Trong hơn 70 nghìn hiện vật của Bảo tàng Hà Nội, có những hiện vật trị giá hàng tỷ đồng, có những cổ vật vài trăm năm tuổi, lại có cả những kỷ vật đặc biệt, gắn bó với cả cuộc đời con người... Chúng được các tập thể, cá nhân hiến tặng và chủ nhân của nhiều hiện vật quý báu ấy đã không cầm được nước mắt khi trao đi. Thế nhưng, trao đi để lưu truyền giá trị cho cộng đồng, cho mai sau...
Cán bộ Bảo tàng Hà Nội giới thiệu hiện vật được các tập thể, cá nhân hiến tặng.
Bảo tàng của những tấm lòng
Trong phòng bảo quản dưới hầm của Bảo tàng Hà Nội (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm), TS Ngô Thanh Thúy cẩn trọng rải những mảng chạm khắc của đình Chu Quyến (thôn Châu Chàng, thị trấn Chu Minh, huyện Ba Vì) ra tấm thảm để kiểm tra, đánh giá chuẩn bị cho việc trưng bày sắp tới. Trải qua ba thế kỷ bị bào mòn bởi thời gian, những mảng chạm khắc gỗ đã hư hại nhiều. TS Ngô Thanh Thúy cho biết: “Mỗi khi động đến, chúng tôi phải hết sức cẩn thận, nếu không, gỗ có thể bị bong ra, hư hại thêm. Điều đáng quý, đây là những mảng chạm khắc độc đáo, có một không hai từ một trong những ngôi đình đẹp nhất Việt Nam, đình Chu Quyến. Mỗi lần động đến những mảng chạm này, chúng tôi lại sống lại bao nhiêu cảm xúc”. Vì sao những mảng chạm khắc cổ xưa của di tích quốc gia đặc biệt đình Chu Quyến có mặt ở Bảo tàng Hà Nội là một câu chuyện dài. Bảo tàng Hà Nội hoàn thành xây dựng vào năm 2010, nhưng thời điểm đó thiếu rất nhiều hiện vật để trưng bày. Lãnh đạo bảo tàng có sáng kiến vận động nhân dân hiến tặng các hiện vật. Tình cờ, cán bộ Bảo tàng Hà Nội biết được qua những lần tu sửa, đình Chu Quyến thừa ra một số mảng chạm khắc và số mảng chạm cũ này được các cụ lưu kho, giữ làm kỷ niệm. Các cụ trân quý, vì những cấu kiện đó gắn bó với bao nhiêu thế hệ dân làng.
Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà nhớ lại: “Khi nghe tin đình Chu Quyến có một số mảng chạm khắc cũ, chúng tôi rất vui. Nhưng lại nghĩ, người xứ Đoài trọng văn hóa. Mà ở làng thì việc tâm linh càng trọng. Xin các cụ cho đem về là gần như bất khả thi. Tôi và mấy anh em vẫn mạnh dạn lên Chu Quyến. Giải thích thế nào các cụ cũng không nghe. Nhờ người vận động cũng chịu. Anh em lại bàn nhau phải có cách làm khác...”. Trong một sự kiện văn hóa, Bảo tàng Hà Nội mời các cụ thôn Châu Chàng về dự. Sau đó, cán bộ dẫn các cụ đi tham quan công tác bảo quản, bảo tồn, những chủ đề trưng bày, những hiện vật còn thiếu... Các cụ trong đoàn phấn khởi lắm, về tổ chức họp dân. Mọi người mới bảo nhau: Hiện vật quý nếu để trong kho thì lãng phí, để lâu cũng hỏng. Nhưng đưa về bảo tàng, được bảo vệ, đem đến mọi người, thì không chỉ phổ biến văn hóa, mà còn là vinh dự cho dân làng. Ban Quản lý di tích đình Chu Quyến báo cáo lãnh đạo xã và quyết định trao tặng toàn bộ 16 cấu kiện xưa cho Bảo tàng Hà Nội.
