Sẽ có thay đổi lớn khi du lịch thực hiện chuyển đổi số

Cập nhật: 08/10/2020
Chuyển đổi số được xem là xu hướng phát triển tất yếu của du lịch và cần được đẩy nhanh hơn sau tác động nặng nề của dịch Covid-19. Thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp du lịch có thể tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nhiều người không để ý nhưng Việt Nam đã có những công ty tiên phong trong các lĩnh vực của du lịch.

Tại diễn đàn “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) vừa tổ chức tại Hà Nội, chúng tôi được CEO Nguyễn Chí Thanh của Công ty Toàn Dũng Media chỉ dẫn cách sử dụng ki-ốt thông tin giới thiệu du lịch Cao Bằng.

Công nghệ hình ảnh sống động, chân thật, dễ sử dụng. Ki-ốt thông tin này có thể phục vụ cho cả những người không am hiểu công nghệ vẫn có thể tiếp cận thông tin dễ dàng. Hiện đã triển khai thực tế tại Bảo tàng hiện vật Cung đình Huế, quần thể tâm linh Tam Chúc. Đáng ngạc nhiên hơn, ông Nguyễn Chí Thanh cho biết, tất cả sản phẩm này, từ phần cứng, phần mềm, thiết bị... đều là hàng “Made in Vietnam”. Ông Nguyễn Chí Thanh chia sẻ: "Hiện các ki-ốt này cũng được kết nối với ứng dụng tra cứu thông tin du lịch của chúng tôi, nội dung được chuẩn hóa, hấp dẫn, đa dạng. Điều này rất quan trọng vì xu hướng du khách hiện nay tự tìm kiếm thông tin mà không phụ thuộc tour, điểm đến... Họ cần những thông tin chuẩn nhất. Khi du khách vào ứng dụng của chúng tôi còn được thống kê rồi đưa đến những dịch vụ "trúng" hơn thay vì một mớ hỗn độn thông tin trên internet".

Trải nghiệm ki-ốt thông tin du lịch tại diễn đàn “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam”.Ảnh: Bá Phúc

Không chỉ những ứng dụng công nghệ số của Công ty Toàn Dũng Media, tại diễn đàn còn có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số khác của Việt Nam, như các công ty VietISO, Lexstay, Sapo. Họ tham gia vào mọi hoạt động liên quan tới du lịch, từ vận chuyển, đặt phòng, điểm đến... cho đến lĩnh vực hoạt động phức tạp, vốn đòi hỏi nhiều khâu, bước, nhiều người như lữ hành...

Tạo ra một phần mềm đã khó, để phần mềm ấy chuyển tải nội dung các doanh nghiệp du lịch thì càng khó hơn, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam mong rằng, những sản phẩm đã có của Việt Nam sẽ tiếp cận được càng nhiều doanh nghiệp càng tốt. “Chúng tôi cũng đang vận động chuyển đổi số du lịch, tổ chức huấn luyện đào tạo chuyển đổi số của các địa phương. Hy vọng rằng, nếu thuyết phục được lãnh đạo của một địa phương đầu tiên của Việt Nam triển khai chuyển đổi số trong du lịch cho địa phương đó thì sẽ có sự đồng hành của các doanh nghiệp để mỗi người một việc. Khi có một điển hình cụ thể, chúng ta có cơ sở để thuyết phục được nhiều địa phương khác, rồi cả nước tham gia chuyển đổi số du lịch”, ông Vũ Thế Bình cho biết.

Lan Dịu

Nguồn: Báo Tổ quốc