Trước những khó khăn, thách thức, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng đang nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai xây dựng Quảng Ngãi trở thành “điểm đến an toàn, thân thiện”.
Năm 2020, dịch bệnh, thiên tai đã ảnh hưởng nặng nề đến tỉnh Quảng Ngãi, trong đó có ngành du lịch dịch vụ. Lượng khách, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, hạ tầng du lịch bị mưa bão tàn phá nặng nề… Trước những khó khăn, thách thức, cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng đang nỗ lực khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng Quảng Ngãi trở thành “điểm đến an toàn, thân thiện”.
Di sản địa chất, biển đảo - Nét đặc trưng của du lịch Quảng Ngãi.
Năm 2020, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chịu nhiều tác động nghiêm trọng của dịch bệnh và thiên tai. Hai đợt dịch Covid-19 xảy ra ngay trong mùa du lịch. Tiếp đến, nhiều cơn bão dồn dập quét qua đảo, gây thiệt hại nặng nề về hạ tầng, cảnh quan du lịch. Năm 2020, chỉ có 65.000 du khách đến Lý Sơn tham quan, du lịch, giảm hơn 3/4 so năm ngoái. Nhiều tour du lịch bị hủy, hoạt động kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ngưng trệ, vắng vẻ …
Chưa bao giờ Lý Sơn đìu hiu và xơ xác đến vậy. Vượt qua những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, huyện Lý Sơn đang tận dụng mọi nguồn lực, tập trung khắc phục hạ tầng du lịch, xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, chuẩn bị đón khách trong năm 2021. Lý Sơn chú trọng phát triển du lịch theo hướng thân thiện, mến khách và chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng xây dựng các mô hình du lịch đặc trưng nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách như: du lịch trải nghiệm trồng hành tỏi, trải nghiệm lồng bè; chèo thuyền thúng…
Lý Sơn thu hút du khách với những tour du lịch trải nghiệm cộng đồng
Năm 2020, lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi chỉ khoảng 490.000 lượt, giảm 57% so với năm ngoái. Tổng doanh thu đạt khoảng 550 tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2019. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai đồng bộ các giải pháp để vực dậy ngành du lịch.
Bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Chúng tôi dựa trên những tài nguyên về di sản của Quảng Ngãi. Đó là tài nguyên về văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa và văn hóa của người Đại Việt. Thứ hai, chúng tôi dựa trên tài nguyên về di sản địa chất, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của Quảng Ngãi. Và tài nguyên thứ ba, những giá trị về lịch sử, đất và người Quảng Ngãi. Qua đó, chúng tôi tạo nên các điểm đến, các sản phẩm du lịch để giới thiệu cho du khách cả nước".
Năm 2021, tỉnh Quảng Ngãi tập trung xây dựng chiến lược và tái định vị thương hiệu du lịch; Xây dựng tiêu chí và đề xuất bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ngãi; Xây dựng kế hoạch tổng thể truyền thông phát triển thương hiệu du lịch của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030… Ngoài việc tăng cường hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước, tỉnh Quảng Ngãi khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng các loại hình và sản phẩm du lịch; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng du lịch, đặc biệt ở các khu điểm du lịch Lý Sơn, Sa Huỳnh, Mỹ Khê, Bình Châu…
Tỉnh Quảng Ngãi tập trung xây dựng chiến lược và tái định vị thương hiệu du lịch
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng cường chuỗi giá trị dịch vụ và nâng cao hình ảnh “Quảng Ngãi - Điểm đến an toàn, thân thiện”.
"Bây giờ, phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng người dân, tất cả mọi người đều làm du lịch thì mới thúc đẩy du lịch Quảng Ngãi phát triển trong thời gian đến. Phát triển du lịch xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó, ứng xử của con người Quảng Ngãi cần phải thay đổi theo hướng văn minh, lịch sự, thân thiện, gần gũi, mến khách; Tạo môi trường trong lành, tất cả các lĩnh vực cùng tham gia vào thì mới phát triển du lịch bền vững và thu hút khách ngày càng tốt hơn" - ông Đặng Văn Minh cho biết./.
Vinh Thông/VOV- Miền Trung