Lam Kinh ví như một bức tranh nhuốm màu cổ xưa lịch sử. Thế nhưng, “cổ” không đi liền với “cũ”; mà ngược lại, Lam Kinh hấp dẫn, cuốn hút và khiến con người ta chìm đắm trong một không gian tuyệt vời của “khối kiến trúc xanh” tự nhiên, được “dệt” từ những vạt rừng già cùng dòng sông Ngọc. Bao bọc ở giữa là hàng chục công trình kiến trúc - nghệ thuật, vừa đậm nét cung đình vừa mang nét dân gian của Lam Kinh.
Một góc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ảnh: Minh Hiếu
Lam Kinh là mảnh đất thiêng, nơi hội tụ và tỏa sáng tinh thần văn hóa dân tộc. Nơi đó, từ 6 thế kỷ trước đã tọa lạc một quần thể kiến trúc, văn hóa - nghệ thuật vô cùng sống động, đậm đà bản sắc, giàu giá trị và vô cùng linh thiêng. Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh mà sự tồn tại của nó cho đến tận ngày nay, được ví như một chương lịch sử đầy thăng trầm, được tạc trên từng đường vân thớ gỗ, từng viên gạch hòn đá. Để rồi, dẫu cho đã trải qua nhiều phen hưng phế; song với vô số trầm tích văn hóa đã phát lộ hay còn nằm sâu trong lòng đất, thì sự tồn tại của di sản này vẫn vẹn nguyên ý nghĩa và giá trị buổi đầu.
Nếu làm một phép so sánh, rõ ràng là Lam Kinh không thể so sánh với Cố đô Huế ở sự hoành tráng, kỳ vĩ của các công trình kiến trúc; hay vẻ rực rỡ của tường xanh ngói đỏ và nét hoa lệ của cố đô. Thế nhưng, từng có nhiều dịp theo chân các đoàn khách trong nước và quốc tế về với Lam Kinh, điều chúng tôi ngạc nhiên và xúc động là cách nhìn nhận đầy nhân văn và trân trọng mà họ dành cho di tích quốc gia đặc biệt này. Lam Kinh ví như một bức tranh nhuốm màu cổ xưa lịch sử. Thế nhưng, “cổ” không đi liền với “cũ”; mà ngược lại, Lam Kinh hấp dẫn, cuốn hút và khiến con người ta chìm đắm trong một không gian tuyệt vời của “khối kiến trúc xanh” tự nhiên, được “dệt” từ những vạt rừng già cùng dòng sông Ngọc. Bao bọc ở giữa là hàng chục công trình kiến trúc - nghệ thuật, vừa đậm nét cung đình vừa mang nét dân gian của Lam Kinh. Với những người đã ít nhất một lần về với Lam Kinh, hẳn không thể không cảm thán rằng, dường như không khí trong lành, tĩnh tại, trầm mặc và linh thiêng của Lam Kinh, có khả năng thanh lọc tâm hồn con người. Để rồi, dẫu không có nhiều công trình kỳ vĩ, hoành tráng, nhưng thay vào đó là lối kiến trúc truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt Nam, vẫn đủ hấp dẫn, đủ xúc động và đủ cho hậu thế tự hào, ngưỡng vọng và ngợi ca.
Đã có không ít công trình nghiên cứu và nhiều nhận định sâu sắc về giá trị di sản. Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hảo cho rằng, bố cục tổng thể của Lam Kinh hoàn toàn phụ thuộc vào địa hình có sẵn, do thiên nhiên tạo ra. Nói cách khác, đồ án bố cục khu Lam Kinh đã có sẵn trong tự nhiên. Thế đất Lam Kinh hội tụ đầy đủ các yếu tố của đất quý, mà không cần sự tác động của con người. Các công trình kiến trúc được xây dựng trên cơ sở tận dụng, cải biến môi trường tự nhiên, kết hợp với tư duy “phong thủy”, đã tạo cho trung tâm Lam Kinh một không gian bề thế và linh thiêng, in đậm vào tâm thức dân gian. Đặc biệt, với ý nghĩa ban đầu là “kinh đô tưởng niệm” của nhà Lê; song, trải qua sự mài mòn và kiểm chứng của thời gian ngót 600 năm, đã cho thấy sự hiện hữu của Lam Kinh đã phản ánh một cách sâu sắc, sinh động của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Việt. Vậy nên, Lam Kinh đã trở thành cội nguồn tiên tổ - nơi trở về của con dân xứ Thanh và con dân đất Việt tìm về. Đồng thời, giá trị ấy cũng thật ứng với lời răn hậu thế của Đức Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi, rằng “Vật gốc ở trời, người gốc ở tổ (...) Đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”!
