Người Dao đỏ ở huyện Hoàng Su Phì có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo còn được lưu giữ và phát huy. Trong đó, các trò chơi dân gian cũng rất phong phú, đa dạng và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của họ.
Mỗi trò chơi đều xuất phát từ cuộc sống lao động hàng ngày của đồng bào, phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường gắn kết cộng đồng.
Trò chơi vật chày của người Dao đỏ xã Hồ Thầu.
Hiện nay, người Dao đỏ huyện Hoàng Su Phì còn gìn giữ được nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc, trong đó không ít trò chơi gắn liền với các nghi lễ truyền thống và mang tính tâm linh huyền bí như: Múa bắt ba ba (Piéo tổ), nhảy lửa (slim tẩu), vật chày (shinh tờ chùi), bói lồng gà, chỉ ngón tay (shai mùi), thi tài sử dụng nhạc cụ… Vào mỗi dịp Tết đến Xuân về hoặc lễ hội là người già, người trẻ lại cùng nhau nô nức tham gia các trò chơi dân gian, tạo nên một không gian mang đậm màu sắc truyền thống.
Một trò chơi mang tính tâm linh kỳ bí đó là nhảy lửa, đây là một trò bao gồm cả 2 yếu tố của trò hội là trò nghi lễ và trò phối hợp nghi lễ. Trước đây, nhảy lửa thường được tổ chức trong 15 ngày đầu tháng Giêng, là dịp để người dân tạ ơn tổ tiên, cầu mong mùa màng tươi tốt và cuộc sống no đủ. Để thực hiện trò này, người ta dựng một đàn lễ ở ngoài sân với những lễ vật gồm: 5 chén rượu, một con gà luộc, giấy bản và hương. Sau đó, thầy cúng tiến hành cúng, cầu mong tổ tiên và các vị thần phù hộ, trong khi đó một số người chuẩn bị đốt đống lửa để phục vụ trò chơi. Người tham gia phải là nam giới, các thanh niên này sẽ được thầy cúng làm phép nhập tâm.
Khi bài tế của thầy cúng kết thúc, đống củi đã cháy rụi để lại tro than hồng nóng bỏng. Lúc này, những người tham gia nhảy lửa toàn thân rung bần bật, hét lên một tiếng và nhảy vào than hồng bằng chân trần. Thậm chí, họ còn dùng tay không để hất than nóng lên không trung và bắt đầu tắm lửa, hay còn gọi là Diáo xin. Những người tham gia sẽ lần lượt nhảy và bốc than cho đến khi lửa tàn hẳn. Sau khi tham gia trò chơi, trang phục và cơ thể của người chơi chỉ dính bụi bẩn chứ không hề cháy sém. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa mang đậm tính tâm linh, thể hiện sức mạnh phi thường dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật của người Dao đỏ.
Một trò chơi dân gian thể hiện sức mạnh và sự kết hợp khéo léo kèm theo nét tâm linh kỳ bí không kém trò nhảy lửa đó là trò chơi vật chày. Trò chơi này cũng cần đến sự hỗ trợ của thầy cúng. Tuy nhiên, cách chơi và thủ tục chơi có phần đơn giản hơn và bất cứ ai cũng có thể tham gia, kể cả những người thuộc dân tộc khác hoặc những du khách. Để thực hiện trò chơi này, người ta lấy một đoạn gậy bằng tre hoặc trúc, dài 1,5 m. Hai người chơi cùng cúi xuống, dùng vai để gánh, tỳ vào chiếc chày được dựng đứng dưới đất sao cho thật cân đối. Thầy cúng sẽ đặt một bàn tay lên đầu gậy phía trên vừa đi vòng quanh vừa “làm phép”. Sau khi thầy cúng bỏ tay ra thì cây gậy tự nhấc lên theo chiều thẳng đứng, cách mặt đất khoảng 25- 30 cm kéo theo cả hai người chơi. Nhiều người chơi khác liền nhảy lên lưng những người đang chơi để giúp họ ấn đầu gậy xuống đất trong sự hò reo cổ vũ của mọi người. Lạ một điều là dù nhiều người tham gia nhưng không thể nào làm cho đầu chày bên dưới chạm đất được… Chỉ đến khi có người buông tay, hoặc người chủ trò hô dừng lại, thì chày mới rơi xuống. Trò chơi vật chày của người Dao đỏ ở Hoàng Su Phì mang tính gắn kết cộng đồng cao và thể hiện rõ quan niệm tôn vinh sức khỏe dẻo dai của đồng bào.
Trong khi đó, trò chơi chỉ ngón tay lại mang tính giải trí cao. Trước hết những người chơi quy định về số ngón tay, từ 2 đến 10 ngón. Về cách chơi: Cả 2 người cùng đoán bằng lời để so sánh giữa sự trùng hợp với tổng số ngón tay cả 2 người khi cùng chìa ra có bằng nhau hay không. Chẳng hạn khi người thứ nhất nói “Chiệp chấy tùn dùn” (tức là 10 ngón) trong khi chìa ra 6 ngón và người thứ 2 chìa ra 4 ngón cộng lại bằng 10 ngón, nếu người thứ 2 không đoán đúng tổng số ngón tức là hòa. Ngược lại nếu người thứ 2 chìa ra số ngón cộng vào đúng bằng 10 thì thắng. Nếu cả 2 đều đoán đúng thì phải đoán lại đến khi một bên thắng, một bên thua. Trong trò chơi này mỗi khi đoán sai thì bên thua phải chịu búng tai, búng mũi hoặc uống một chén rượu (nếu là người lớn) tuỳ theo sự thỏa thuận ban đầu. Đây là trò chơi rất hấp dẫn và được nhiều đối tượng từ nam, nữ, người già, người trẻ chơi trong các dịp lễ hội hoặc sau những ngày lao động mệt mỏi.
Ngoài ra, còn có điệu múa bắt ba ba, một điệu múa phổ biến trong các sinh hoạt văn hoá của cộng đồng người Dao. Điệu múa là sự kết hợp các động tác mô phỏng hành động bắt ba ba trong các chuyển động đội hình khi ngang, khi chéo, khi đan xen một cách khéo léo, kết hợp với tiếng trống, tiếng chiêng cùng tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm, lúc dồn dập tạo nên điệu múa rất sinh động, đẹp mắt.
Việc gìn giữ các trò chơi dân gian của người Dao đỏ không chỉ góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn thu hút và đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi, giải trí của du khách, tạo điểm nhấn cho ngành Du lịch của địa phương.
Bài, ảnh: Nguyễn Phương