Kể từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được vinh danh Di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới (tháng 6/năm 2014), hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ Di sản luôn được các cấp, ngành xem là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản..
Danh thắng Tràng An. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng
Quần thể danh thắng Tràng An nằm trên địa giới hành chính của 20 xã, phường của 5 huyện, thành phố trong tỉnh với gần 45 nghìn cư dân sinh sống. Riêng khu vực Di sản thế giới (vùng lõi) nằm trên địa giới hành chính của 12 xã thuộc huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp. Có thể nói, đây là những khu vực năng động nhất của các địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động kinh doanh du lịch nói riêng.
Vùng lõi Di sản bao gồm các khu vực cảnh quan thiên nhiên, khu vực di tích lịch sử, các khu vực bảo tồn bền vững đan xen, các khu vực dành cho hoạt động dịch vụ, du lịch và đặc biệt là khu vực dân cư với khoảng trên 17 nghìn cư dân sinh sống. Việc bảo tồn Di sản gắn với phát triển kinh tế - xã hội là một thách thức cho những người làm công tác quản lý di sản, chính quyền và cộng đồng dân cư trong khu vực Di sản.
Khi Di sản mới được công nhận, hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý, bảo tồn Di sản chưa đầy đủ, chủ yếu dựa vào các quy định chung của Luật Di sản văn hóa, các quy định tạm thời của tỉnh; người dân tại các khu vực dân cư nông thôn còn khá xa lạ với các khái niệm về bảo tồn Di sản, đặc biệt là đối với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan và kiểm soát các hoạt động xây dựng trong khu vực Di sản.
Trước bối cảnh đó, song song với việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ Di sản là một yêu cầu cấp thiết. Bám sát các quy định pháp luật vể quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, công tác tuyên truyền trong giai đoạn này tập trung vào việc phổ biến các quy định về bảo vệ Di sản như: Công ước Di sản thế giới 1972 của UNESCO, Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và một số quy định pháp luật liên quan khác về bảo vệ môi trường, kinh doanh dịch vụ du lịch, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng, quy chế quản lý và khai thác hang, động và hoạt động du lịch… trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật, nhằm nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật cho cán bộ, nhân dân, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật. Đối tượng tuyên truyền chủ yếu tập trung vào cư dân và những người làm dịch vụ du lịch tại các địa phương trong phạm vi Di sản. Người dân được tiếp cận một cách đầy đủ, có hệ thống những quy định về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, các quy định về phân vùng bảo vệ Di sản, đặc biệt là việc thực hiện các quy định về quản lý trật tự xây dựng - một nội dung khá mới mẻ, những có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của từng hộ dân trong phạm vi Di sản.
Đến giai đoạn hoạt động kinh doanh du lịch phát triển mạnh mẽ, kéo theo nó là việc gia tăng các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai và kinh doanh lưu trú du lịch. Trước tình hình trên, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật trong giai đoạn này đổi mới cả về nội dung, hình thức và đối tượng tham gia nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản trong tình hình mới.
Đây là giai đoạn các chủ trương, chính sách và hệ thống các quy định pháp luật về công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản được bổ sung, hoàn thiện đánh dấu bởi việc ra đời hàng loạt các văn bản quan trọng. Vì vậy, nội dung tuyên truyền, tiếp tục phổ biến các chủ trương, các quy định pháp luật về bảo vệ Di sản, bảo vệ môi trường và kinh doanh du lịch bền vững.
Hiện nay, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản đã đi vào nề nếp, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương đã chặt chẽ, kịp thời, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản đã cơ bản đầy đủ, hệ thống mốc giới bảo vệ, phân định vùng lõi, vùng đệm Di sản đã được xây dựng, quy hoạch các phân khu tại vùng lõi, vùng đệm Di sản đang được triển khai thực hiện.
Các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai và kinh doanh lưu trú có xu hướng giảm, không phát sinh các trường hợp vi phạm phức tạp, nghiêm trọng.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt những kết quả tích cực, vai trò, trách nhiệm của chính quyền, cán bộ chủ chốt đại diện tổ chức, đoàn thể cấp xã, thôn, xóm được nâng lên, đặc biệt là kiến thức pháp luật về trật tự xây dựng, quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch trong phạm vi Di sản đã được phổ biến sâu rộng đến các đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại các địa phương.
Năm 2020, với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19, hoạt động kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An vẫn tổ chức 2 chương trình tập trung vào công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan Di sản và phát triển du lịch bền vững với đối tượng tham gia là các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn Ninh Hải, Ninh Thắng (Hoa Lư) và lực lượng lao động tại khu du lịch núi chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Tràng An.
Bùi Quang Ninh - BQL Quần thể danh thắng Tràng An