(TITC) – UBND huyện Côn Đảo vừa phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) khởi động đề án “Côn Đảo - Nói không với túi ni lông – Hướng đến mục tiêu không rác thải nhựa” nhằm giảm thiểu sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần này tại huyện đảo này.
Bà con tiểu thương tham gia đề án. Ảnh báo Công thương
Tham dự sự kiện có lãnh đạo đại diện WWF-Việt Nam, UBND huyện Côn Đảo, Ban Quản lý chợ Côn Đảo và các bà con tiểu thương chợ Côn Đảo tham gia đề án.
Đây là nỗ lực rất lớn của UBND huyện Côn Đảo, WWF-Việt Nam cùng các cơ quan, đơn vị tại địa phương nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con tiểu thương, người dân và du khách về tác hại của việc sử dụng nhựa dùng một lần, đặc biệt là túi ni lông với kỳ vọng thay đổi thói quen của người dân.
Theo đó, chuỗi các hoạt động bao gồm hệ thống bảng tuyên truyền tại khu vực chợ Côn Đảo với thông điệp “Tôi chọn giảm túi ni lông – Để Côn Đảo mãi là thiên đường” đã được triển khai và thu hút sự quan tâm của người dân và khách du lịch nhiều ngày qua. Bên cạnh đó, hoạt động ký gửi giỏ xách cho bà con khi đi chợ cũng sẽ được triển khai nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông. Cụ thể, người dân và khách du lịch nếu không có, hoặc quên mang theo túi đựng cá nhân thì có thể tới quầy ký gửi để được cấp giỏ xách đồ thay cho túi ni lông. Giỏ xách là các loại túi có quai, kích thước lớn như: túi vải, túi cói, túi lưới, túi bạt… phù hợp với nhu cầu mua sắm thường ngày của bà con.
Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Bảo Ân, trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Côn Đảo cho biết: “Tại Côn Đảo chúng ta đang tồn đọng một khối lượng lớn rác thải chưa được xử lý và bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực đối với cảnh quan môi trường. Do vậy, ngày hôm nay, phòng Tài nguyên và Môi trường cùng với Ban Quản lý chợ Côn Đảo phát động đề án Côn Đảo - Nói không với túi ni lông - Hướng đến mục tiêu không rác thải nhựa”. Với truyền thống thân thiện, hiền hậu của người dân Côn Đảo, với sự quyết tâm của lãnh đạo địa phương, sự phối hợp và nỗ lực chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và đặc biệt là sự tiên phong đi đầu của các cô bác tiểu thương tại chợ Côn Đảo cùng thực hiện thì chắc chắn sẽ tạo được sự lan toả rộng rãi đến nhân dân và du khách. Tôi tin tưởng rằng nếu chúng ta cùng chung tay góp sức, mỗi người một hành động nhỏ, chúng ta sẽ thành công trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, nói không với túi ni lông cũng như giữ gìn và bảo vệ môi trường Côn Đảo ngày càng xanh sạch đẹp.”
Theo kế hoạch, để có được dữ liệu làm cơ sở để triển khai thực hiện các bước tiếp theo, các thành viên dự án sẽ thực hiện các cuộc khảo sát về hiện trạng sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần tại chợ Côn Đảo. Bước đầu sẽ thống kê, rà soát được hiện trạng sử dụng túi ni lông tại địa bàn, đánh giá sự ảnh hưởng của rác thải ni lông đối với môi trường. Trên cơ sở đó, Ban điều hành dự án sẽ nghiên cứu và đưa ra các phương án tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con một cách hiệu quả.
Đại diện WWF-Việt Nam, bà Nguyễn Mỹ Quỳnh, Quản lý dự án Giảm rác Nhựa Đại dương – Hợp phần Khu Bảo tồn biển, cho biết: “Chúng tôi tin rằng từng cá nhân người dân Côn Đảo đã và sẽ luôn tích cực, tràn đầy năng lượng trong hoạt động bảo vệ môi trường sống của chính mình. WWF sẽ ủng hộ và tham gia tích cực với chính quyền và người dân địa phương để đóng góp cho sự thành công của đề án”.
Đề án “Côn Đảo - Nói không với túi ni lông - Hướng đến mục tiêu không rác thải nhựa” dự kiến được triển khai trong quý 4 năm 2020 và tiếp tục kéo dài trong thời gian tiếp theo.
Côn Đảo là quần đảo lớn của Việt Nam, cách thành phố Vũng Tàu 97 hải lý theo đường biển, từng được biết đến là nơi giam giữ và lưu đày tù nhân lớn nhất Đông Dương trước năm 1975. Ngày nay, nơi đây được biết đến là điểm du lịch nghỉ dưỡng và tham quan với các bãi tắm và khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc gia Côn Đảo, một trong hai Vườn Quốc gia duy nhất tại Việt Nam bao gồm cả các phần trên cạn và dưới biển. Khu vực biển Côn Đảo có thảm cỏ biển rộng khoảng 600ha, các rặng san hô với diện tích 1.000 ha và là nơi sinh sống của đồi mồi, rùa xanh, cá heo và dugong, một loài cực kỳ quý hiếm của Việt Nam và thế giới. Ngoài ra, Côn Đảo còn có các bãi làm tổ quan trọng đối với rùa biển.
Do đặc thù nằm giữa biển, Côn Đảo chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ rác nhựa đại dương, nhất là ở các khu rừng ngập mặn, các bãi đá. Những năm qua, do lượng khách du lịch tăng nhanh nên các bãi rác tại huyện cũng gặp phải tình trạng quá tải. Lượng rác ở Côn Đảo hiện còn tồn đọng khoảng 70.000 tấn. Do vậy, vấn nạn rác thải nhựa hiện đang là một trong những vấn đề nhức nhối trong quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của chính quyền và người dân.
Trung tâm Thông tin du lịch