(TITC) - Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ là một trong những hệ sinh thái biển có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, với các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như rạn san hô, rong cỏ biển và các loài cá. Trong những năm qua, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã làm tốt công tác bảo tồn da dạng sinh học và quản lý tài nguyên biển đảo, nghiên cứu, thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển trong Khu bảo tồn biển đảo.
Bảo vệ đa dạng sinh học trên đảo Cồn Cỏ
Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cách đất liền khoảng 15 hải lý, có tổng diện tích 4.532 ha, được chia thành 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 534 ha; phân khu phục hồi sinh thái 1.392 ha; phân khu phát triển 2.376 ha. Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có mức độ đa dạng sinh học cao với khoảng 113 loài san hô, 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá nhiệt đới rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài/nhóm động vật phù du; trong đó có nhiều loài hải sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, ghẹ, hải sâm, vẹm xanh, điệp, cá thu, cá mú, cua biển, mực, san hô sừng. Tổng trữ lượng nguồn hải sản vùng biển đảo Cồn Cỏ ước tính đạt khoảng 40.000 tấn, sản lượng khai thác bền vững khoảng 12.000 tấn/năm.
Trong những năm qua, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn biển đảo. Trong đó, tiêu biểu là đề tài: “Điều tra hiện trạng cua đá tại đảo Cồn Cỏ”. Kết quả nghiên cứu làm cơ sở để xây dựng các giải pháp quản lý bền vững nguồn lợi cua đá tại đảo; nâng cao năng lực quản lý tài nguyên và môi trường, thu thập kiến thức, kinh nghiệm trong công tác xây dựng, quản lý dự án có sự tham gia của cộng đồng. Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng đã xây dựng đề xuất các chương trình nghiên cứu khoa học, điều tra đánh giá nguồn lợi sinh vật biển đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2016-2020; chương trình điều tra bổ sung bảo tồn gen của các loài động, thực vật quý hiếm tại Khu bảo tồn biển đảo. Qua đó, từng bước thu thập, phân loại và xây dựng tủ mẫu vật trưng bày các loài động thực vật biển quý hiếm, đặc trưng của đảo Cồn Cỏ nhằm lưu trữ nguồn gen; Những tiêu bản các loài đặc trưng có ở Khu bảo tồn biển đảo gồm: 100 bộ mẫu vật tươi (tôm hùm, cá mú, ghẹ sao, ghẹ đỏ, ốc tù và, cá hồng, cua đồi, cá chim, cá bướm, cá dìa, cua đá...) bảo quản bằng hóa chất ngâm trong chậu kính, và các tiêu bản thuộc bộ ốc và hai mảnh vỏ gồm: trai tai tượng, trai ngọc nữ, bào ngư chín lỗ, ốc hương, ốc vú nàng, ốc đụn, ốc mặt trăng, ốc nón, ốc gai, ốc sứ, điệp và một số loài san hô.
Ngoài ra, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cũng đã đẩy mạnh hoạt động điều tra, nghiên cứu, công tác giám sát đánh giá các hệ sinh thái, tài nguyên biển, nhất là vùng Đông Nam, Đông Bắc và Tây Bắc đảo Cồn Cỏ. Ban quản lý phối hợp với các đối tác trong việc triển khai các đề tài khoa học, thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển trong Khu bảo tồn biển đảo được kịp thời và đạt hiệu quả cao. Tháng 8/2015, Ban quản lý đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng tiếp tục theo dõi ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi cấy san hô tại Bến Nghè đảo Cồn Cỏ. Theo kết quả giám sát vườn ươm san hô, năm 2011 đã trồng mới 360 tập đoàn san hô cứng tại Bến Nghè, sau 230 ngày tỷ lệ sống đạt 71,1%. Sau 4 năm, đến năm 2015, một số tập đoàn san hô đã phủ nền đáy khoảng 1/10 m2 và hiện nay đang sinh trưởng phát triển tốt.
