Ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) đại dương là một trong những vấn đề môi trường cấp bách nhất hiện nay. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang quyết tâm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm RTN nói chung và RTN đại dương nói riêng.
Để chung tay giảm thiểu RTN, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) đã triển khai Dự án “Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải tại vùng ven biển Đông bắc Việt Nam” (Vịnh Xanh), được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thực hiện từ 31/3/2018 đến 30/9/2020 tại quần đảo Cát Bà, TP. Hải Phòng và vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Sau gần 3 năm thực hiện, đến nay Dự án đã đạt được nhiều kết quả góp phần thúc đẩy công tác quản lý và giảm thiểu RTN ở Việt Nam.
Tổng kết những kết quả đạt được của Dự án Vịnh Xanh, ngày 25/9/2020, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) phối hợp cùng Tổng cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) tổ chức Hội thảo “Quản lý rác thải nhựa đại dương hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sống của các loài thủy hải sản”. Thông qua Hội thảo này, GreenHub chia sẻ hiệu quả về kinh tế và môi trường của các mô hình thí điểm mà Dự án Vịnh Xanh đã hỗ trợ triển khai thực hiện.
Bà Trần Thị Hoa - Giám đốc GreenHub phát biểu tại Hội thảo
Giảm thiểu rác thải phao xốp trong nuôi trồng thủy sản
Thực hiện mô hình phao xốp phủ vật liệu sơn Line X tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản, trong thời gian qua, được sự đồng ý của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, Dự án Vịnh Xanh đã thí điểm mô hình phao xốp phủ vật liệu sơn Line X tại các lồng bè nuôi trồng thủy sản nhằm tăng độ bền của phao và hạn chế tác động đến môi trường nước biển trên vịnh. Dự án đã lắp đặt tại Hợp tác xã Vạn Chài trên vịnh Hạ Long 70 phao xốp phủ sơn Line X (đây là loại sơn của Mỹ đã được công bố tiêu chí về môi trường và độ bền theo tiêu chuẩn của USA) trong 2 đợt (tháng 1-2/2019 và tháng 5/2020), và sẽ lắp đặt tiếp 50 phao vào tháng 10/2020. Kết quả sau gần 2 năm thử nghiệm cho thấy, việc dùng sơn Line X sơn phủ lên các quả xốp đã giúp làm tăng độ cứng, độ bền của các quả phao, giảm được tác động do va đập, hạn chế được vỡ, bong phao. Hiệu quả về môi trường của vật liệu nổi trong nuôi lồng bè được thể hiện qua các tiêu chí về vật liệu không gây ô nhiễm môi trường, dễ vệ sinh, không gây độc hại cho môi trường nuôi thủy sản (Điều 34 Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết Điểm b khoản 1 Điều 38 Luật Thủy sản). Ngoài ra, nhằm giảm thiểu rác xốp ra môi trường và thúc đẩy việc sử dụng sơn Line X, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 6419/UBND-MT, ngày 5/9/2019 về việc tăng cường công tác BVMT trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình nổi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, quy định: “trường hợp sử dụng phao xốp bắt buộc phải phủ lớp sơn Line X lên bề mặt để tăng độ bền của phao xốp, chống chịu va đập, nén, kéo dài trong quá trình sử dụng”; Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh, ban hành ngày 31/08/2020 quy định theo lộ trình đến năm 2021, chỉ những vật liệu đủ điều kiện về độ bền, kéo… (ví dụ là những phao phủ sơn Line X) thì mới được sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản.
Từ kết quả của Dự án, nhằm giảm RTN, đặc biệt là rác xốp tại Việt Nam, trong thời gian tới, Công ty cổ phần SQH INDOCHINA (Nhà phân phối và phát triển sơn Line-X tại Việt Nam) đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất phao phủ sơn Line-X tại Quảng Ninh, đồng thời lên kế hoạch thu hồi phao cũ hỏng, hỗ trợ giá cho các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Nhân rộng các mô hình thực hành xanh
Trong cuộc chiến đẩy lùi Covid 19, những chiếc khẩu trang là vũ khí không thể thiếu. Tuy nhiên, những chiếc khẩu trang y tế dùng 1 lần đã tạo áp vô cùng lớn lên môi trường. Với mục đích giảm thiểu rác thải cũng như tận dụng tối đa nguồn lực có sẵn, Dự án Vịnh Xanh đã hỗ trợ Hội phụ nữ TP. Hạ Long và Hội phụ nữ huyện Cát Hải, Hải Phòng thực hiện dự án tái chế khẩu trang, với 1.000 khẩu trang may được từ vải thừa.