Mỗi lần trao tặng hiện vật, cả bên cho và bên nhận đều xúc động. Vì đó đều là những cổ vật hoặc kỷ vật gắn bó qua các thế hệ, hay với cả đời người. Với bác Nguyễn Xuân Thuần (72 tuổi, ở xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội), việc bàn giao các hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội là một “cuộc chia ly”. Năm 1971, chàng trai Nguyễn Xuân Thuần rời giảng đường Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, khoác ba-lô vào chiến trường chống Mỹ. Anh trực tiếp tham gia chiến trường Quảng Trị ở mùa hè đỏ lửa năm 1972 và từng bị thương. Chiến trường khốc liệt nhưng hầu như ngày nào anh cũng viết nhật ký, làm thơ. Anh có một cuốn nhật ký đặc biệt, sử dụng cả tiếng Trung, tiếng Nga và “ngôn ngữ ký hiệu”, không một ai có thể đọc được. Chiến tranh kết thúc, anh trở về cùng những kỷ vật gắn bó với thời máu lửa ấy, từ quần áo, dụng cụ sinh hoạt... và cả cuốn nhật ký quý giá. Nhiều lần các đơn vị, các bảo tàng đề nghị hiến tặng, nhưng cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thuần đều từ chối. Nó không chỉ gắn bó với cá nhân, mà còn là cả một trời thương nhớ, chạm đến hiện vật, là chạm đến ký ức về những đồng đội một thuở, trong đó có nhiều người đã hy sinh. Trước khi trao hiện vật cho cán bộ Bảo tàng Hà Nội, bác Nguyễn Xuân Thuần đã ôm lấy những kỷ vật của mình trong nước mắt. “Chúng gắn bó với tôi suốt những năm tháng đau thương, mất mát. Nhưng khi được biết, những hiện vật này sẽ trở thành phương tiện giáo dục lịch sử, giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ, được các anh, các chị trân trọng, tôi đã quyết định trao tặng”. Bác gọi cuốn nhật ký của mình là “những lá thư không tem” dành cho mai sau. Về phía Bảo tàng Hà Nội, những hiện vật ấy đặc trưng cho “chất” người con Hà Nội khi ra trận - đó là anh dũng, nhưng đầy trí thức, lãng mạn.
Mỗi hiện vật đều đem trong mình những câu chuyện như thế. Bác Quách Văn Địch cũng đã rơi nước mắt khi tặng Bảo tàng Hà Nội hai chiếc mỏ neo cổ, được các nhà khoa học xác định có niên đại từ thế kỷ 17, thuộc về thương thuyền của Nhật Bản. Bác Địch đã mua hai chiếc mỏ neo trị giá hàng chục cây vàng. Chúng được bao người săn tìm, trả giá hàng trăm nghìn USD, nhưng bác giữ lại và rồi trao đi… Mục đích không gì khác hơn là vì Hà Nội. Là người nhiều lần trực tiếp đi vận động đóng góp, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ chia sẻ: “Hôm bác Địch tặng bảo tàng chiếc mỏ neo, tất cả chúng tôi vừa vui, vừa xúc động và tự hào bởi những tấm lòng như thế”.
Để hiện vật ngàn năm “tỏa sáng”
Bảo tàng Hà Nội là một bảo tàng tổng hợp, gồm nhiều chủ đề trưng bày, từ các vấn đề địa chất, địa mạo, hệ động, thực vật cho đến văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, tâm linh… Những nội dung trưng bày được chia làm bảy chủ đề, trong đó có 25 tiểu chủ đề. Là Thủ đô ngàn năm văn hiến, là trái tim của cả nước, phần trưng bày về lịch sử, văn hóa, phong tục… của Hà Nội vẫn là phần ấn tượng nhất với các chủ đề lớn như: Hành trình đến Thăng Long, Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt, Hà Nội thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20... Trong đó có những tiểu chủ đề tạo điểm nhấn riêng như: Hình thành Kinh thành Thăng Long; Kẻ Chợ, Làng nghề - phố nghề, Thành phố thuộc địa… Hàng nghìn hiện vật do nhân dân hiến tặng giúp Bảo tàng Hà Nội có đủ hiện vật trưng bày theo đúng kịch bản do đối tác Pháp tư vấn, thiết kế trên diện tích mặt bằng khoảng 9.000 m2, chưa kể không gian ngoài trời.
