Quảng Nam: Giữ lá phổi xanh Trường Sơn

Cập nhật: 23/02/2021
Rừng Tây Giang như báu vật thiên nhiên ban tặng cho tỉnh Quảng Nam. Bởi thế, không chỉ người dân bản địa mà cả những người từ phương xa yêu nơi này, họ âm thầm, lặng lẽ trồng rừng, giữ lá phổi xanh của núi rừng Trường Sơn.

Tích cực trồng rừng thay thế tại xã Blahêê, huyện Tây Giang

Cam go cuộc chiến giữ rừng

Rừng phòng hộ huyện Tây Giang là khu rừng đầu nguồn của tỉnh Quảng Nam với những cánh rừng cổ thụ bạt ngàn. Do lâm phận của đơn vị giáp với biên giới nước bạn Lào, một số tiểu khu trở thành điểm “nóng” nằm rất xa trạm, đường đi hiểm trở nhưng các thành viên ban quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tây Giang phải liên tục di chuyển để chốt chặn giữ rừng và gây rừng. Gian truân nhất là cung đường rừng hiểm trở trong cái lạnh cắt da cắt thịt. 

Để đến được trạm dừng chân trồng rừng thay thế đầu tiên rộng khoảng 60ha tại khoảnh 3, 4, 5 tiểu khu 97, cách ngôi làng gần nhất của thôn Agril, xã Axan (huyện Tây Giang) khoảng 4km đường rừng, phải mất gần 4 giờ đi bộ. Những con dốc dựng đứng đầu gối chạm cằm, với những tên gọi do người đi rừng tự đặt như dốc tắt thở, dốc hụt hơi, dốc khinh người…, tùy theo cấp độ mệt khi leo dốc. Sau những đợt mưa dài ngày, đường đi trong rừng nhiều chỗ bị sạt lở nghiêm trọng phải phát quang đi vòng. 

Một người gắn với nghiệp rừng gần 10 năm, anh Trần Kim Đà (30 tuổi) thành viên BQL rừng phòng hộ huyện Tây Giang, cho biết, đây là đoạn đường dễ đi nhất, ngắn nhất, người dân bản địa thường dùng lối này để đi lên rừng kiếm sống. Địa điểm trồng rừng thứ hai cách bản hơn chục cây số, phải lội bộ gần cả ngày mới tới nơi. “Địa điểm trồng rừng thứ hai lội bộ xa hơn gấp nhiều lần, đi bằng thuyền nhanh hơn, tuy nhiên vào mùa đông nước chảy xiết, đường đi không đảm bảo an toàn”, Anh Đà nói. 

Dù đã 3 tháng trôi qua, song hậu quả trận lũ lịch sử xảy ra tại huyện Tây Giang vẫn còn hiện diện khắp mọi nơi. Vào rừng, con đường nào cũng bám đầy bùn. Những nhân viên bảo vệ rừng với đôi chân khỏe, như những người dân bản địa, họ trở nên quen thuộc với mọi sự biến đổi của rừng, lội sâu trong bùn đất, bước thật vững trên những cành cây ẩm ướt để băng rừng. Không khí nơi đây khá lạnh, nên ngày nào các anh cũng phải mặc hơn hai lớp áo để giữ ấm. Đi nửa đường, gặp một khu vực có vẻ bằng phẳng, cả nhóm đứng lại nghỉ tạm. Mọi người mải mê với những câu chuyện tiếu lâm để xua bớt mệt nhọc.

Thảm mục trong rừng là thế giới của loài vắt, lúc nhúc trên thảm mục khi có tiếng động. Đây là nỗi sợ nhất của những nhân viên bảo vệ rừng. Dù mang giày, ủng và buộc kín bưng nhưng vắt vẫn chui vào người hút máu đến căng tròn rồi mới biết. 

Gầy dựng rừng

Nhắc đến những vất vả từng trải qua, anh Đà bảo rằng, những ngày ở Tây Giang không “xi nhê” so với những ngày len lỏi tại những cánh rừng của huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Công tác bảo vệ rừng ở đây không chỉ gian nan mà nguy hiểm, bởi lâm tặc tấn công.

Anh Đà kể, vào năm 2011, từ thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) sau vài giờ men theo con đường đất, anh Đà cùng đồng nghiệp vào tới một khu vực rừng tại thôn 4 xã Phước Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) và phát hiện hàng chục cây giổi đã bị đốn hạ. Lâm tặc đã “xẻ thịt” những cây có đường kính 0,7m đến hơn 1,3m. Để vận chuyển gỗ lậu, lâm tặc dùng xe máy bánh xe bọc xích vận chuyển vào những lúc trời sập tối. Anh Đà phát hiện và bắt lại một người đàn ông đang chở gỗ ra khỏi rừng, nhưng người này đã kịp tẩu thoát. Vài mươi phút sau, người đàn ông dẫn theo đồng bọn, kẻ cầm dao, người cầm mã tấu đuổi chém anh Đà cùng nhóm bảo vệ rừng. “Chúng tôi vừa tháo chạy, vừa né những nhát chém của lâm tặc và may mắn gặp nhiều người dân địa phương gần đó can ngăn. Nếu không, chúng tôi cũng khó thoát được”, anh Đà nhớ lại. 

Bảo vệ rừng, trồng rừng vào dịp tết, công việc còn vất vả hơn, bởi nhà nhà nghỉ tết nhưng với lâm tặc là... mùa vào rừng đốn gỗ. Mỗi đợt tuần tra, trồng rừng thay thế, các thành viên phải vượt cả chục cây số đường rừng, vai vác tư trang và lương thực đủ sống trong rừng dài ngày. Nơi ăn, nghỉ của lực lượng bảo vệ rừng là những lán trại di động nên thiếu thốn, khó khăn đủ bề. Cuộc sống nơi rừng thiêng nước độc, họ đều phải tự khắc phục dựa trên kinh nghiệm trong các chuyến đi rừng. Tuy khó khăn thế nhưng trong năm 2020, theo báo cáo của BQL rừng phòng hộ huyện Tây Giang, đã tổ chức 197 đợt tuần tra, truy vết xử lý các hành vi vi phạm lâm luật trên toàn lâm phận, trong đó phát hiện và ngăn chặn 3 vụ cháy rừng, phá hủy 4 lán trại, một dàn tời gỗ, tháo gỡ 719 cái bẫy và phối hợp với Hạt Kiểm lâm Tây Giang lập biên bản xử lý 1 vụ vi phạm về hành vi khai thác gỗ trái phép, tang vật tịch thu 1,516m3 gỗ xẻ.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc BQL rừng phòng hộ huyện Tây Giang, cho biết, hiện nay đơn vị đang thực hiện trồng rừng thay thế chuyển mục đích để xây dựng công trình thủy điện Sông Bung 2, với diện tích gần 60ha. Để tránh xảy ra xung đột với người dân trong quá trình thu hồi đất, BQL rừng thường xuyên vận động nhân dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương trồng rừng thay thế. Bên cạnh đó, bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân ngay từ ban đầu, ràng buộc các đơn vị thi công phải sử dụng lao động địa phương từ giai đoạn trồng, đến chăm sóc, quản lý, bảo vệ và thực hiện giao nhận khoáng sau 10 năm kết thúc dự án. “Việc trồng rừng thay thế nếu được thực hiện tốt, thì sau 10 năm chúng ta sẽ có được rừng gỗ lớn, góp phần đảm bảo nguồn nước, phòng hộ đầu nguồn”, ông Sinh cho hay.

Xuân Quỳnh

Nguồn: Báo Sài gòn giải phóng