Xác định phát triển du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cơ chế, chính sách tập trung khai thác các thế mạnh vốn có, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng, mang tính đặc thù, tạo dấu ấn đẹp trong lòng du khách.
Nắm bắt được thị hiếu, nhu cầu của du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá cuộc sống và bản sắc văn hóa của người dân bản địa, chị Nguyễn Hải Yến cùng với gia đình quyết định mở dịch vụ lưu trú homestay Cư H’lăm tại buôn Ea Mắp (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar). Khu lưu trú được thiết kế với không gian xanh mát, mang đậm nét văn hóa dân tộc Êđê gồm các nhà sàn dài được trang trí bằng nhiều vật dụng sinh hoạt thường ngày: cồng chiêng, ché rượu, gùi, nhạc cụ… Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức những món đặc sản do chính tay người phụ nữ Êđê chế biến; đồng thời cùng tham gia các hoạt động thường ngày của người dân trong buôn như: đi hái rau rừng, câu cá, leo đồi, hái cà phê, gùi nước…
Lễ cúng bến nước của người Êđê - nét đẹp văn hóa được phục dựng, bảo tồn, gìn giữ. Ảnh: Hữu Hùng
Mô hình du lịch này không phải mới, đặc biệt vài năm trở lại đây trở nên phổ biến trên địa bàn tỉnh. Cũng khai thác từ “chất liệu” văn hóa truyền thống, nhiều homestay được xây dựng và được du khách biết đến như: Akô Ea, K’pan house (TP. Buôn Ma Thuột)… hoặc các hợp tác xã (HTX) mở các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực này như: HTX dịch vụ du lịch Buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk), HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột)…
Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông chia sẻ: “Hiện nay, bên cạnh việc dệt may, tạo ra các sản phẩm thổ cẩm cung cấp ra thị trường, HTX còn kết hợp dịch vụ homestay để phục vụ khách đến tham quan, du lịch với phương châm “mỗi thành viên HTX đều là nghệ nhân, hướng dẫn viên du lịch”. Khách du lịch khi đến đây thường rất thích thú, mua các sản phẩm do chính người Êđê làm ra, qua đó vừa giới thiệu được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, vừa tăng thêm thu nhập cho các gia đình nơi đây…”.
Yêu thích tìm hiểu về văn hóa, con người của các miền đất mình đặt chân đến du lịch, ông Ido Ben Yakov Cohen (du khách đến từ Israel) nhận xét: “Đắk Lắk là địa chỉ đúng đắn nhất cho những ai muốn tìm hiểu về cà phê và văn hóa người Êđê ở Việt Nam. Tôi dành 4 ngày ở đây để đi thăm vườn cà phê, đi thăm núi Đá Voi Mẹ, ngắm hoàng hôn ở hồ Ea Kao và nói chuyện với một vài người Êđê để hỏi về văn hóa của họ. Tôi mang theo máy ảnh nhưng chụp ảnh rất ít, vì tôi muốn dành toàn bộ thời gian để tìm hiểu về con người, vùng đất này và tận hưởng thiên nhiên tuyệt vời ở đây bằng giác quan chân thật nhất…”.
Muốn du lịch Đắk Lắk “cất cánh”, rất cần có những “cú hích” thiết thực, cụ thể dù trước mắt hay lâu dài, đó là ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông đến các khu, điểm du lịch; Sân bay Buôn Ma Thuột phải đón được những chuyến bay quốc tế; đưa ý tưởng của lãnh đạo tỉnh xây dựng cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang sớm trở thành hiện thực…”.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Gia Duẩn
Thực tế cho thấy, để đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của “ngành công nghiệp không khói”, việc khai thác du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số được coi là hướng đi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng. Trong những năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Theo đó, các di tích được bảo vệ, trùng tu, tôn tạo đã thực hiện tốt vai trò giáo dục văn hóa, lịch sử. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, nhất là về di sản ngày càng chặt chẽ, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống được phục dựng; các cuộc giao lưu văn hóa, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc được tổ chức định kỳ. Con em đồng bào các dân tộc thiểu số được tham gia các lớp dạy đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng; truyền dạy hát kể sử thi...
Công tác quản lý lễ hội được tăng cường, hoạt động tổ chức lễ hội đi vào nền nếp. Các địa phương thường xuyên tổ chức tốt các lễ hội như: Hội voi và Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Buôn Đôn; lễ hội lồng tồng tại huyện Cư M’gar; lễ hội vật tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc); Lễ hội dân gian Việt Bắc tại huyện Krông Năng; Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc TP. Buôn Ma Thuột, huyện Ea Kar… Đặc biệt, từ năm 2005 đến nay, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được Chính phủ đồng ý tổ chức định kỳ hai năm một lần đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của tỉnh, thu hút hàng chục nghìn lượt khách. Chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân địa phương và du khách được duy trì định kỳ vào tối thứ bảy tuần thứ hai và tuần cuối mỗi tháng. Ngoài ra, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, cũng thường xuyên biểu diễn các chương trình cồng chiêng phục vụ khách du lịch…
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, thu hút đông đảo du khách tham gia. Ảnh: Hữu Hùng
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Gia Duẩn cho biết: Để tiếp tục phát huy tốt mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và du lịch, Sở đã và đang tham mưu những nghị quyết, đề án, kế hoạch cụ thể để triển khai giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Ngoài việc tăng cường công tác quảng bá trong và ngoài nước, ngành đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; phát huy vai trò là trung tâm vùng Tây Nguyên kết nối tuyến du lịch; xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, chính sách, thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, sản phẩm và thị trường khách du lịch; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến; quan tâm phát triển nguồn nhân lực du lịch…
Lan Phương