Cùng với đó, các chuyên gia của GreenHub đã hướng dẫn Hội phụ nữ phường Yết Kiêu thực hành mô hình sản xuất sản phẩm chất tẩy rửa hữu cơ - enzyme sinh thái từ vỏ trái cây; Hội phụ nữ phường Hà Phong ủ compost từ rác hữu cơ; Hội phụ nữ phường Hà Trung làm sản phẩm làn, giỏ tái chế từ dây buộc gạch… Triển khai Dự án, ý thức của mỗi cán bộ, hội viên và nhân dân trong từng khu phố đã dần thay đổi, được nâng lên. Các hộ gia đình đã tự động phân loại rác ngay tại nhà; phần phế liệu còn tái sử dụng được, như: Vỏ lon bia, sắt vụn, vỏ chai nhựa, bìa cứng, các đồ dùng cũ không sử dụng đến... được tập hợp riêng vào từng bao, sau đó mang đến một điểm tập kết để bán. Số tiền thu được từ bán phế liệu, các chi hội phụ nữ trao tặng cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, GreenHub đã thực hiện kiểm toán rác thải cho 7 nhà hàng, khách sạn thị trấn Cát Bà. Kết quả kiểm toán cho thấy, trung bình một ngày mỗi phòng khách sạn thải ra khoảng 0,32kg rác tương đương 6,2 lít chất thải. Trong đó 27% thể tích là nhựa không thể tái chế. Để giảm thiểu lượng RTN mỗi ngày, Sea Pearl là khách sạn tiên phong thay đổi sau khi được chia sẻ thực hành xanh. Tại khu vực quầy bar của khách sạn đã hoàn toàn không sử dụng ống hút nhựa. Các đồ dùng nhựa 1 lần như hộp xốp, cốc nhựa 1 lần gần như không được cung cấp, trừ khi có khách yêu cầu… Ngoài ra, Dự án cũng hỗ trợ Hợp tác xã Thành Vinh, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng thực hiện mô hình đồng bộ thu gom - phân loại rác thải tại nguồn. Bà Đoàn Thị Mơ, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty chia sẻ, được sự hướng dẫn và hỗ trợ của Dự án, các nhân viên Hợp tác xã đã tăng cường thu gom và phân loại rác nhựa, tiến hành ủ rác hữu cơ từ các loại rau, củ, quả thừa thành nước tẩy rửa hữu cơ. Đây là sản phẩm an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường.
Tiếp theo, hoạt động truyền thông về vấn đề ô nhiễm rác thải nói chung và RTN nói riêng cũng được GreenHub chú trọng thực hiện, thiết kế các tài liệu: “Sổ tay hướng dẫn quy trình sản xuất Enzym sinh thái bản tóm tắt”; “Các công nghệ ủ sinh học xử lý chất thải rắn hữu cơ”; “Khảo sát và giám sát rác thải ven biển Việt Nam”; “Đánh giá và kiểm toán nhãn (Hướng dẫn thực hành)".
Ngoài ra, tại buổi Hội thảo tổng kết kết quả Dự án Vịnh Xanh, GreenHub cũng tổ chức triển lãm và trưng bày ấn phẩm, sản phẩm sống xanh. Đây được coi như là một “điểm nhấn xanh”, không chỉ thu hút mọi người tương tác trực tiếp với sản phẩm, thu hút người xem với những ấn phẩm được thiết kế màu sắc tươi sáng và nội dung dễ đọc, dễ hiểu.
Kết thúc Hội thảo, GreenHub đã tổ chức chuyến tham quan thực tế mô hình thí điểm phao phủ sơn Line X tại làng chài Vung Viêng nơi dự án thực hiện. Các đại biểu đã trao đổi về loại vật liệu cũng như những ảnh hưởng của rác xốp tác động tới ngành nuôi trồng thủy sản và môi trường. Hai phao phủ sơn Line X được trưng bày bao gồm một phao bọc lưới và một phao không bọc lưới. Sau khi trực tiếp quan sát và nghiên cứu mô hình cho thấy, sự khác biệt giữa phao xốp thông thường (dễ vỡ, mủn và gây ra rác xốp nhỏ khó dọn dẹp) với phao được phủ sơn Line X không bọc lưới (bền, chắc, vẫn có hà bám vào phao) và phao phủ có lưới bọc (bền, chắc và có thể thay thế tấm lưới khi quá nhiều hà bám vào, phao vẫn được giữ nguyên hiện trạng và bọc bằng một lưới bọc khác thay vì phải bỏ cả phao). Cuối cùng, tất cả đều ủng hộ phương án phao phủ sơn Line X được bọc thêm lưới bảo vệ bên ngoài, đây sẽ là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu các mảnh rác xốp bị vỡ và trôi dạt ra môi trường.
Các đại biểu trực tiếp quan sát mô hình phao phủ sơn Line X tại làng chài Vung Viêng
Có thể nói, các hoạt động thiết thực, mô hình phù hợp, sáng tạo hiệu quả của Dự án Vịnh Xanh đang góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, “hành động nhỏ, thay đổi lớn” của cộng đồng, cùng chung tay BVMT.
Trần Thị Hoa