Năm 2019 khép lại với nhiều sự kiện/hoạt động quan trọng, có tác động tích cực đối với lĩnh vực BVMT và phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để năm 2020 hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, môi trường giai đoạn 2016 - 2020. Dưới đây là 10 sự kiện/hoạt động nổi bật năm 2019 trong lĩnh vực môi trường do Tạp chí Môi trường bình chọn.
1. Bộ TN&MT được giao đầu mối, quản lý nhà nước về chất thải rắn
Toàn cảnh Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2019
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2019, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 3/2/2019 về phương án thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn (CTR), giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, quản lý CTR ở cấp Trung ương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề CTR và xử lý CTR trên địa bàn. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã chủ động phối hợp với các Bộ Tư pháp, Xây dựng, Nội vụ… rà soát văn bản pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về CTR, trình Thủ tướng Chính phủ; ban hành Quyết định số 849/QĐ-BTNMT ngày 8/4/2019 để triển khai Nghị quyết số 09/NQ-CP; phê duyệt Kế hoạch kiểm tra, đánh giá công tác quản lý CTR trên phạm vị cả nước tại Quyết định số 867/QĐ-BTNMT ngày 10/4/2019. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã tổ chức thành công 2 Hội thảo: Quản lý nhà nước về CTR và Mô hình quản lý, công nghệ xử lý CTR sinh hoạt; Phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý CTR trên toàn quốc.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc về quản lý CTR vào năm 2020 để nhìn nhận, đánh giá toàn diện công tác quản lý CTR trong thời gian qua, nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về CTR trong thời gian tới.
2. Lan tỏa thông điệp cùng hành động chống rác thải nhựa
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng hoàn thiện bức tranh tập thể với thiếu nhi Thủ đô tại Lễ ra quân toàn quốc Phong trào chống RTN
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia đã mạnh mẽ cam kết về việc chống rác thải nhựa (RTN). Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn hệ thống chính trị và xã hội cùng chung tay hành động giải quyết vấn đề RTN, góp phần cải thiện môi trường, đóng góp trách nhiệm cùng các quốc gia bảo vệ hành tinh xanh. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, ngày 11/9/2019, Bộ TN&MT và 12 thành viên của Liên Minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, nhằm giải quyết vấn đề RTN. Cùng với đó, phong trào hạn chế sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần cũng ngày càng lan rộng tới từng cơ quan, đơn vị trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, với nhiều cách làm hay, bắt đầu từ những hành động nhỏ như mô hình “Ngày Chủ nhật xanh” tại Thừa Thiên - Huế; “Du lịch không rác thải nhựa” tại Hội An (Quảng Nam); hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần, tiến tới thực hiện cam kết 100% các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị trên địa bàn không sử dụng túi ni lông vào năm 2020 của TP. Hà Nội; Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, trường học…
Đồng thời, thực hiện cam kết với quốc tế về việc giải quyết các vấn đề RTN mà trọng tâm là RTN đại dương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu RTN đại dương, ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu, Kế hoạch đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ngăn ngừa việc xả RTN từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển.
3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra toàn diện việc chấp hành pháp luật trong BVMT
Năm 2019, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT tiếp tục được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của ngành TN&MT, tập trung chủ yếu vào các cơ sở có lượng xả thải lớn, thuộc loại hình hoạt động có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.Thực hiện Quyết định số 3549/QĐ-BTNMT ngày 23/11/2018 của Bộ trưởng Bộ TN&MT về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2019, Tổng cục Môi trường đã triển khai 17 đoàn thanh tra đối với 322/340 cơ sở; 2 đoàn thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về BVMT và ban hành kết luận thanh tra đối với Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát, (Hậu Giang), Công ty TNHH MTV Hapaco Đông Bắc (Hòa Bình); kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển MHD Việt Nam (Hà Nội), Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam (Đồng Nai). Bên cạnh đó, Tổng cục đã tổ chức 4 đoàn kiểm tra, đánh giá công tác quản lý CTR tại 73 cơ sở trên toàn quốc, báo cáo Bộ theo quy định.
4. Ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT đối với các tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương
Ngày 31/10/2019, Bộ TN&MT đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả BVMT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Bộ chỉ số) tại Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT. Bộ Chỉ số được cấu trúc thành 2 nhóm: Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về BVMT (nhóm I) và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống (nhóm II). Việc thực hiện các chỉ số nhóm I do UBND cấp tỉnh tổ chức thu thập, tổng hợp, đánh giá; chỉ số nhóm II được tiến hành thông qua điều tra xã hội học. Trên cơ sở kết quả tự đánh giá của các địa phương và điều tra xã hội học, Bộ TN&MT sẽ thành lập Hội đồng Thẩm định liên ngành để thẩm định, đánh giá. Kết quả BVMT của các địa phương được công bố vào dịp Lễ kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới (5/6) năm sau để đánh giá và công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường, các địa phương. Bộ Chỉ số này được áp dụng định kỳ hàng năm, bắt đầu chính thức từ năm 2020.
5. Hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường
Hội thảo Tham vấn ý kiến đại biểu Quốc hội về một số định hướng cần sửa đổi, bổ sung trong Dự án Luật BVMT và Luật Đất đai, ngày 11/11/2019 tại Hà Nội
Năm 2019, hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực môi trường tiếp tục được hoàn thiện, góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường.
Sau 5 năm triển khai, Luật BVMT năm 2014 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về BVMT.Tuy nhiên, qua quá trình thực thi, Luật cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Theo đó, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) có 17 chương, 177 điều, trong đó, xóa bỏ một số quy định về kế hoạch BVMT đối với các dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; bãi bỏ quy định “tiền kiểm” về xác nhận kế hoạch BVMT, thay vào đó là “hậu kiểm” bằng giấy phép môi trường …; bỏ thủ tục phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và sửa đổi việc thẩm định báo cáo ĐTM theo hướng báo cáo ĐTM do chủ dự án lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật… Hiện Bộ TN&MT đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hội thảo tham vấn, lấy ý kiến để hoàn chỉnh Dự án Luật BVMT (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét trong năm 2020.
Ngày 15/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Theo Nghị định này, nhiều văn bản pháp luật trong lĩnh vực môi trường đặt trước yêu cầu cấp bách phải sửa đổi, bổ sung, trong đó có Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, góp phần hoàn thiện pháp luật xử phạt vi phạm hành chính về BVMT, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, nhằm xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN) theo định hướng hội nhập quốc tế, Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 2211/QĐ-BTNMT ngày 30/8/2019 về Kế hoạch xây dựng hệ thống QCVN giai đoạn 2019 - 2020. Kế hoạch đề ra nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh và xây dựng các QCVN trên cơ sở học tập kinh nghiệm của một số nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới với mục tiêu bảo vệ chất lượng môi trường và sức khoẻ nhân dân, phù hợp với tình hình mới.
6. Môi trường không khí tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bị ô nhiễm kéo dài
Tình trạng ÔNMTKK trong năm 2019 rất nghiêm trọng, mức ô nhiễm cục bộ ngày càng tăng cao
Theo số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương, 5 năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí (ÔNMTKK) ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đáng chú ý, tình trạng ô nhiễm trong năm 2019 có nhiều khác thường so với các năm trước. Mặc dù các cấp quản lý đã triển khai nhiều biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm, nhưng diễn biến ÔNMTKK vẫn có chiều hướng gia tăng cả về không gian và thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nguyên nhân gây ÔNMTKK tại 2 TP là do sự gia tăng nhanh chóng của các phương tiện giao thông; mật độ xây dựng lớn, chất thải, khí thải từ các công trình phát thải ra môi trường nhiều; các nhà máy ven đô tăng nhanh; hoạt động đốt rơm rạ sau thu hoạch ở khu vực ngoại thành và đốt chất thải nguy hại; hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí, bụi không phát tán lên cao và công tác quản lý nguồn gây ô nhiễm chưa hiệu quả...
Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về BVMT không khí, nhất là ở các đô thị lớn; đề xuất giải pháp tổng thể BVMT không khí…
7. Hơn 1.014 mô hình của các tổ chức tôn giáo tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH
Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH
Trong gần 4 năm qua, kể từ sau Hội nghị toàn quốc về “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH” được tổ chức năm 2015 cũng chính tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, các tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai hiệu quả những nội dung, mục tiêu giải pháp trong "Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Việt Nam, Bộ TN&MT với các tôn giáo về BVMT, ứng phó với BĐKH giai đoạn 2015 - 2020". Sau 4 năm triển khai thực hiện, với sự tham gia tích cực và hiệu quả của các tôn giáo, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên các cấp, ngành TN&MT, các tôn giáo đã xây dựng được hơn 1.014 mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng tôn giáo, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo được sự chuyển biến mạnh về nhận thức và làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của nhiều chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng.
