Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội phải thực sự trở thành sức mạnh mềm, đậm dấu ấn kinh tế, góp phần đắc lực làm bệ đỡ cho xây dựng văn hóa chính trị, văn hóa kinh doanh cũng như thấm sâu vào mọi lĩnh vực khác của đời sống Thủ đô.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hòa An
Sáng 28/9, Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nguồn lực văn hoá trong chiến lược phát triển: Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.
Phát triển văn hoá Thủ đô trên cơ sở phát huy truyền thống văn hiến anh hùng
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định ưu thế tuyệt đối, riêng có của Hà Nội là lịch sử hơn 1.000 năm hình thành và phát triển. Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử văn hoá ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, nơi hội tụ, kết tinh và lan toả những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người; được tổ chức UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hoà bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; giải quyết hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá-xã hội; chú trọng phát triển văn hoá Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến anh hùng, Thành phố vì hoà bình, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.
Đồng thời, xây dựng hình ảnh đẹp, ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế về Thủ đô tươi đẹp, hoà bình, hữu nghị và người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiếu khách, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội cho biết, hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, đổi mới, đề xuất các chính sách, giải pháp dưới góc nhìn khoa học, thực tiễn liên quan đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực văn hóa, chiến lược phát triển thành phố sáng tạo, cũng như nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội.
Ảnh: Hòa An
Phát triển văn hóa cần cụ thể hóa bằng chính sách cụ thể
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, văn hóa có chức năng điều tiết xã hội. Quá trình thực hiện chức năng điều tiết của văn hóa chính là quá trình các yếu tố văn hóa tác động trực tiếp vào xã hội, mang lại những vận động trên thực tế của xã hội, dẫn tới hiệu quả là sự phát triển của xã hội.
Vì vậy, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cũng chỉ rõ, yếu tố quan trọng nhất quyết định hiệu quả đầu tư cho văn hóa là con người, nghĩa là đầu tư cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhân viên chuyên môn, người hoạt động các phong trào, văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức hoạt động văn hóa. Để phát huy được nguồn lực cho phát triển từ chức năng điều tiết xã hội của văn hóa, theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Hà Nội cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ bản chất văn hóa, vai trò, vị trí, ý nghĩa của văn hóa trong đời sống. Nhận thức ấy phải được cụ thể hóa bằng những chính sách cụ thể, được chế định trong các quy định luật pháp và được bảo đảm thực hiện bằng các thiết chế chính trị-xã hội.
Theo GS,TS. Đinh Xuân Dũng, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hà Nội có một tiềm năng văn hóa lớn, phong phú, lâu đời, đa dạng. Đây là tài nguyên rất hiếm của Hà Nội, không phải nơi nào cũng có được. Vấn đề còn lại là khả năng, năng lực khai thác, khai thông nguồn tài nguyên đó như thế nào vì sự phát triển của Hà Nội trong tương lai. GS.TS Đinh Xuân Dũng chỉ rõ Hà Nội nên tập trung cho khởi nghiệp sáng tạo, cho lựa chọn ưu thế của mình trong việc phát triển công nghiệp văn hóa.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng việc gia nhập Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” là bước khởi điểm trong quá trình định vị sự phát triển của Hà Nội với tư cách là một Thủ đô sáng tạo. Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, trong những năm tiếp theo, Việt Nam có thể thiết lập một mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trải dọc từ Bắc vào Nam. Ngoài những lợi ích kinh tế - xã hội, “vành đai” sáng tạo này sẽ cung cấp một cách biểu đạt đầy sức mạnh cho một Việt Nam hiện đại, năng động và sáng tạo.
Tại hội thảo, một số tham luận và ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra những bất cập, hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy hiệu quả phát huy nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “thành phố sáng tạo”, như: Vai trò của sức mạnh mềm văn hóa ở một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao; cơ chế, chính sách để khai thông nguồn lực văn hóa và thúc đẩy đổi mới sáng tạo còn một số hạn chế, chưa gắn liền và theo kịp sự vận động nhanh chóng của thực tiễn nên chưa đạt được hiệu quả cao; chưa khai thác được đội ngũ trí thức các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trên địa bàn vào sự nghiệp phát triển đô thị sáng tạo của Thủ đô…
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý đánh giá, các kiến nghị và giải pháp được đưa ra trong Hội thảo dưới nhiều góc nhìn đã thể hiện sự tâm huyết, trăn trở của các tác giả đối với vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng. Tất cả đều hướng mục tiêu phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo của Việt Nam cũng như Thủ đô,Trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á, tạo cơ sở cho việc mở rộng mạng lưới các thành phố sáng tạo trên cả nước, nâng cao sức mạnh mềm Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý đề nghị sau hội thảo, Ban Tổ chức cần rà soát, biên tập lại để ứng dụng kết quả hội thảo phục vụ trực tiếp cho các công tác lãnh đạo, quản lý. Đối với những bài viết, tham luận có luận cứ khoa học, thực tiễn chắc chắn, đề nghị Tạp chí Cộng sản chọn lọc để đăng tải trực tiếp trên trên các ấn phẩm của mình; đồng thời tổ chức biên tập và xuất bản thành sách để truyền thông rộng rãi nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô, chuyển tải vào giáo dục trong nhà trường.
Hòa An