Liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu tỉnh Hà Nam lần thứ VI vừa được tổ chức tiếp tục là dịp để các địa phương giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của các di tích, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.784 di tích, trong đó có 194 di tích đã được Nhà nước xếp hạng. Các di tích chính là những bằng chứng sinh động, có ý nghĩa quan trọng phản ánh quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ người dân Hà Nam; hội tụ tinh hoa về kiến trúc, mỹ thuật truyền thống dân tộc. Các di tích còn là nơi neo đậu, lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú và độc đáo của Hà Nam. Đó là những di sản vừa mang tính chất chung của vùng châu thổ sông Hồng, vừa mang nét đặc sắc riêng của từng địa phương.
Tiết mục trình diễn văn hóa dân gian của đình Chảy, huyện Thanh Liêm.
Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 100 nghệ nhân dân gian, thành viên Ban quản lý các di tích, các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ cơ sở và người dân nơi có di tích được chọn làm đại diện. Lý Nhân có đền Trần Thương (Xã Trần Hưng Đạo), thị xã Duy Tiên có đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam) là khu du lịch tâm linh cấp vùng, nơi gắn liền với nghệ thuật dân gian trình diễn Chầu văn nên vẫn được lựa chọn tham gia liên hoan lần thứ VI. Những giá chầu từ lâu chỉ lưu giữ, thể hiện nơi các đền, điện trong một khuôn mẫu nhất định, nhưng với nghệ thuật trình diễn mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa truyền thống, đậm chất dân ca, dân vũ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đã dần bước ra thành nghệ thuật trình diễn sân khấu. Trên sân khấu liên hoan các yếu tố căn bản của Chầu văn là tín ngưỡng dân gian thông qua nghệ thuật ca hát cổ truyền vẫn được giữ nguyên, người thực hành đều là các nghệ nhân nên tiết mục của 2 đơn vị Lý Nhân, thị xã Duy Tiên vẫn thu hút đông người xem. Ngoài 2 di tích trên, đình Yên Đổ (xã An Đổ, huyện Bình Lục) tham gia liên hoan cũng bằng các làn điệu hát văn sôi động.
Được định danh là tiểu vùng văn hóa Liễu Đôi, mảnh đất phía Đông Thanh Liêm từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại hình dân ca và các lễ hội truyền thống riêng có. Trong các di tích tiêu biểu, đại diện cho huyện, đình Chảy (xã Liêm Thuận) với nghệ thuật hát Trống quân đã được chọn lựa. Hát Trống quân ở Liêm Thuận chỉ có tiếng trống đánh điểm nhịp cho câu hát là chính, không có thêm một loại nhạc cụ nào khác, tiếng trống ở đây còn để thôi thúc đối phương tham gia đối đáp. Trống hát Trống quân Liêm Thuận mang nét đẹp độc bản bởi nó mộc mạc, giản dị, dân dã mà âm thanh thì vang vọng, rền xa. Âm vang Trống quân Liêm Thuận phát ra từ một sợi dây thừng truyền vào lòng vò, lòng vại, lòng thuyền rồi truyền vào đồng nước bao la mênh mông mùa tháng Tám âm lịch hằng năm trong lễ hội truyền thống của làng. Khung cảnh không thể tái hiện, nhưng tiếng trống “thùng thì thùng” cùng những câu hát mượt mà, uyển chuyển, sâu lắng được các thành viên Câu lạc bộ hát Trống quân Liêm Thuận thể hiện đã nói lên nếp nghĩ, nếp người, nếp quê của Liêm Thuận. Qua các câu hát đối đáp, người xem cảm nhận được cái tình mời gọi: “Ai về Liêm Thuận quê tôi. Miền văn hóa cổ đang hồi sức xuân. Về làng Chảy hát trống quân. Áo the khăn xếp tứ thân rộn ràng”.
Đền Mẫu thuộc Phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Đây là nơi phụng thờ Tiên Thiên Liễu Hạnh Công chúa thượng đẳng thần và hai tiên nữ phò tá Quỳnh Anh và Quế Anh chi thần. Ngày 3/3 âm lịch hằng năm là ngày kỵ mẫu, nhân dân trong làng đều tổ chức lễ hội tại đền. Trong lễ hội, nhiều nghi lễ, trò hội được thực hiện như tế nữ quan, múa sênh tiền, hát Chầu văn, hầu bóng, làm bánh giầy, nấu chè kho… Tham gia liên hoan, đền Mẫu biểu diễn tiết mục tế nữ quan – vốn văn hóa truyền thống tại di tích do các tín đồ phật tử của địa phương thực hiện. Ngoài việc bày biện các vật dụng dùng trong tế lễ, các bước thực hiện lễ tế được đội nữ quan thực hiện nhuần nhị từng bước rất nghiêm cẩn, đúng theo trình tự cổ truyền. Trên 30 bước thực hiện các nghi lễ dâng hương, hoa, trà, quả, rượu, thực, tiết mục tế nữ quan của Phường Quang Trung đã thể hiện được đúng tính chất của loại hình tế lễ mang đậm tính chất dân gian truyền thống của một tín ngưỡng điển hình.
Nhiều liên hoan trước, Kim Bảng thường lấy hát Dậm Quyển Sơn, đền Trúc tham gia, nhưng năm nay, huyện giới thiệu di tích đền thờ nữ tướng Lê Chân và biểu diễn trống trận. Đền Lê Chân thuộc thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, Kim Bảng. Cách đây 1977 năm về trước, trên đỉnh núi Giát Dâu của thôn, trời đất đã chứng kiến một tấm gương trung dũng, hào hùng, kiên cường, bất khuất của một trong những nữ tướng tài ba của Trưng Nữ vương. Không địch nổi kẻ địch quá mạnh, từ trên đỉnh Giát Dâu cũng là căn cứ luyện quân, bà đã gieo mình tuẫn tiết, giữ trọn khí tiết trước quân thù. Ngày 13/7 âm lịch hằng năm nhân dân địa phương đều tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn của bà. Bên cạnh các nghi thức tế lễ, lễ hội, đền bà Lê Chân còn sôi động với màn múa trống hội của thôn Hồng Sơn. Đội trống tuy mới thành lập được 5 năm nhưng được học bài bản, cùng gần 40 chiếc trống lớn nhỏ có thể coi là một đội trống lớn trong tỉnh. Biểu diễn tại liên hoan, đội trống Hồng Sơn đã trình diễn trống trận với các màn khởi nguồn, xung trận và khát vọng.
Bên cạnh phần trình diễn văn hóa dân gian, các đơn vị tham gia liên hoan còn giới thiệu về di tích thông qua trưng bày ảnh về di tích, lý lịch di tích và những kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Các di tích được giới thiệu tại liên hoan đều mang trong mình các yếu tố văn hóa truyền thống tiêu biểu, ngoài kiến trúc độc đáo còn có các truyền thuyết sinh động về các nhân vật thờ, tín ngưỡng bản địa và đặc biệt là các mảng chạm, điêu khắc tại các đình, đền đều mang yếu tố kỹ, mỹ thuật rất đặc sắc và nổi trội. Các địa phương có di tích tham gia liên hoan năm nay cũng đều là các địa phương làm rất tốt công tác xã hội hóa trong việc trùng tu, tôn tạo di tích.
Liên hoan văn hóa dân gian các di tích tiêu biểu lần thứ VI là một trong các hoạt động của ngành văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tạo cơ hội để những người làm công tác bảo tồn cơ sở giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong việc giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương; đồng thời tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chu Bình