Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông được thành lập từ năm 1999, với diện tích rừng được giao quản lý là 16.999,81 ha, nằm trên địa bàn 9 xã thuộc hai huyện Quan Hóa và Bá Thước.
Cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cùng tổ bảo vệ rừng cộng đồng các thôn vùng đệm, kiểm lâm, công an vùng giáp ranh Thanh Hóa, Hòa Bình tuần tra rừng. Ảnh: Ban Quản lý KBTTN Pù Luông
“Tuần rừng ở trong Khu BTTN Pù Luông gặp muôn vàn khó khăn bởi khu bảo tồn có địa hình chủ yếu là núi đá tai mèo, độ dốc cao, quãng đường đến khu vực rừng giáp ranh xa... Đó là chưa kể việc phải đối mặt với những đối tượng lâm tặc ngày càng liều lĩnh, sẵn sàng manh động để đạt được mục đích” – đó là lời của những “người lính” kiểm lâm ở Ban Quản lý (BQL) Khu BTTN Pù Luông chia sẻ với chúng tôi về những vất vả, hy sinh của họ khi ngày đêm căng mình vượt khó, bám rừng.
Hiện nay BQL có 24 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 13 người làm nhiệm vụ tại 5 trạm kiểm lâm (Thành Lâm, Cổ Lũng, Làng Mười, Thanh Xuân, Phú Lệ). Xác định việc quản lý, bảo vệ rừng (BVR) luôn là nhiệm vụ trọng tâm, vì vậy BQL Khu BTTN Pù Luông luôn quán triệt thực hiện nghiêm các quy chế, phân công trách nhiệm, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; chủ động thực hiện hiệu quả công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền 2 huyện Quan Hóa, Bá Thước và các lực lượng chức năng để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, trong đó chú trọng vào việc tạo sinh kế, cải thiện đời sống của Nhân dân qua các chương trình, dự án của đơn vị và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thu hút cộng đồng cư dân bản địa tham gia tích cực vào công tác BVR. Riêng trong năm 2020, ban đã phối hợp tổ chức 50 hội nghị với hơn 3.500 lượt người tham gia; lập danh sách và đưa vào theo dõi, quản lý hơn 100 đối tượng tình nghi về khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trên địa bàn; tổ chức giao khoán BVR cho 39 cộng đồng vùng đệm, thành lập 39 tổ đội BVR; hỗ trợ vật liệu làm đường giao thông, đường ống nước, làm cổng chào... cho 22 thôn, bản; tổ chức rà soát, xác định tọa độ vị trí 124 điểm cắm bổ sung mốc cấp I trên ranh giới khu bảo tồn thuộc địa bàn hành chính các xã Lũng Cao, Thành Sơn...
Ban tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp BVR, PCCCR giữa Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Pù Luông với 6 hạt kiểm lâm vùng giáp ranh 2 tỉnh Thanh Hóa - Hòa Bình trong công tác tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, xử lý vi phạm, trao đổi thông tin về công tác quản lý, BVR vùng giáp ranh.
Lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo kiểm lâm viên phối hợp với các tổ BVR cộng đồng các thôn vùng đệm tổ chức kiểm tra được 1.772 lượt tuần tra, kiểm tra an ninh rừng, kết hợp cập nhật thông tin tiểu khu trên toàn bộ diện tích 40 tiểu khu, tập trung ưu tiên các khu vực trọng điểm khai thác, các khu vực giàu tài nguyên. Trong năm 2020, trên địa bàn được giao quản lý không có cháy rừng xảy ra, an ninh rừng cơ bản được kiểm soát, các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật. Đơn vị đã xây dựng được 110 tuyến tuần tra chính trên toàn diện tích rừng đặc dụng, kết hợp cập nhật thông tin về các loài cây gỗ lớn, cây gỗ quý, hiếm, tạo cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng phục vụ trong công tác quản lý, BVR trên địa bàn; ứng dụng công nghệ theo dõi ảnh vệ tinh trên phần mềm bản đồ QGIS trong cập nhật biến động tài nguyên rừng. Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế bằng du lịch cộng đồng để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, gắn kết trách nhiệm của người dân đối với công tác BVR, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên.
Ông Lê Đình Phương, Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Luông chia sẻ: “Khu BTTN Pù Luông là nguồn tài nguyên quý, có giá trị lớn về môi sinh, môi trường, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng. Thực hiện nhiệm vụ được giao bằng tinh thần và trách nhiệm cao nhất, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của BQL Khu BTTN Pù Luông là một tập thể đoàn kết, luôn nỗ lực phấn đấu hết mình, chủ động phối hợp với các ban, ngành trên địa bàn thực hiện tốt các nhiệm vụ. Đến thời điểm hiện nay, an ninh rừng cơ bản ổn định, hoạt động BTTN có nhiều chuyển biến tích cực. Ban tiếp tục thu hút, kêu gọi các chương trình, dự án đầu tư trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ phát triển kinh tế cho cộng đồng tại vùng đệm và vùng lõi của khu bảo tồn, nhất là nâng cao nhận thức, định hướng lâu dài về phát triển du lịch cộng đồng để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của Khu BTTN Pù Luông.
Tiến Đạt