Môi trường tự nhiên xanh – sạch – đẹp và an toàn, là một tiêu chí bảo đảm chất lượng cuộc sống. Điều này càng đúng với du lịch, thậm chí môi trường đang là một nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, thương hiệu và chất lượng sản phẩm du lịch.
Thanh niên tham gia dọn vệ sinh môi trường khu vực bãi biển Hải Tiến.
Môi trường đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển ngành du lịch. Do vậy, trong “Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”, nhiệm vụ cải thiện môi trường du lịch được đặc biệt nhấn mạnh. Trong đó, gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường du lịch; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về du lịch bền vững, bảo vệ môi trường du lịch. Đồng thời, huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa, cùng với nguồn ngân sách hỗ trợ để xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch. Cùng với đó, tổ chức thu gom và xử lý hợp vệ sinh chất thải rắn tại tất cả các khu, điểm du lịch, đặc biệt là vào mùa cao điểm của du lịch biển; tiến hành san lấp cát và sàng lọc rác trên cát tại các khu du lịch biển của Sầm Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nghi Sơn nhằm bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường và an toàn tắm biển...
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, lễ hội, thể thao và du lịch; phê duyệt đề án xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và mẫu nhà vệ sinh phù hợp với từng loại hình du lịch. Trên cơ sở đó, hàng năm UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh bố trí kinh phí xây dựng. Kết quả, trong giai đoạn 2016-2020, có 59 khu nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, được hỗ trợ kinh phí xây dựng tại các khu, điểm du lịch (đạt 92,19% kế hoạch). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 94 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, bước đầu đã góp phần cải thiện công tác vệ sinh môi trường và đáp ứng nhu cầu dịch vụ tối thiểu của khách du lịch.
Bên cạnh đó, các khu, điểm du lịch lớn đều được hỗ trợ kinh phí trang bị thùng đựng rác, máy sàng cát, lắp biển báo chỉ dẫn. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành và thực hiện tương đối tốt quy chế bảo vệ môi trường tại hầu hết các khu, điểm du lịch, các di tích; xây dựng được nhiều mô hình quần chúng tham gia bảo vệ môi trường tại các xã, phường, thị trấn. Hoạt động thu gom chất thải rắn ở các khu, điểm du lịch cũng được chú trọng và đi vào nền nếp. Đặc biệt, có 90% cơ sở kinh doanh dịch vụ đã xây dựng và thực hiện quy chế bảo vệ môi trường, trong đó có việc thu gom và xử lý chất thải rắn; 100% cơ sở lưu trú và kinh doanh ăn uống cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch quy mô lớn đã đầu tư các công trình vệ sinh công cộng, hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn; áp dụng mô hình giảm thiểu chất thải, tái sử dụng và tái chế chất thải; sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính...
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả, song, với tốc độ tăng trưởng ngành du lịch như hiện nay, có lúc có nơi, môi trường đang phải “gánh” không ít hệ lụy. Cứ vào những đợt cao điểm du lịch, không khó để bắt gặp cảnh các bãi tắm lềnh bềnh rác. Mặc dù vấn đề thu gom rác thải ở các bãi biển đã được các địa phương quan tâm và có cải thiện. Song, vấn đề này rõ ràng là chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều bãi biển như Hải Tiến, Hải Hòa hay của huyện Quảng Xương, chưa có nhân công vệ sinh môi trường thu gom rác và sàng cát làm sạch môi trường. Bên cạnh đó, việc thu gom xử lý nước thải tại các khu, điểm du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Hiện chỉ có Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến và Khu nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong khi, công trình xử lý nước thải tập trung của TP Sầm Sơn đã xuống cấp, một số tuyến chưa được thu gom triệt để, công suất xử lý thấp nên chưa đáp ứng yêu cầu và thường xuyên quá tải vào các đợt cao điểm khách du lịch. Ngoài ra, một số doanh nghiệp không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc hồ sơ môi trường tương đương...
Để xây dựng hình ảnh du lịch Thanh Hóa an toàn, thân thiện, văn minh, thiết nghĩ, cần tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó không thể không nhấn mạnh đến công tác bảo vệ môi trường, để du khách không quay lưng và cũng để bảo đảm cho du lịch phát triển bền vững.
Bài và ảnh: Hoàng Xuân