Khi Việt Nam đang nỗ lực tạo dựng hình ảnh là điểm đến an toàn, thân thiện với hệ sinh thái đa dạng thì có một số nhóm đối tượng đang phá hỏng hình ảnh đó bởi việc buôn bán, sử dụng trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.
Ngành du lịch Việt Nam vài năm trở lại đây đã đạt được những thành tựu vô cùng ấn tượng. Năm 2019, trong bối cảnh du lịch thế giới tăng trưởng chậm lại, du lịch Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn đón 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018. Khách du lịch nội địa đạt 85 triệu lượt, tăng 6,3% so với năm 2018, giai đoạn 2015- 2019, khách nội địa tăng gần 1,5 lần từ 57 triệu lượt năm 2015 lên 85 triệu năm 2019, tăng bình quân 10,5% mỗi năm. Cũng trong năm, Việt Nam dành được hàng loạt các giải thưởng danh giá do các tổ chức quốc tế trao tặng. Không chỉ có vậy, Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF): năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã nâng lên hơn 10 bậc so với năm 2015 (từ vị trí 75/141 lên 63/140).
Khách du lịch quốc tế tại vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: Asia Tour Advisor
Để có được những thành tích kể trên, ngành du lịch đã tích cực phối hợp với các ngành khác để nâng cao năng lực cạnh tranh góp phần tăng thứ hạng của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên bên cạnh những tín hiệu đáng mừng đó, Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thực trạng đáng buồn có khả năng mất điểm trong nhận định của cộng đồng thế giới, một trong số đó là nạn buôn bán, sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD)
Theo Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE): cùng với Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam là quốc gia có mức tiêu thụ ĐVHD trái phép cao nhất thế giới. Đặc biệt đối với việc buôn bán sừng tê giác, ngà voi và những sản phẩm chế tác từ sừng tê giác, ngà voi.
Qua các cuộc khảo sát của TRAFFIC - Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán ĐVHD toàn cầu – thì dường như nhu cầu sử dụng sừng tê giác chỉ có tại các quốc gia Châu Á, trong đó Trung Quốc và Việt Nam là hai thị trường tiêu thụ lớn nhất. Đối với các ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi thì Việt Nam là là một trong những quốc gia có số lượng sản phẩm mỹ nghệ ngà voi mới sản xuất được bày bán công khai cho khách mua lẻ lớn nhất thế giới (1).
Cơ quan chức năng bắt giữ đối tượng buôn ngà voi cùng tang vật. Ảnh nguồn Soha
Báo cáo của TRAFFIC còn cho biết từ tháng 1/2009 đến tháng 12/2017, Việt Nam đã bắt giữ 95 ngà voi thô và đã qua chế biến, với tổng trọng lượng ước tính lên tới 54.963 cân. Con số này tương đương với 5.800 – 8.400 cá thể voi bị giết hại. Tính riêng năm 2019, cơ quan chức năng đã bắt giữ được 3 vụ buôn bán trái phép ngà voi với số lượng tổng cộng gần 22 tấn ngà voi. Số lượng này tương đương với việc hơn 3 triệu cá thể voi đã bị giết. Sự gia tăng nhu cầu sử dụng/ sở hữu sừng tê giác tại Việt Nam nói riêng và một số quốc gia Châu Á nói chung là nguyên nhân chính gây nên thực trạng săn bắn trộm và giết hại tê giác để lấy sừng tại Châu Phi. Trong giai đoạn 2013 – 2017 đã có hơn 1.000 cá thể tê giác bị giết mỗi năm, cao nhất là 1,349 cá thể bị giết năm 2015. Mặc dù với nhiều nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm giảm thiểu tình trạng này, đến nay trung bình mỗi năm vẫn có đến gần 800 cá thể tê giác bị giết hại, như vậy ước tính trung bình cứ 12 tiếng sẽ có 1 cá thể tê giác bị giết để phục vụ nhu cầu sử dụng/sở hữu của một bộ phận những người có tiền tại Châu Á, đặc biệt là Việt Nam.
