Những năm gần đây xu hướng sống xanh đã lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều thế hệ nhưng đặc biệt phải kể đến đó là thế hệ trẻ hiện nay. Với những sáng kiến và hành động thiết thực họ đã và đang chung tay góp một phần nhỏ vào việc bảo vệ môi trường trong nhiều lĩnh vực trong đó có du lịch.
Đạp xe thu gom rác lan tỏa lối sống xanh
Hoạt động đạp xe dọn rác mang tên "Khởi động xanh" đã được các thành viên tổ chức Green Life và Công ty Cổ phần Công nghệ Wiibike Việt Nam phối hợp tổ chức với mong muốn lan tỏa những thông điệp tích cực đến với cộng đồng "Sống xanh, sống khỏe rồi mới sống nhanh".
Những thành viên tham gia đều có chung đam mê di chuyển bằng xe đạp với mong muốn bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh Hà Nội và các thành phố lớn trở nên ô nhiễm vì khói bụi từ nhiều phương tiện tham gia giao thông thải ra, đi xe đạp đã trở thành sự lựa chọn của nhiều cá nhân yêu vận động và có ý thức bảo vệ môi trường. Dần dần, các cộng đồng đạp xe hình thành với các hoạt động chuyên nghiệp như đạp xe cuối tuần, tham gia các giải đua hoặc thực hiện các hoạt động thiện nguyện…
Sử dụng lá chuối đóng thành khay thay thế hộp xốp
Dự án "Vibale - Nâng cao giá trị lá chuối Việt" thay thế hộp xốp, túi nilon đã giành chiến thắng tại cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2020".
Dự án được triển khai từ năm 2019 nhằm đưa ra giải pháp sử dụng lá chuối đóng thành khay, hộp để thay thế sản phẩm hộp xốp đựng thức ăn đang gây ô nhiễm môi trường.
Sản phẩm có ưu điểm dễ dàng phân hủy, giảm thải rác thải ra môi trường, tăng sinh kế cho người nông dân. Với dây chuyền công nghệ hiện đại được chuyển giao, sản phẩm khi được ép khô vẫn giữ nguyên màu sắc của lá chuối, có thể bảo quản trong 12 tháng.
Thời gian tới, dự án sẽ nghiên cứu và thử nghiệm thêm các sản phẩm thân thiện với môi trường từ lá sen, mo cau.
Robot thu gom rác thải và giải đáp thắc mắc của khách du lịch
Với mong muốn lan tỏa tinh thần sống xanh trong cộng đồng, nhóm sinh viên mang tên Storm đã sáng chế ra robot Biya với 2 chức năng chính là thu gom rác thải và giải đáp các thắc mắc của du khách. Được biết, Biya là một trong ba sản phẩm đạt giải Nhất cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa do UNESCO tổ chức.
Hiện tại, robot có thể trả lời được khoảng 1.000 câu hỏi của du khách liên quan đến du lịch Đà Nẵng và bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới nhóm đặt mục tiêu sẽ “dạy” Biya trả lời được khoảng 5.000 câu hỏi trong 1.000 trường hợp. Nếu dự án thành công, nhóm dự định sẽ đặt những con robot đầu tiên ở Cù Lao Chàm và một số trường học để nâng cao sự hiểu biết của thế hệ trẻ về bảo vệ môi trường.
Làm gạch từ rác thải nhựa
Một nhóm 5 sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) đã có ý tưởng biến rác thải nhựa thành gạch không nung, gạch nhẹ, vừa giảm thiểu rác thải ra ngoài môi trường, vừa tăng thêm nguồn cung vật liệu xây dựng, dự án được nhóm lấy tên là Octoplastic. Dự án đã giành được giải Nhì cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa” do UNESCO tổ chức.
Với mô hình “sản xuất gạch nhẹ từ vật liệu thải”, theo dự án một viên gạch thành phẩm có thể tạo ra từ 500g nhựa polystyrene (nhựa PS), khoảng 50% khối lượng gạch, đồng nghĩa đã giảm từng ấy nhựa thải ra môi trường. Điều đặc biệt của công trình nghiên cứu này là quy trình khép kín, không làm nóng chảy rác thải nhựa nên không sinh ra khí thải gây ô nhiễm môi trường. Lượng nước thải ra sau giai đoạn tiền xử lý gần như không độc hại, không chứa kim loại nặng và dễ phân hủy hữu cơ vì rác được sử dụng phần lớn là rác thải sinh hoạt. Không chỉ tái chế rác thải thành gạch nhẹ, nhóm Octoplastic còn có kế hoạch nghiên cứu phát triển một số sản phẩm khác như vật dụng sinh hoạt, đồ lưu niệm…
Thảo Anh