Hàng năm, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tổ chức định kỳ 4 đợt lặn kiểm tra hệ sinh thái ran san hô, thảm rong cỏ và nền đáy biển nhằm theo dõi giám sát sự sinh trưởng, phát triển, phát hiện kịp thời các sự cố về sinh vật và môi trường biển nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó. Năm 2018, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản Hải Phòng tiến hành lặn kiểm tra rạn san hô, thảm rong cỏ biển và nền đáy biển tại 5 mặt cắt bao quanh đảo: Mặt cắt Bến Tranh và các phía Đông, Nam, Bắc, Tây của đảo. Qua kết quả kiểm tra giám sát cho thấy, tại Bến Tranh, rạn san hô cứng bị tẩy trắng cuối năm 2017 đã phục hồi gần như hoàn toàn (đến 90%). Đặc biệt, tại khu vực từ Bến Tranh đến Bến Nghè, hệ ốc phát triển rất mạnh, trứng và ốc con bám vào hệ rong cỏ biển với khối lượng rất lớn, chủ yếu là các loại ốc mặt trăng, ốc đụn và một số loại khác... Điều này cho thấy, hệ sinh thái ran san hô, rong cỏ biển phát triển tốt, là bãi đẻ cho nhiều loài hải sản sống trong Khu bảo tồn biển đảo. Ngoài ra, tại 4 mặt cắt còn lại, san hô phát triển tốt, đặc biệt là san hô mềm, các loài hải miên, hải sâm có sự tăng trưởng về thành phần và khối lượng.
Ngoài ra, Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ còn phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) triển khai chương trình “Bảo tồn, cứu hộ rùa biển” nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt, mua bán, xẻ thịt, cứu hộ kịp thời rùa biển, song song với đó là không ngừng tăng cường nhận thức cho người dân về công tác bảo tồn rùa biển. Từ tháng 5/2017 - 5/2019, Ban quản lý đã kịp thời cứu hộ và thả 45 cá thể rùa biển về biển. Đây là những cá thể rùa bị mắc lưới của ngư dân, kiếm ăn tại ngư trường Quảng Trị, rùa vào bờ đẻ trứng, rùa bị săn bắt trái phép... Ban quản lý đã triển khai được 20 lớp tập huấn bảo tồn và cứu hộ rùa biển, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Luật Thủy sản, Luật Biển và các nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thủy sản cho lực lượng ngư dân, chủ tàu thuyền, thuyền trưởng và cán bộ quản lý các xã ven biển nhằm nâng cao năng lực quản lý, nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi biển và đa dạng sinh học theo hướng bền vững.
Nhằm phát huy những thành tích đã đạt về công tác bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, bảo vệ tài nguyên Khu bảo tồn biển đảo, bảo vệ và cứu hộ rùa biển..., Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ đã đề ra một số biện pháp trong những năm tiếp theo:
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động ngư dân, khách du lịch, cán bộ công nhân viên đang sinh sống và công tác trên đảo Cồn Cỏ thực hiện tốt Quy chế bảo tồn biển để nguồn lợi biển ngày càng được nâng cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên biển; Lồng ghép tích hợp nội dung giáo dục môi trường và bảo vệ môi trường trong các lớp tập huấn nhằm trang bị cho các em học sinh, ngư dân, khách du lịch, các doanh nghiệp hiểu sâu hơn về lợi ích của Khu bảo tồn biển đảo mang lại vì sự nghiệp phát triển kinh tế biển bền vững;
Tăng cường quản lý tài nguyên biển, đặc biệt trong việc phối hợp tuần tra, giám sát, truy quét và ngăn chặn các tác động xâm hại tới RSH, rong cỏ biển, môi trường nước biển trong KBTB; tích cực phối họp với các lực lượng chức năng của huyện đảo và các đơn vị liên quan như Chi cục Thủy sản, các đồn biên phòng ven biển và đảo cồn cỏ trong việc tuần tra kiểm soát các tàu cá hoạt động, neo đậu trong khu BTB, nhất là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt phân khu Phục hồi sinh thái, phân khu phát triển và các vùng xung quanh đảo cồn cỏ. Lắp đặt thêm và bảo dưỡng hệ thống phao phân vùng nhằm quản lý tốt hơn tài nguyên biển.
Đẩy mạnh hoạt động điều tra, nghiên cứu, công tác giám sát đánh giá các HST, tài nguyên biển, nhất là vùng Đông Nam, Đông Bắc và Tây Bắc đảo Cồn Cỏ. Phối hợp với các đối tác trong việc triển khai các đề tài khoa học, thử nghiệm nuôi cấy san hô, phục hồi nguồn lợi biển trong Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ được kịp thời và đạt hiệu quả cao.
