Đến Thành phố Thái Nguyên, hòa mình vào không gian xanh ngút ngàn của thủ phủ chè Tân Cương, được chứng kiến tận mắt cảnh sinh hoạt đời thường của đồng bào dân tộc là những trải nghiệm ấn tượng, độc đáo về một vùng đất cách mạng đang thay da đổi thịt hằng ngày, với hơn 70% số xã được công nhận nông thôn mới.
Thực hiện nghi thức Lễ hội Lồng Tồng ở Bản làng Thái Hải - Ảnh: T.H
Cùng với nỗ lực của lãnh đạo và sự chung tay đoàn kết của người dân, Tân Cương đang ngày một lớn mạnh, đặc biệt là ứng dụng khoa học vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây chè đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Làng nghề du lịch chè Tân Cương
Tuy nhiên, dù áp dụng những tiến bộ khoa học hiện đại nhưng Tân Cương vẫn giữ được những nét truyền thống riêng có trong việc sản xuất, chế biến chè. Nhiều hợp tác xã được hình thành để liên kết những hộ sản xuất nhỏ thành những quần thể chè rộng lớn, đủ năng lực cung cấp cho thị trường. Một trong những nét hấp dẫn khi đến nơi đây là du khách sẽ được sống trong không gian “văn hóa chè” vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại. Vào bất cứ gia đình nào, chủ nhà cũng sẽ đon đả rót những chén chè xanh ngon nhất, đậm đà nhất, đủ sức níu chân người.
Nằm ngay trục đường chính, hợp tác xã Hảo Đạt có khuôn viên rộng với 2 khu nhà gỗ 5 gian thoáng đãng để du khách thưởng chè và tìm hiểu, mua sắm những sản vật địa phương. Chè được pha theo phong cách xưa, rót vào những chén hạt mít, nước có màu lúa non dịu mát, hương thơm nồng đượm và khi uống vào sẽ thấy vị chát, chép miệng vài cái lại thấy nổi lên vị ngọt thanh nơi cổ họng. Bên cạnh đó là hoạt động tái hiện khâu chế biến, sản xuất chè theo phương thức thủ công dành cho du khách muốn trải nghiệm về văn hóa chè truyền thống.
Bà Đào Thanh Hải, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt cho biết: “Không chỉ sản xuất các sản vật từ cây chè mà chúng tôi còn tổ chức không gian trưng bày các đặc sản độc đáo riêng có của địa phương. Một trong những điều thu hút và hấp dẫn du khách khi đến đây là được diện những bộ trang phục dân tộc, đeo gùi và đội nón lên đồi chè để hòa mình vào công việc của bà con cũng như ghi lại những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng; được dạo bộ trên cây cầu nổi giữa những nương chè xanh biếc... Sau khi hái chè về, dưới sự hướng dẫn của cơ sở, du khách sẽ thực hiện quá trình sao chè để hiểu hơn về lịch sử công việc sản xuất chè”.
Giới trẻ hào hứng nghe bà Đào Thanh Hải nói chuyện về chè và thưởng chè Ảnh: Minh Khánh
Bản làng dân tộc thiểu số giữa thị thành
Đến với Thái Nguyên cũng không thể bỏ qua Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải (xóm Mỹ Hào, xã Đức Thịnh), còn được gọi là Bản làng Thái Hải. Dù mới đưa vào hoạt động đón khách du lịch chỉ vài năm, nhưng nơi đây đã nhanh chóng trở thành điểm du lịch tiêu biểu nhất của tỉnh Thái Nguyên với bề dày văn hoá truyền thống của người dân tộc thiểu số, sự độc đáo và chất lượng dịch vụ.
Với diện tích khoảng 25 ha (nằm trong tổng diện tích được quy hoạch là 70ha), Bản làng Thái Hải quy tụ và gìn giữ 30 ngôi nhà sàn đã có tuổi đời ngót nghét trăm năm, được chuyển từ khu An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên) về phục dựng lại nguyên bản tại đây. Không chỉ bảo tồn “phần xác” mà “phần hồn” của những ngôi nhà sàn đó cũng được giữ gìn và thổi vào hơi thở cuộc sống, với những sinh hoạt, lao động sản xuất theo truyền thống của 30 gia đình dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Tày, Nùng. Ngày 24.11 (tức 10.10 âm lịch) vừa qua, Bản làng Thái Hải đã đón hàng trăm du khách về dự Lễ hội cơm mới được tiến hành theo đúng nghi thức cổ truyền để cầu cho vụ mùa tươi tốt, tạ ơn trời đất mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà yên ấm... Không chỉ có Lễ hội cơm mới mà nhiều nghi lễ đặc trưng của người Tày cũng đang được tổ chức tại bản như: Lễ hội lồng tồng, nghi lễ then cầu phúc, cầu an, rối cạn...
20 năm trước, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, một người con dân tộc Tày Định Hóa xót xa trước thực trạng đồng bào có xu hướng thay thế nhà sàn truyền thống bằng nhà xây hiện đại. Từ năm 2003, bà đã chắt chiu dành dụm mua lại những ngôi nhà đó, phục dựng nguyên bản và tạo nên Bản làng Thái Hải này. Sống ở đây, mỗi gia đình có một thế mạnh riêng như nhà thì làm thuốc gia truyền, nhà thì trồng lúa nếp, nhà làm bánh, nhà trồng chè, nhà bảo tồn nghi thức hát Then... Ngoài “Khu bảo tồn” này, Bản làng Thái Hải cũng cung cấp các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, lưu trú, ẩm thực, âm nhạc để phục vụ du khách.
Theo bà Lý Thị Chiên, Phó giám đốc Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc Sinh thái Thái Hải, không chỉ phục dựng các hiện vật mà toàn bộ phong tục, tập quán, tâm linh của người Tày, Nùng như giếng làng, mõ làng, cổng làng cũng được gìn giữ. Trong mỗi gia đình, từ người già đến trẻ em đều mặc trang phục và nói tiếng dân tộc... Để có được Bản làng Thái Hải hôm nay, ngoài việc nghiên cứu, học hỏi và phát huy những giá trị văn hoá đặc trưng còn là sự tự nguyện, đồng lòng, đoàn kết của bà con. “Dù vậy, chúng tôi vẫn còn khó khăn trong việc dung hoà giữa bảo tồn di sản và tiêu chí giảm nghèo. Chẳng hạn, theo tiêu chí giảm nghèo phải xoá nhà tranh, tre nứa lá, nhưng ở đây chúng tôi bảo tồn 30 ngôi nhà sàn đều là tranh, tre, nứa lá, do vậy khó tiếp cận với nguồn vốn vay để chống xuống cấp, đầu tư, phát triển. Chúng tôi đón nhận cuộc sống hiện đại, cuộc sống nông thôn mới để cải thiện chất lượng sống cho bà con, nhưng cũng mong những nhà quản lý phải hoạch định những chính sách phù hợp, đặt giá trị di sản, bảo tồn song song với phát triển, tiếp thu cái mới nhưng không làm mất đi giá trị văn hóa truyền thống”, Phó giám đốc Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc Sinh thái Thái Hải chia sẻ.
Quỳnh Hoa