Trong năm 2020, với thành công trong thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đất nước ta được cộng đồng quốc tế đánh giá là “hình mẫu” về cách thức kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và là một trong 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất với mức tăng trưởng 2,91%. Trong thành quả chung của cả đất nước, ngành Du lịch với sự quyết tâm vượt khó đã kịp thời điều chỉnh chiến lược phát triển, xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp phục hồi hoạt động, tiếp tục khẳng định hình ảnh một Việt Nam luôn an toàn, hấp dẫn…
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh
Theo Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2020 được coi là năm “thảm họa” trong lịch sử phát triển du lịch toàn cầu: số lượng khách quốc tế giảm từ 70 - 75% so với năm 2019, tương đương mức giảm khoảng 1 tỷ lượt khách và mất 1.100 tỷ đô la Mỹ tổng thu từ khách du lịch. Điều đó cũng dẫn tới thiệt hại hơn 2.000 tỷ đô la Mỹ cho GDP toàn cầu. Số liệu này bằng với số liệu của năm 1990, có nghĩa hoạt động du lịch toàn cầu bị kéo tụt lại 30 năm trước. Cho đến hiện nay, nhiều quốc gia, điểm đến trên thế giới đã áp dụng các hạn chế khách quốc tế nhằm tránh lây lan dịch bệnh, thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng; hoạt động du lịch chủ yếu là nội địa và tổ chức cơ cấu lại ngành Du lịch…
Bước tiếp đà tăng trưởng của năm 2019, Du lịch Việt Nam có sự khởi đầu ấn tượng với việc đón 2 triệu lượt khách quốc tế ngay trong tháng đầu của năm 2020. Thế nhưng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến cho những tháng còn lại trong năm gần như không còn khách du lịch quốc tế đến. Cho đến hết năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch ước đạt 312.200 tỷ đồng, giảm khoảng 58,7% so với năm 2019, tương đương giảm 19 tỷ đô la Mỹ.
Đại dịch Covid-19 khiến phần lớn các doanh nghiệp du lịch Việt Nam gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, chuyển nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh; thu nhập người lao động bị sụt giảm, tâm lý cắt giảm chi tiêu dẫn tới nhu cầu thị trường giảm sút; nhiều chính sách hỗ trợ dù đã có chủ trương nhưng chưa đến được với doanh nghiệp và người lao động trong ngành... Các địa phương mặc dù đã chủ động ứng phó với đại dịch Covid-19 nhưng thiệt hại vẫn hết sức nặng nề… Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động, sự kiện xúc tiến trong và ngoài nước năm 2020 không thực hiện được như: Năm Du lịch quốc gia 2020 - Ninh Bình, sự kiện giải đua xe F1, tham gia các hội chợ WTM (Anh), MITT (Nga), ITB (Đức), ITE (TP. Hồ Chí Minh)…
Bên cạnh việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó với dịch bệnh trong ngành, Tổng cục Du lịch đã linh hoạt chuyển hướng khai thác thị trường, mở ra thêm nhiều hướng mới cho phát triển bền vững hơn nhằm giảm thiểu tối đa tác động của dịch Covid-19 đối với ngành. Cụ thể là việc định hướng khai thác sâu hơn thị trường du lịch nội địa với những sản phẩm và dịch vụ đa dạng, đáp ứng những nhu cầu mới của khách nội địa trong điều kiện dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát ở trong nước; kịp thời tham mưu các giải pháp quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng mô hình hệ sinh thái du lịch thông minh; tiếp tục duy trì và tăng cường công tác quảng bá bằng hình thức trực tuyến đến những thị trường khách quốc tế trọng điểm của Du lịch Việt Nam… Điểm nhấn quan trọng trong năm 2020 của Ngành là đã đề xuất và triển khai có hiệu quả Chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”, với sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan truyền thông báo chí nên hiệu ứng lan tỏa càng rộng rãi, thu hút sự quan tâm, chú ý của người dân, du khách. Nếu như trong giai đoạn 1 (từ tháng 5 đến tháng 7), hoạt động du lịch được kích cầu mạnh mẽ với hàng loạt chương trình khuyến mãi, các sản phẩm mới được tung ra, các hãng hàng không đồng loạt tăng chuyến để đáp ứng nhu cầu của du khách… thì giai đoạn 2 là sự liên kết giữa các địa phương, trong đó Tổng cục Du lịch với vai trò “nhạc trưởng” đã thúc đẩy gắn kết, thắt chặt sự hợp tác vì mục tiêu chung. Cho đến nay, hàng loạt liên minh kích cầu trong phạm vi toàn quốc đã được thành lập; hình thành mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các nhà cung ứng dịch vụ để tạo ra các sản phẩm mới với chất lượng và giá cả hấp dẫn kích thích nhu cầu du lịch của người dân… Có thể khẳng định, việc phát động chương trình kích cầu một cách thống nhất, đồng bộ, quy mô trên toàn quốc với những chủ đề phù hợp theo từng giai đoạn đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, tạo động lực cho doanh nghiệp, từng bước phục hồi, thúc đẩy du lịch phát triển.
Cùng với sự nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, thương hiệu của Du lịch Việt Nam tiếp tục được nhiều tổ chức uy tín trên thế giới ghi nhận và vinh danh thông qua nhiều giải thưởng quốc tế danh giá trong năm 2020 như: Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến golf tốt nhất… Đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam được tổ chức World Travel Awards bình chọn ở cả 3 hạng mục này. Đặc biệt năm 2020, Việt Nam lần thứ hai được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; năm thứ 4 liên tiếp được bình chọn là Điểm đến Golf tốt nhất châu Á…
Tổ chức Du lịch thế giới dự báo du lịch quốc tế chỉ có thể bắt đầu phục hồi từ quý 3 năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, quá trình phục hồi phải mất từ 2,5 - 4 năm. Trong bối cảnh đó, Du lịch Việt Nam đã xây dựng kịch bản sẵn sàng để đón khách quốc tế khi điều kiện cho phép. Năm 2021, ngành Du lịch tiếp tục tập trung tăng cường truyền thông và triển khai ứng dụng các tiêu chí du lịch an toàn; tiếp tục đề xuất và phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước, duy trì quảng bá ra thị trường du lịch nước ngoài; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch…
Để thực hiện thành công hơn nữa mục tiêu kép đã được xác định tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ: “vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”, năm 2021 và những năm tiếp theo, ngành Du lịch rất cần sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Ðảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự quan tâm, phối hợp của các Bộ, ngành; sự chung tay của các địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng để hợp lực tạo thành sức mạnh tổng hợp, duy trì tốc độ phát triển, khẳng định vị thế và hiệu quả đóng góp của Du lịch Việt Nam cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhân dịp năm mới Tân Sửu 2021, thay mặt lãnh đạo Tổng cục Du lịch, tôi xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự hợp tác của các Ban, Bộ, ngành và các địa phương; sự đóng góp của các tổ chức trong và ngoài nước; sự ủng hộ của các cơ quan báo chí truyền thông đối với ngành Du lịch trong thời gian qua và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ, hợp tác sâu sắc hơn trong thời gian tới để Du lịch Việt Nam nhanh chóng hồi phục; cảm ơn những cố gắng, nỗ lực vươn lên vượt qua thách thức, khắc phục khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và cán bộ, nhân viên, người lao động trong Ngành để thúc đẩy du lịch phục hồi, từng bước phát triển, đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
TS. Nguyễn Trùng Khánh
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch