(TITC) – Trong hai ngày 15-16/9/2020, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã tổ chức trực tuyến Vòng Chung kết cuộc thi “Sáng kiến giảm rác thải nhựa”. Vượt qua nhiều đề án trên cả nước với sự chọn lọc khắt khe của Ban Giám khảo, 11 đội đã trình bày thành công về dự án tâm huyết của mình cũng như tự tin trả lời những câu hỏi của Ban Giám khảo, khách mời và người theo dõi chương trình.
Sau màn tranh tài đặc sắc của các đội thi, kết quả cuối cùng giải Nhất đã thuộc về các đội: Câu lạc bộ Nông nghiệp Bền vững Phú Quốc, Greenpoints, HCMUTE và Tuyến Mo Cau; mỗi đội được nhận phần thưởng có trị giá 100 triệu đồng để triển khai mô hình thực tế trên địa bàn dự thi. Hai đội có điểm thi cao nhất trong các đội còn lại là Câu lạc bộ Biệt đội xanh và GoRa đã nhận được các giải phụ, với phần thưởng trị giá 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), đối tác chiến lược của cuộc thi, đã chọn đội Greenpoints để trao giải nhất và đội Câu lạc bộ nông nghiệp bền vững Phú Quốc để trao giải phụ theo tiêu chí của PRO.
Là một đất nước với tốc độ tăng trưởng nhanh, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, trong đó ô nhiễm rác thải nhựa hay còn gọi là “ô nhiễm trắng” đang gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực và là một vấn đề cấp bách hiện nay. Vì vậy, cuộc thi mong muốn tìm kiếm các mô hình, ý tưởng khả thi hướng đến thay đổi hành vi trong sử dụng và thải loại rác nhựa, cũng như tăng tỉ lệ và hiệu quả quản lý, xử lý, tái chế rác nhựa.
Nằm trong Chương trình Giảm rác nhựa của WWF-Việt Nam, cuộc thi chính thức được phát động từ ngày 15/4/2020. Sau bốn tháng, cuộc thi đã chọn ra 11 đề tài sáng tạo có tính khả thi và đóng góp cho cộng đồng để tham gia vòng Chung kết. Bên cạnh các chuyên gia từ WWF, Ban Giám khảo còn có đại diện từ Sở Tài nguyên và Môi trường của Đà Nẵng, Phú Yên, thành phố Rạch Giá và UBND huyện đảo Phú Quốc cùng những người có uy tín trong lĩnh vực ươm mầm, tăng tốc và quản lý hoạt động doanh nghiệp. Các phần thi được chấm điểm dựa trên các nhóm tiêu chí là: (1). Quy mô và sự hấp dẫn của ý tưởng/Giải pháp; (2). Khả năng vận hành (tính khả thi, thị trường kinh doanh, khả năng gắn kết và đóng góp cho cộng đồng, năng lực của nhóm triển khai); (3). Sự chuẩn bị và khả năng trả lời/thuyết phục Ban Giám khảo của đội thi.
Bên cạnh cách trình bày được đầu tư kỹ lưỡng, các đề xuất còn cho thấy hướng tiếp cận xu thế mới khi áp dụng công nghệ nhằm tăng cường khả năng mở rộng trên toàn quốc trong tương lai. Một số đề xuất còn giúp cải thiện cuộc sống cho những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, tất cả các đề xuất đều hướng đến giá trị cộng đồng, mong muốn lan toả lối sống xanh, thay đổi thói quen sử dụng nhựa của người tiêu dùng và góp phần cho sự phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm rác nhựa của WWF-Việt Nam cho biết: “Không chỉ tạo ra cơ hội để các mô hình hay ý tưởng có thể triển khai trong thực tế tại các địa bàn dự án, chúng tôi hy vọng cuộc thi đã mang đến một sân chơi cho các đội được cọ xát, trao đổi, học hỏi, nhận được sự hỗ trợ và giải đáp từ các chuyên gia để từng bước hoàn thiện dự án. Bên cạnh đó, cuộc thi còn thể hiện nỗ lực của WWF nhằm khuyến khích cộng đồng tham gia thực hành khoa học và cùng chung tay giảm thiểu rác thải nhựa bằng những giải pháp thiết thực và hiệu quả.”
Bà Nguyễn Phương Hà, Trưởng ban Đối nội & Đối ngoại của PRO Việt Nam cho biết: ‘’PRO Việt Nam luôn quan tâm đến việc hỗ trợ các tổ chức, sáng kiến của địa phương ở nhiều cấp và ngành nghề khác nhau bằng hình thức công nghệ hoặc tài chính trong khả năng cho phép. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đến các dự án thí điểm về phân loại và thu gom rác hiệu quả, hướng tới xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành bao bì. Cuộc thi Sáng kiến giảm rác thải nhựa của WWF đã thu hút sự tham gia nhiệt tình và đầy nhiệt huyết của cộng đồng và nhiều tổ chức trên cả nước. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của Greenpoints và Câu lạc bộ nông nghiệp bền vững Phú Quốc. Hai đề xuất này rất khả thi, có tính thực tiễn và hiệu quả cụ thể, phù hợp với thực trạng rác thải hiện nay ở các vùng miền’’.
Bên cạnh tổng giá trị giải thưởng sẽ nhận được, mỗi đội thắng cuộc cũng sẽ nhận được sự cố vấn về chuyên môn từ các chuyên gia trong trong vòng một năm tiếp theo để triển khai và nhân rộng ý tưởng tại địa bàn nơi thực hiện dự án cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật và giám sát tài chính của WWF.
Trung tâm Thông tin du lịch