Hà Nội sẵn sàng cho Tết trồng cây

Cập nhật: 17/02/2021
Xuân Tân Sửu 2021, Hà Nội phấn đấu trồng từ 200.000 đến 250.000 cây bóng mát trên các tuyến giao thông đô thị; 200.000 cây ăn quả, từ 50 đến 70ha rừng... Thời điểm này, các địa phương, các ngành, đơn vị và người dân đã chuẩn bị đầy đủ cây, vật tư… sẵn sàng cho Tết trồng cây Xuân Tân Sửu hiệu quả, thiết thực, vì một Thủ đô ngày càng xanh hơn.

Cán bộ nông nghiệp xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) kiểm tra cây giống phục vụ ra quân trồng cây ăn quả dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Ra quân trồng 100.000-120.000 cây xanh

Trong không khí phấn khởi đón xuân mới, ông Nguyễn Văn Thơi ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức đã đào hố, chuẩn bị vật tư… sẵn sàng cho việc trồng 50 cây bưởi đỏ Tân Lạc, 50 cây ổi Đài Loan ngay sau kỳ nghỉ Tết. Ông Thơi tin tưởng, việc thực hiện đúng hướng dẫn trồng cây ăn quả của cán bộ nông nghiệp sẽ sớm mang lại những mùa quả bội thu.

Để Tết trồng cây Xuân Tân Sửu đạt hiệu quả cao nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ cây, vật tư, phương tiện, thiết bị và sẵn sàng tổ chức lễ phát động Tết trồng cây Xuân Tân Sửu. Ngay sau lễ phát động chung toàn huyện, 100% thôn làng, tổ dân phố, khu dân cư sẽ tổ chức trồng và chăm sóc cây xanh. Năm nay, Đông Anh tiếp tục khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội hóa việc trồng cây xanh, cây cảnh, hình thành những tuyến đường hoa tại các thôn làng, khu dân cư.

“Xuân Tân Sửu này, chúng tôi sẽ ra quân trồng 15.000 cây đô thị tại các xã Kim Chung, Vĩnh Ngọc và 200 cây nhội tại xã Tàm Xá. Ngoài ra, các địa phương cũng tập trung trồng cây ăn quả giá trị cao, theo hướng đặc sản như mít Cổ Loa... Thời tiết thuận lợi, giống cây tốt, trồng đúng quy cách sẽ giúp hình thành thêm nhiều tuyến đường cây xanh để Đông Anh đạt tiêu chí về cây xanh đô thị, sẵn sàng trở thành một quận của Thủ đô…”, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm.

Với huyện Ba Vì, cùng với việc tập trung bảo vệ diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện có, huyện giao mỗi xã trồng thêm từ 50 đến 80 cây xanh đô thị, như: Lim xanh, sao đen, bằng lăng… Bí thư Đảng ủy xã Tản Lĩnh Bùi Văn Quân thông tin, ngay từ cuối năm 2020, địa phương đã lên kế hoạch cho Tết trồng cây Xuân Tân Sửu và đã lấy ý kiến người dân về địa điểm trồng mới, chủng loại cây... Dịp này, xã Tản Lĩnh sẽ trồng 100 cây bóng mát tại khu vực các nhà văn hóa thôn mới được xây dựng. Cùng với đó, Hội Phụ nữ xã và các đoàn thể sẽ đẩy mạnh việc xây dựng các tuyến đường hoa, phấn đấu năm 2021 ít nhất mỗi thôn có một tuyến đường hoa mới...

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời điểm hiện tại, 100% quận, huyện, thị xã đã sẵn sàng cho Tết trồng cây Xuân Tân Sửu 2021. Các địa phương, đơn vị sẽ phát động Tết trồng cây từ ngày 17 đến 23-2. Trong đợt ra quân đầu xuân, toàn thành phố sẽ trồng từ 100.000 đến 120.000 cây xanh các loại.

Trồng gắn với chăm sóc, bảo vệ cây xanh

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên, phong trào trồng cây và bảo vệ cây, trồng rừng và bảo vệ rừng đã được các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đoàn thể và người dân trên địa bàn Thủ đô tích cực hưởng ứng, góp phần hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Cùng với việc bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp hiện có, Hà Nội đã trồng mới hàng trăm héc ta rừng.

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2021 thành phố đặt mục tiêu bảo vệ, quy hoạch lại diện tích đất rừng hiện có (27.159,53ha); phát triển mô hình nông - lâm kết hợp; khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng có chứng chỉ, trồng cây gỗ bản địa và lâm sản ngoài gỗ…

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, với quan điểm tổ chức Tết trồng cây Xuân Tân Sửu thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; đồng thời tạo điều kiện, khuyến khích các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang tham gia trồng cây, trồng rừng, Sở đã chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về mục đích, ý nghĩa của Tết trồng cây, trồng rừng; vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, bảo vệ cây, trồng rừng, bảo vệ rừng nhằm hạn chế tác hại từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

“Toàn bộ lượng cây giống đã được chuẩn bị đầy đủ, các cây đều có chiều cao tối thiểu 1,5m, phát triển cân đối, không sâu bệnh; địa điểm trồng cũng đã được các địa phương xác định… với các loại cây: Xà cừ, sấu, bằng lăng, nhãn, keo, sao đen, phi lao, muồng, hoàng yến, ban đỏ... Về diện tích trồng cây ăn quả, ngành Nông nghiệp cũng đã chuẩn bị 100% giống đầu dòng, tập trung hỗ trợ các địa phương trồng các loại cây ăn quả giá trị cao như bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Diễn, nhãn chín muộn...”, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin thêm.

Để Tết trồng cây Xuân Tân Sửu đạt hiệu quả cao nhất, sau khi trồng cây, các cơ quan chức năng cần bàn giao cụ thể việc theo dõi, chăm sóc cây xanh cho địa phương, đơn vị… Cùng với đó, người dân Thủ đô cần nâng cao ý thức, chung tay chăm sóc cây xanh, giữ gìn cảnh quan môi trường, góp phần làm cho Hà Nội ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Bạch Thanh

Nguồn: Báo Hà nội mới