Tôi không phải là thuốc. Ảnh: WWF
Thực trạng đáng buồn này đã khiến nhiều tổ chức quốc tế phải lên tiếng và kêu gọi Chính phủ Việt Nam cần có những hành động cụ thể tăng cường, kiểm soát buôn bán ĐVHD (2). Các tổ chức quốc tế như TRAFFIC hay Save the Rhino International đã phải tập trung thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi về việc buôn bán, sử dụng, tiêu thụ trái phép ngà voi, sừng tê giác tại Việt Nam, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm với các cơ quan chức năng nhằm tìm giải pháp thay đổi thực tế đáng buồn này.
Chính phủ Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và tích cực trong công tác này bằng việc ban hành các điều luật, quy định mới nâng khung hình phạt đối với tội phạm buôn bán ĐVHD. Mới nhất, năm 2018, chính phủ Việt Nam đã sửa đổi bộ luật hình sự, theo đó áp dụng án tù giam đến 15 năm và phạt tiền đến 15 tỉ đồng cho các hành vi buôn bán trái phép ĐVHD thay cho quy định trước đó với mức phạt cao nhất là 500 triệu đồng và hình phạt từ 6 tháng đến 7 năm tù giam. Hiện vẫn còn sớm để có thể đưa ra nhận định, việc nâng khung hình phạt này có thể thay đổi thực trạng nạn buôn bán, sử dụng ĐVHD tại Việt Nam hay không nhưng trước hết, nó cũng thể hiện được trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu và quyết tâm giảm nạn buôn bán, tiêu thụ ĐVHD.
Tuy nhiên, để có thể giải quyết triệt để vấn đề này nếu chỉ dựa vào các cơ quan chức năng, dựa vào những khung hình phạt của Nhà nước thì chưa đủ. Hơn hết mỗi cá nhân, mỗi người Việt Nam cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, bằng cách không mua/bán, không tàng trữ/sử dụng, không nhận hay tặng các sản phẩm phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD.
Mỗi cán bộ, mỗi người lao động làm việc trong ngành du lịch cần thể hiện vai trò như một tuyên truyền viên, giới thiệu đến với khách du lịch trong/ngoài nước vẻ đẹp của văn hóa, thiên nhiên Việt Nam và truyền tải thông điệp “ngừng tiêu thụ sản phẩm từ ngà voi/sừng tê giác”. Chỉ một hành động nhỏ, một việc làm nhỏ của mỗi cá nhân cũng đủ để tạo thành một cơn bão lớn, đủ sức lan tỏa để bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu.
Đặc biệt khi chính phủ Việt Nam đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển du lịch điều kiện tiên quyết cần dựa vào môi trường, hệ sinh thái tự nhiên. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 xác định quan điểm “phát du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc”. Đồng thời cũng nêu rõ mục tiêu: “Tài nguyên du lịch được khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả; các khu du lịch, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, cung cấp dịch vụ du lịch phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; môi trường sinh thái và đa dạng sinh học được bảo vệ và gìn giữ...”.
Khi du lịch phát triển và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì không chỉ hàng triệu người Việt Nam có thêm việc làm, mà rộng hơn nữa hình ảnh của Việt Nam cũng sẽ được biết đến nhiều hơn trên thế giới tạo thuận lợi cho những ngành kinh tế khác phát triển, và từ đây sẽ có thêm nhiều triệu việc làm khác được đưa đến, kinh tế phát triển, xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện … Một chuỗi liên kết như vậy đều được bắt nguồn từ một hành động nhỏ, một ý thức nhỏ của mỗi cá nhân chúng ta. Vì vậy, hãy hành động từ ngay hôm nay, và dừng việc mua bán, sử dụng trái phép các sản phẩm từ ĐVHD.
Lan Hương - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch
Chú thích:
(1) Tình trạng buôn bán ngà voi trái phép ở Việt Nam là mỗi đe dọa tới loài voi ở Châu Phi, dự án “Save the Elephants” Kenya 2016
(2) Tổ chức HIS kêu gọi Việt Nam đóng cửa các chợ buôn bán động vật hoang dã (Báo Tài nguyên Môi trường 08/4/2020)