Vai trò của báo chí trong công tác bảo vệ môi trường

Cập nhật: 01/12/2020
Ngày 27/11 tại Tp. Hạ Long, Quảng Ninh diễn ra Hội thảo “Tham vấn lấy ý kiến về việc đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường của các cơ quan báo chí”.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dữ liệu môi trường Nguyễn Văn Thùy nhấn mạnh, trong công tác bảo vệ môi trường, cơ quan truyền thông, báo chí giữ vai trò quan trọng, là mắt xích không thể thiếu trong công tác tuyên truyền về các chính sách về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Hội thảo nhằm mục tiêu tăng cường kết nối, đẩy mạnh phối hợp trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường của các cơ quan báo chí.

Trao đổi tại Hội thảo, Trưởng ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, TS. Trần Bá Dung chỉ ra những thách thức cho nhà báo môi trường như áp lực thương mại của báo chí, khó khăn từ tòa soạn, nhận thức và hiểu biết của độc giả và sự phức tạp của vấn đề môi trường. TS. Trần Bá Dung kiến nghị, cơ quan quản lý cần có bộ phận chuyên trách, có kĩ năng hợp tác cung cấp thông tin, xử lí thông tin một cách chuyên nghiệp… Mặt khác, công tác tuyên truyền cũng cần có những hình thức đa dạng và phong phú, phù hợp với từng đối tượng và có sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phương cùng với cơ quan truyền thông.

PGS.TS. Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường phổ biến về những điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường như bổ sung nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, quy định chủ thể có trách nhiệm về yêu cầu bồi thường, bổ sung thêm phương thức giải quyết bồi thường…

Cũng tại hội thảo, ThS. Nguyễn Mạnh Điệp – Phó Giám đốc Trung tâm điều hành sản xuất tại Quảng Ninh thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã trao đổi về công tác bảo vệ môi trường của Tập đoàn và giải pháp tăng cường phối hợp truyền thông về bảo vệ môi trường. Theo đó, hiện Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đã trồng cải tạo phục hồi môi trường được hơn 1200ha, xây dựng 49 trạm xử lý nước thải mỏ với năng lực xử lý trên 140 triệu m3/năm, lắp đặt 50 máy phun sương dập bụi cao áp, đầu tư xe tưới đường mỏ chuyên dùng, đổi mới công nghệ trong hầm lò, lộ thiên, sàng tuyển…góp phần bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Tập đoàn đã chủ động cung cấp thông tin, kết quả bảo vệ môi trường, xây dựng cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan truyền thông bảo vệ môi trường…

Thanh Sơn

Nguồn: Báo Du lịch