Tại Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia BVMT và ứng phó với BĐKH” lần thứ 2 năm 2019, lãnh đạo của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam đã cùng các cơ quan, ban, ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau thực hiện hiệu quả Chương trình; đồng thời tăng cường đoàn kết, sự gắn bó, đồng hành của các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
8. Nhiều Vườn Di sản ASEAN được Ban thư ký Hiệp hội ASEAN công nhận
VQG Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng) - một trong 4 VQG mới được công nhận danh hiệu Vườn Di sản ASEAN
Tại Hội nghị các Vườn Di sản ASEAN (AHP) lần thứ 6 được tổ chức vào tháng 10/2019 tại TP. Pakse (Lào), 9 danh hiệu AHP được trao cho các nước thành viên ASEAN, trong đó Việt Nam có 4, gồm: Vườn quốc gia (VQG) Vũ Quang (Hà Tĩnh), VQG Bidoup - Núi Bà (Lâm Đồng), VQG Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh) và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), nâng tổng số AHP tại Việt Nam lên 10 và Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều AHP trong ASEAN hiện nay. Hiện nay Việt Nam là quốc gia có nhiều AHP nhất trong ku vực ASEAN, góp phần quan trọng đẩy mạnh công tác bảo tồn ĐDSH, phát triển du lịch, văn hóa, lịch sử của Việt Nam.
9. Tăng cường hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường
Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài (Chủ tịch ASOEN Việt Nam) tham dự Hội nghị ASOEN 30 và các Hội nghị liên quan tại Băng Cốc, Thái Lan vào tháng 7/2019
Trong năm 2019, hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần không nhỏ vào thành công chung của ngành Môi trường. Hợp tác hợp tác song phương và đa phương đặc biệt được đẩy mạnh thông qua các hội nghị đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, diễn đàn công nghệ môi trường; thu hút và vận động các hỗ trợ kỹ thuật trong công tác BVMT; thực hiện những chiến dịch truyền thông về xử lý rác thải cho khu vực sông Mê Kông; lắp đặt hàng trăm bộ thiết bị quan trắc môi trường nước, không khí với công nghệ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan; thu hút hàng chục lượt chuyên gia hàng đầu từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Cộng hòa Séc để hỗ trợ các hoạt động liên quan đến sửa đổi Luật BVMT, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác trong khuôn khổ ASEAN được Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam (ASOEN Việt Nam) đẩy mạnh thông qua nhiều hoạt động như xây dựng, góp ý cho các văn kiện hợp tác ASEAN về môi trường: Tuyên bố ASEAN về chống RTN biển; Khung hành động ASEAN về RTN biển; Tuyên bố chung ASEAN về BĐKH tại Hội nghị COP25 UNFCCC... Các văn kiện đều đã được tiến hành các thủ tục tham vấn, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai lựa chọn, đề cử 2 trường học của Việt Nam nhận Giải thưởng Trường học sin thái ASEAN lần thứ 3 và 2 cá nhân tiêu biểu nhận Giải thưởng Thanh niên môi trường ASEAN lần thứ nhất năm 2019.
10. Vinh danh những cá nhân, nhà khoa học có nhiều đóng góp trong công tác BVMT
GS.TS. Đặng Thị Kim Chi nhận Giải nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019
Năm 2019 cũng ghi nhận và biểu dương nhiều nhà khoa học Việt Nam đã có đóng góp tích cực trong công tác BVMT và bảo tồn động vật hoang dã, cụ thể: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 ở lĩnh vực môi trường đã được trao cho GS.TS. Đặng Kim Chi, với những đóng góp to lớn trong giải quyết ô nhiễm môi trường ở các làng nghề Việt Nam. Công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam” của GS.TS. Đặng Thị Kim Chi đã xuất sắc nhận Giải Nhất, lĩnh vực môi trường. Đây là công trình khoa học “16 năm” giúp giải bài toán môi trường làng nghề hiện nay.
Cùng với đó, Giải thưởng L’Oréal - UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học cấp quốc gia” được triển khai tại Việt Nam năm 2009, đến nay, trải qua 10 năm đã có 32 nhà khoa học nữ trẻ tài năng Việt Nam được nhận giải thưởng này. Năm 2019, Giải thưởng được trao cho 3 nhà khoa học nữ xuất sắc, trong đó có TS. Hồ Thị Thanh Vân, Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh với Đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0, 8W0, 2O2 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng methanol là một dạng năng lượng tái tạo.
Bùi Hằng