyến du lịch kết nối chung cả khu vực.

Trung tâm văn hóa Trúc Lâm mở ra một không gian mới cho Yên Tử. Ảnh: Việt Hoa

Gần đây, lộ trình đưa di tích Yên Tử trở thành di sản thế giới hiện đang được các đơn vị chức năng đẩy mạnh với giá trị đầu tiên đề xuất UNESCO công nhận là giá trị văn hóa. Đây cũng là di tích đầu tiên của Việt Nam được hoàn thiện hồ sơ theo hướng mang tính liên vùng, liên tỉnh, liên di tích. Trên 70 điểm di tích được đưa vào hồ sơ công nhận Yên Tử là di sản thế giới lần này nằm ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Theo đó, 3 tỉnh đang hợp tác phát triển, đưa cụm di tích hạt nhân là Yên Tử - Côn Sơn Kiếp Bạc - Vĩnh Nghiêm, cùng hệ thống di tích, lễ hội đi kèm được kết nối chặt chẽ tạo nên không gian văn hóa, rộng lớn, mang tầm vóc về giá trị văn hóa, lịch sử.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là một hành trình dài, từ giai đoạn này nối tiếp giai đoạn khác, từ thế hệ trước truyền lại thế hệ sau. Tin tưởng, bằng tình yêu di sản, biết ơn tiền nhân, bằng trí tuệ và trách nhiệm đối với thế hệ mai sau, các cấp ủy, chính quyền địa phương và mỗi người dân sẽ chung tay gìn giữ để kho tàng di sản văn hóa ở Quảng Ninh sẽ trường tồn cùng thời gian, lan tỏa những giá trị đẹp đẽ, góp phần đưa nền văn hóa dân tộc Việt Nam tiếp tục hội nhập, tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.

Nguyễn Dung

Nguồn: Báo Quảng Ninh