Gành Đá Đĩa nằm bên bờ biển Đông (thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An), là thắng cảnh cấp quốc gia và mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xếp hạng danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt.
Gành Đá Đĩa thu hút nhiều du khách đến tham quan. Ảnh: Minh Nguyệt
Duyên tình biển và đá
Dựa trên khảo sát và nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, khoảng 200 triệu năm về trước, trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa, nham thạch phun trào theo dòng chảy dẫn xuôi về biển. Khi gặp nước biển lạnh, cộng với hiện tượng dự ứng lực khiến các khối nham thạch bị đông cứng, rạn nứt theo mạch dọc, tạo nên những khối đá hình lăng trụ.
Những khối đá hình lăng trụ có bề mặt lục giác, tứ giác xếp chồng lên nhau một cách ngay ngắn, cao thấp, đứng rồi hơi nghiêng ra biển Đông, một loại hình kết cấu đá siêu bền. Nhìn các khối đá tựa như chồng bát, chồng đĩa nên gọi là Đá Đĩa. Gành Đá Đĩa hình thành từ hiện tượng tự nhiên nhưng ta cảm giác như có bàn tay một vị thiên thần nào đó sắp đặt, cấu trúc rất độc đáo, là kiệt tác của đá, là món quà vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người.
Nhìn từ xa, Gành Đá Đĩa tựa như tổ ong khổng lồ, rộng chừng 50m dài hơn 200m; một sự gặp gỡ duyên tình giữa biển và đá. Hàng ngàn chồng đá ánh lên màu đen huyền bí, nổi bật trên nước biển trong xanh ngắt; những con sóng xô vào đá tung bọt trắng xóa. Có những hòn anh, hòn chị bề mặt nhẵn bóng như còn rất trẻ, ngược lại có hòn ông, hòn bà mặt ngoài rỗ nhám, trông già nua theo thời gian, tất cả ôm chặt lấy nhau, ôm khít vào nhau, gỡ không ra.
Kề cạnh gành đá là Bãi Bàng với bờ cát trắng phằng lỳ cong đều như vầng trăng, những con sóng xô bờ tung bọt trắng xóa; những chiếc thuyền câu, thúng chai chòng chành trên mặt nước qua những đêm dài thức trắng. Phía trên gành là những rẫy khoai, thảm mía, thôn làng tỏa khói lam chiều, tất cả như bức tranh thủy mặc đa sắc màu.
Bên ngoài gành đá là biển rộng bao la, nước trong xanh, từng con sóng uyển chuyển, nối đuôi nhau tung bọt trắng xóa. Gành Đá Đĩa được đánh giá là một trong những ghềnh đá nổi tiếng, đẹp bậc nhất trên thế giới.
Điểm đến hấp dẫn
Từ quốc lộ 1 đi ra hướng bắc, qua thị trấn Chí Thạnh rẽ phải đến cầu Lò Gốm, nhà thờ Mằng Lăng rồi tới Gành Đá Đĩa; con đường đã được thảm nhựa, khá đẹp và thuận lợi cho việc tới gành. Suốt trên đường đi ta bắt gặp Núi ông khom lưng/Núi bà đội nón như nhà thơ Nguyễn Mỹ - người con của Tuy An viết về vùng đất này. Hai bên quang cảnh yên bình, khi thì đồi núi chập chùng, lúc lại thấp thoáng làng mạc.
Con sông Ngân Sơn và đập Hà Yến nước trong xanh hiền hòa uốn quanh triền núi đổ về cửa biển Bình Bá, nơi có thương cảng Tiên Châu nổi tiếng; những ruộng lúa, thảm mía, rẫy khoai đang thì con gái khoe màu xanh non mơn mởn trong nắng sớm.
Sau những ngày cách ly do dịch bệnh COVID-19, hiện nay, những tour du lịch đến đầm Ô Loan, nhà thờ Mằng Lăng, Gành Đá Đĩa, Bãi Xép, Đồi Thơm được mở cửa đón khách trở lại. Trong chuỗi những danh thắng, di tích này, Gành Đá Đĩa là di tích quốc gia đặc biệt mà khách rất thích. Tuy nhiên, thời gian họ dừng chân lại Gành Đá Đĩa không nhiều vì thiếu cây xanh, dịch vụ du lịch chưa phong phú; có muốn tắm biển, nghỉ trưa, qua đêm đều không được.
Để Gành Đá Đĩa có sự đầu tư hấp dẫn hơn, theo chúng tôi, con đường từ quốc lộ 1 qua cầu Lò Gốm tới nhà thờ Mằng Lăng, Gành Đá Đĩa, Bãi Xép, hai bên tất cả công trình xây dựng đều phải lùi vào lớn hơn 5m so với lộ giới đường, nhà cao hai tầng, mái dốc lợp ngói. Đây là cửa ngõ, là hành lang đưa ta về với Gành Đá Đĩa.
Bên cạnh đó, cần đầu tư trên Bãi Bàng dự án Làng nghỉ dưỡng văn hóa đá là nơi tắm biển, nghỉ dưỡng… Nhà thấp tầng, tường nhà, đường đi, sân, hàng rào đều xây bằng đá, mật độ xây dựng thấp, trồng hoa, rau củ quả, kết hợp nơi gia công, chế biến các mặt hàng sản phẩm của địa phương làm quà lưu niệm bán cho khách khi du lịch, nghỉ dưỡng nơi này.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần trồng nhiều cây xanh bóng mát chịu được nắng, gió biển như: bàng biển, phi lao, hoàng nam, duối biển… trồng thành thảm dài, trồng thành rừng. Đồng thời cần có kế hoạch hướng dẫn, điều phối khách, tránh chen lấn, ùn tắc; hàng trăm người cùng một lúc xuống gành sẽ không còn nơi đứng quay phim, chụp hình, nhiều khách nuối tiếc khi ra về. Có như vậy, Gành Đá Đĩa sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Phú Yên.
KTS Hoàng Xuân Thưởng