Với sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế, Bảo tàng Hà Nội sẽ thể hiện một phong cách hoàn toàn mới trong thiết kế các tuyến tham quan, triển khai các hoạt động trải nghiệm, cung cấp thông tin… Bảo tàng có ba tuyến tham quan, với khoảng thời gian khác nhau, dành cho những đối tượng có nhu cầu tìm hiểu khác nhau. Tuyến tham quan ngắn nhất kéo dài khoảng 90 phút. Những người có nhu cầu tìm hiểu sâu hơn, có thể tham gia những tuyến tham quan còn lại. Các giải pháp trưng bày, giới thiệu được phối hợp nhiều hình thức: Phim, công nghệ tra cứu, đồ họa, tư liệu in ấn hiện đại... Bảo tàng Hà Nội sẽ trở thành một bảo tàng “động” với các hoạt động trải nghiệm, tương tác, trình diễn… thường xuyên được tổ chức. Thí dụ như ở phần giới thiệu về tín ngưỡng thờ Mẫu, Bảo tàng Hà Nội sẽ phối hợp các thầy đồng để tổ chức trình diễn định kỳ hằng tuần, tạo điều kiện cho khách tiếp cận, tìm hiểu, nhất là phục vụ cho các tua du lịch. Không chỉ là nơi trưng bày hiện vật, Bảo tàng Hà Nội còn có tới bốn khu trải nghiệm trong nhà và ngoài trời, hướng tới đối tượng là học sinh, sinh viên. Thông qua hoạt động trải nghiệm tương tác, bảo tàng mong muốn giúp thiếu nhi thêm hiểu, thêm yêu Hà Nội và khiến hoạt động của bảo tàng sống động, hấp dẫn hơn.
Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết: “Nếu không có những hiện vật hiến tặng thì chúng tôi không đủ sức để hoàn thành công tác trưng bày. Bởi lẽ, chúng tôi gặp vướng mắc trong triển khai Thông tư 11/2013 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về sưu tầm hiện vật bảo tàng công lập, do thành phố chưa xây dựng được cơ chế. Nhưng ngay cả khi triển khai được thông tư, thì có những hiện vật không thể mua được. Khi gặp các cô, các bác là chủ sở hữu những hiện vật, chưa bao giờ tôi dám nói đến tiền nong. Một số món cổ vật có thể định giá, còn kỷ vật thì không thể. Vì kỷ vật là câu chuyện tình cảm. Nếu không tìm được sự đồng cảm, thấu hiểu, thì người ta không dễ cho đi”.
Hiện tại, Bảo tàng Hà Nội đang thi công các hạng mục trưng bày, trong đó đã hoàn thành một phòng trưng bày mẫu. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc thi công bị chậm lại. Tuy nhiên, trong năm 2021, dự kiến các hạng mục phục vụ trưng bày sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động chính thức. Trong trách nhiệm chung với công việc, còn có trách nhiệm riêng, phải làm sao để đáp ứng được kỳ vọng của những người đã đóng góp hiện vật cho bảo tàng, nhất là những hiện vật quý hiếm. Bác Quách Văn Địch, người đã hiến tặng Bảo tàng Hà Nội hai chiếc mỏ neo quý hiếm, là minh chứng quan trọng cho việc giao thương quốc tế của Thăng Long - Kẻ Chợ, tâm sự: “Tôi là một người Hà Nội, sinh ra, lớn lên ở phố cổ, dù đây là những chiếc mỏ neo tôi dày công mới sưu tầm được, nhưng vì nó quý giá như thế, cho nên tôi thấy cần giới thiệu cho mọi người. Tôi cũng như những cô bác, anh chị em từng hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Hà Nội không gì mong mỏi hơn là những hiện vật ấy được bảo vệ tốt, được giới thiệu đến công chúng, để mỗi người thêm hiểu, thêm tự hào, thêm yêu Thủ đô ngàn năm văn hiến”.
Giang Nam