Bởi vậy mới nói, Lam Kinh là nơi thể hiện đầy đủ quan niệm hay tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Đó là biểu tượng của văn hóa truyền thống dân tộc Việt, đã vượt lên mọi sự “bức hại” của văn hóa ngoại lai, để tồn tại và phát triển mạnh mẽ. Đó cũng chính là tinh thần tự hào, tự tôn, tự cường dân tộc, đã được nâng lên thang giá trị mới từ thời Hậu Lê và trao truyền cho lớp lớp thế hệ con dân đất Việt. Đồng thời, nhờ bởi vị trí đắc địa và cảnh quan thiên nhiên phù hợp với không khí u tịch, trang nghiêm, nên người xưa chọn mảnh đất “hội sơn tụ thủy” hiếm có này làm nơi an nghỉ nghìn đời. Trong một lần về bái yết sơn lăng, tháng 2 năm Bính Tý (1456), vua Lê Nhân tông đã ra lệnh “mọi việc ở đền thờ phải thành kính, tinh khiết, cấm việc chặt cây, chặt tre, kiếm củi”. Chính vì lẽ đó, việc gìn giữ, bảo vệ, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của khu miếu điện, lăng tẩm, bia ký và cả thảm rừng già, nguồn nước, muông thú bao quanh di tích, luôn luôn là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho hậu thế.
Nói về di sản Lam Kinh, sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến di sản tinh thần vô giá: lễ hội Lam Kinh. Dẫu rằng, lễ hội Lam Kinh năm nay không thể tổ chức như định kỳ hàng năm. Thế nhưng, nơi mảnh đất thiêng những ngày giữa tháng 8 âm lịch này, khách thập phương và con cháu vẫn tìm về dâng hương bái yết. Để rồi, dù không có được cái không khí náo nhiệt của lễ lạt, đình đám, thì Lam Kinh vẫn có sức lôi cuốn khó tả bởi sự trầm mặc, trang nghiêm của “kinh đô tưởng niệm”. Di tích Lam Kinh gắn với lễ hội Lam Kinh, vốn dĩ là mối quan hệ hòa hợp hữu cơ, khi di sản vật thể đã góp phần làm sống dậy một sinh hoạt văn hóa đặc trưng và đến lượt nó, di sản phi vật thể đã điểm tô và tăng thêm vẻ đẹp cho di tích.
Cùng với việc khôi phục và bảo tồn “thánh địa” Lam Kinh, từ năm 1995 đến nay, lễ hội Lam Kinh được tổ chức thường xuyên, để trở thành một sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung mỗi dịp 21 - 22 tháng 8 âm lịch. Lễ hội Lam Kinh với nhiều nghi thức cổ truyền đậm tính cung đình, đặc biệt là nghi thức tế lễ từ thời vua Lê Thái tổ, Lê Thái tông, Lê Nhân tông, Lê Thánh tông truyền lại, nhằm tưởng niệm, ngợi ca công lao của tổ tiên, các vua, hoàng hậu và công thần nhà Lê trong sự nghiệp trung hưng đất nước. Không những thế, “cái không gian văn hóa bình dân vẫn bao bọc lấy Lam Kinh, thể hiện bằng cả một kho tàng các lễ tục, lễ hội của đồng bào Mường, Thái, Kinh”, cũng là nét đặc trưng riêng có của di sản đặc biệt này. Lam Kinh suốt mấy trăm năm hoang phế, nhưng không ít trò diễn xướng mang đậm tính cung đình, gắn với các nghi thức tế lễ tại sơn lăng, vẫn được gìn giữ trong tâm thức và đời sống dân gian. Đó là các tích trò Ai Lao, Chiêm Thành, Ngô Quốc, hay trò múa rối “Lam Sơn khởi nghĩa”..., vẫn được thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau như là cách để tưởng niệm và ngưỡng vọng tiền nhân, tiên tổ. Có thể nói, lễ hội Lam Kinh đã góp phần làm cho không gian văn hóa Lam Kinh càng thêm sinh động, rực rỡ và đậm đà bản sắc.
Lê Dung