Thừa Thiên - Huế: Di tích Võ Miếu trở thành phế tích?

Cập nhật: 27/10/2008
Võ Miếu, miếu thờ các vị võ tướng danh tiếng trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc tại thành phố Huế được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ )công nhận là di tích Quốc gia vào ngày 2.9.1997 và đã được UNESCO đưa vào danh mục các di sản Văn hóa Thế giới của Huế.

Khi nghe chúng tôi đề cập đến di tích Võ Miếu (hay còn gọi là Võ Thánh), Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Phan Thuận An đã trầm ngâm một lúc rồi nói một cách chua chát: “Nay di tích Võ Thánh chỉ còn trơ 5 tấm bia, mỗi lần đi qua cảm thấy chạnh lòng. Tại sao một di tích quý hiếm và duy nhất của đất nước lại để hoang tàng như thế?Tôi cảm thấy xót xa. vì sao chúng ta lại bất công với lịch sử như vậy?”.

Võ Miếu duy nhất còn ở lại

Ở Việt Nam chỉ còn một Võ Miếu duy nhất ở Huế sau khi Võ Miếu Thăng Long (Hà Nội) bị xóa sổ... Vào năm 1835, dưới thời Minh Mạng, triều đình chuẩn y cho xây dựng Võ Miếu ở phía tây Kinh thành Huế, thuộc xã Hương Hồ, huyện Hương Trà ngày nay. Với mục đích giáo dục quân sự và đề cao nghiệp võ. Theo vua Minh Mạng: “Điều cốt yếu trong việc trị nước phải gồm có cả văn lẫn võ, không thể thiên về một bên. Việc xây dựng Võ Miếu là việc nên làm... Từ Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, đời nào cũng có người tài giỏi binh lược, huống chi triều đình ta từ lúc khai quốc cho đến giai đoạn Trung hưng, nhiều người hiến mưu giúp nước, công lao rực rỡ không kém gì người xưa, cần biểu dương để khuyến khích nhân tài..”. Miếu lúc xưa thờ các vị võ tướng danh tiếng nhà Nguyễn và các danh thần, võ tướng trong lịch sử Trung Quốc. Chung quanh là tường gạch bao bọc, bên trong là một toà nhà kép. Chính đường 3 gian 2 chái, tiền đường 5 gian. Bên ngoài Võ Miếu còn có sở Tể sinh để chuẩn bị các con vật tế lễ vào tháng 2 và 8 Âm lịch hàng năm. Sau khi Bảo Đại thoái vị, chấm dứt triều đại nhà Nguyễn, từ 1947 đến 1975, thực dân Pháp và nguỵ quyền Sài Gòn chiếm Võ Miếu làm doanh trại. Từ đó đến nay, chiến tranh và thiên tai đã làm toàn bộ công trình kiến trúc này sụp đổ hoàn toàn.

Ở Huế có câu nói nhằm diễn tả sự đặc trưng của hệ thống cây xanh dày đặc trong các di tích: Văn Thánh trồng thông, Võ Thánh trồng bàng, ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u. Dạo bước vào Võ Miếu, chúng tôi vẫn gặp nhiều màu xanh nhưng tất cả …chỉ là cỏ dại. Bàng ngày nào không còn một cây. Quang cảnh quá hoang tàn. Điểm để có thể nhận ra di tích chính là 5 tấm bia như 5 vị công thần đứng thở dài với trời đất. Đó là: 3 tấm bia võ công và 2 bia tiến sĩ võ ghi tên những vị tướng như Trương Minh Giảng (người Gia Định), Phạm Hữu Tâm (Thừa Thiên), Nguyễn Xuân (Thanh Hóa)…. . Thạc sĩ Phan Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDT), cho hay: “Vấn đề Võ Miếu là nỗi bức xúc hiện nay. Nhưng việc trùng tu, tôn tạo hay phục hồi nó là cả một vấn đề. Hiện TTBTDT cũng đã tiến hành khảo sát để lập dự án, phục hồi nó lại đòi hỏi vốn lớn nên phải chờ thời gian”. Theo ông Hải, ngoài những khó khăn về vốn còn có những khó khăn về cơ chế. Vì, để lập một dự án, thời gian không dưới 2 năm.

Từ năm 1975, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao di tích này để Hội Phụ nữ tỉnh quản lí, Võ Miếu ngày xuống cấp nghiêm trọng. Ông Phan Thuận An ngậm ngùi kể lại: “Năm 1989 các hộ dân lấn chiếm di tích xây dựng nhà ở. Các trường học mọc lên. Hội Phụ nữ thì giao đất cho người ta trồng rau. Có nhiều ý kiến phản đối, đề nghị UBND tỉnh bảo tồn di tích để chờ dự án phục hồi nhưng đến nay, mọi việc chỉ dừng lại ở đó.

Tương lai nào cho Võ Miếu?

Khi được hỏi lí do di tích này trở thành phế tích, lãnh đạo TTBTDT cho hay: Do trước đây UBND tỉnh đã giao Hội Phụ nữ quản lý, bên cạnh đó thì những trường học đã chiếm dụng đất di tích thời gian dài. Hiện nay, khuôn viên Võ Miếu đã được giải toả nhưng để xây dựng nên một Võ Miếu như xưa thì không biết đến bao giờ. Vấn đề chính là trùng tu thì đầu tiên phải có dự án. Hiện tại, số tiền Trung ương dành cho việc trùng tu tổng thể di tích Huế lên đến 720 tỷ đồng (giai đoạn từ 1996-2010); Trung ương rót kinh phí về đến nay chưa được một nửa nên phải ưu tiên các hạng mục, dự án quan trọng. Ông Nguyễn Minh Biểu, giám đốc BQL Dự án TTBTDT Cố Đô Huế nói: “Quá trình phục hồi Võ Miếu sẽ mất nhiều thời gian; đòi hỏi các nhà nghiên cứu khoa học, nhà thiết kế và lãnh đạo Nhà nước… phải tính toán một cách kỹ lưỡng để phục hồi chính xác”.

Cách đây 15 năm, khi đặt chân đến Huế, giáo sư Mai Văn Muôn, Phó cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao đã cảnh báo về việc di tích này xuống cấp và có ý kiến với tỉnh tìm biện pháp sớm phục hồi. Giáo sư còn đề xuất rằng bên cạnh công tác thờ phụng hàng năm tỉnh nên tổ chức các cuộc thi võ thuật cổ truyền ở Võ Miếu. Tháng 6.2008 vừa qua, Festival Huế 2008 đã tái hiện cuộc thi “Tiến sĩ võ” bên bến Nghinh Lương Đình. Có nhiều ý kiến cho rằng cuộc thi đó nếu diễn ra ở Võ Miếu thì sẽ gây ra nhiều cảm xúc tốt từ diễn viên cho tới khán giả. Nhưng Võ Miếu chỉ toàn cỏ và 5 tấm bia thì khác gì một bãi đất hoang.

Thực tế cho thấy sự chuyển động quá chậm trong việc phục hồi Võ Miếu. Bài toán phục hồi di tích Võ Miếu sẽ còn làm dài dài và khó tìm ra đáp số nếu không có những bước đi thích hợp và quyết liệt.

Nguồn: Báo Du lịch