Biến đổi khí hậu đang làm hư hại những khu vực di sản nổi tiếng nhất của thế giới, trong đó có Rạn san hô Great Barrier của Australia và hàng chục di sản thiên nhiên khác đang đối mặt với những mối đe dọa nghiêm trọng. Đây là cảnh báo được Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) thuộc LHQ đưa ra trong tuần này.
Biến đổi khí hậu khiến các rạn san hô bị tẩy trắng (Ảnh: AP)
Báo cáo của IUCN cho biết, biến đổi khí hậu dẫn tới thu hẹp các sông băng, gia tăng cháy rừng, lụt lội và hạn hán, tẩy trắng các rạn san hô. Hiện có 83 trong tổng số 252 Di sản thế giới của UNESCO đang đối mặt với các vấn đề trên.
Theo IUCN, kể từ Báo cáo Triển vọng Di sản Thế giới được công bố cách đây ba năm, có tới 16 di sản thế giới đã xuống cấp, trong khi chỉ có tám di sản được cải thiện tình trạng xuống cấp.
“Các di sản thế giới tự nhiên là những nơi quý giá nhất của thế giới và chúng ta đa đang nợ các thế hệ tương lai để bảo vệ chúng”, Tổng giám đốc IUCN Bruno Oberle nói. “Biến đổi khí hậu đang tàn phá Di sản Thế giới tự nhiên, từ việc thu nhỏ các sông băng đến tẩy trắng san hô, các trận hỏa hoạn và hạn hán ngày càng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng”.
Rạn san hô Great Barrier (Australia) ở khu vực đại dương đang ấm lên, tình trạng a-xít hóa và thời tiết cực đoan góp phần làm suy giảm số lượng san hô và thu hẹp quần thể sinh vật biển. Rạn san hô Great Barrier là một trong bốn khu vực tại Australia đang bị đe dọa “rất nghiêm trọng”.
Các hòn đảo thuộc các khu bảo tồn trong Vịnh California ở Mexico cũng được xếp vào danh sách tình trạng “nghiêm trọng” trong danh sách di sản bị đe dọa vì biến đổi khí hậu. Theo đó, Vườn quốc gia Garajonay của Tây Ban Nha, Vườn quốc gia Olympic ở Mỹ và Khu dự trữ sinh quyển bướm Monarch của Mexico nằm trong số những nơi bị đe dọa “rất cao”.
Báo cáo cho hay, trong khi 63% các khu di sản được phân loại là “tốt” hoặc “tốt với một số vấn đề cần quan tâm”, thì 30% ở mức “cần quan tâm đáng kể” và 7% ở mức “nghiêm trọng”.
Trong hai báo cáo trước của IUCN, “các loài ngoại lai xâm hại” như các loài gặm nhấm, cá hoặc thực vật ngoại lai được cấy ghép dù vô tình hay cố ý, sang môi trường mới là mối đe dọa với các di sản. Trong báo cáo mới nhất này, biến đổi khí hậu nổi lên là mối đe dọa mạnh lớn nhất của các Di sản Thế giới.
Các hoạt động của con người như du lịch, săn bắn, đánh bắt cá, chăn thả gia súc cũng tạo ra tác động xấu tới các di sản.
N.T (Theo AP)