"Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa"

Cập nhật: 19/11/2020
Ngày 18-11, tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Bảo tàng Hà Tĩnh tổ chức lễ khai mạc chuyên đề “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” nhân kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc xử lý hiện trường khai quật, năm 2012. Ảnh: BTLSQG)

Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là cụm di tích bao gồm Bãi Cọi và các địa điểm xung quanh như Bãi Lòi, Bãi Phôi Phối, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đầu năm 1974, Viện Khảo cổ học khảo sát địa bàn này và đã phát hiện nhiều hiện vật đá, gốm, đồng.

Trải qua hơn 3 thập niên bị lãng quên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) phối hợp cùng Sở VH-TT-DL tỉnh Hà Tĩnh tiến hành các cuộc khai quật vào năm 2008-2009. Đặc biệt, năm 2012, trong khuôn khổ dự án hợp tác nghiên cứu khai quật khảo cổ học nhằm tìm hiểu các nền văn hóa cổ đại châu Á giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, di tích Bãi Cọi một lần nữa được các chuyên gia khảo cổ của 2 bảo tàng tổ chức khai quật quy mô lớn.

Diện mạo di tích Bãi Cọi dần được hé mở, mang đến những thông tin mới trong việc tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh và Đông Sơn trong thời sơ sử ở nước ta. Năm 2014, Bộ VH-TT-DL đã ký quyết định công nhận Di tích khảo cổ học Phôi Phối - Bãi Cọi là Di tích cấp quốc gia.

Chuyên đề “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” với hơn 150 hiện vật, tư liệu, đem tới công chúng thông tin về vị trí, vai trò của di tích này trong diễn trình lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Mai An

Nguồn: Báo SGGP