Tăng cường công tác cứu hộ, bảo vệ, bảo tồn động vật hoang dã quý, hiếm, nguy cấp được ưu tiên bảo vệ có tên trong sách Đỏ Việt Nam, cũng như sách Đỏ thế giới; các loài quý, hiếm, nguy cấp được ưu tiên bảo vệ Nghị định số 160/2013/NĐ-CP; Nghị định số 26/2019/NĐ-CP như 5 loài rùa biển, cá heo, trai tai tượng, các loài san hô...
Tăng cường kêu gọi đầu tư du lịch vào đảo Cồn Cỏ
Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh cho biết, nằm trong chương trình kích cầu phát triển du lịch, địa phương này đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú đạt chuẩn tại huyện đảo Cồn Cỏ, nhằm thúc đẩy du lịch Cồn Cỏ phát triển xứng đáng với tiềm năng.
Đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị, không chỉ nổi tiếng là đảo anh hùng từ những năm chiến tranh, ngày này du khách còn được biết đến là hòn đảo có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp. Hệ sinh vật biển của đảo thuộc loại phong phú nhất, đẹp nhất của Việt Nam.
Các loài rong biển, tảo biển, san hô vô cùng sặc sỡ nhiều màu sắc làm nên không gian đáy biển sinh động. Kết quả điều tra của các nhà khoa học cho thấy, Cồn Cỏ có đến 109 loài san hô, nhiều loại quý hiếm, nhất là san hô đỏ và san hô đen; ngoài ra còn có hơn 50 loài rong biển có giá cao. Du khách đến đảo Cồn Cỏ sẽ được thăm nhà truyền thống, cột cờ Tổ quốc, đài tưởng niệm đồi 37, di tích Bến Tranh, Bến Nghè, đèn Hải đăng, khám phá rừng nguyên sinh, nhất là lặn biển ngắm san hô và khám phá ẩm thực biển…
Hiện nay, việc đi lại ra đảo đã thuận lợi hơn rất nhiều kể từ khi đảo được cấp phép khai thác du lịch vào năm 2017. Hằng tuần, có ba chuyến tàu du lịch cao tốc mang tên Cồn cỏ - tourist có sức chứa 80 ghế phục vụ du khách tham quan du lịch. Từ cảng Cửa Việt, vào 8 giờ các ngày thứ 2, tàu bắt đầu rời bến, khoảng 50 phút di chuyển là tàu đưa du khách tới đảo; tàu trở về đất liền vào ngày thứ 3. Tiếp tục sáng thứ 5 và thứ 7, tàu ra đảo và trở về vào sáng thứ 6 và chủ nhật hàng tuần. Ngoài các thời gian quy định này, những ngày còn lại trong tuần, các đoàn khách có nhu cầu vận chuyển theo lịch trình riêng thì liên hệ trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ - Du lịch Cồn để được phục vụ. Giá vé 400 nghìn đồng/du khách cho một lần ra vào. Thời gian tham quan du lịch thích hợp nhất trên đảo Cồn Cỏ là mùa hè, từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, trong đó tháng 5, 6 và 7 là thời điểm thời tiết sóng lặng biển êm”.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030, tỉnh Quảng Trị và huyện Cồn Cỏ đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các công trình trung hạn đã được phê duyệt để phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh; trong đó, ưu tiên tập trung vào cơ sở hạ tầng du lịch, dịch vụ lưu trú đạt chuẩn. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên doanh, liên kết phát triển du lịch một cách bền vững.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo huyện đảo cũng mong muốn một số điểm di tích trên đảo sớm được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, để được đầu tư, tôn tạo hình thành các điểm đến mới, từng bước hình thành khu danh thắng lịch sử, điểm tham quan trên đảo, tạo thêm nhiều cảm giác mới lạ, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Xây dựng huyện đảo Cồn Cỏ xanh, sạch, đẹp
Đảo Cồn Cỏ được thiên nhiên ưu đãi có hệ sinh thái rừng và biển đẹp, đa dạng, phong phú. Để phát huy tiềm năng và thế mạnh du lịch của huyện đảo, Mặt trận huyện đảo Cồn Cỏ đã tích cực vận động người dân làm vệ sinh môi trường, xây dựng những tuyến đường xanh, sạch, đẹp.
Đến với Cồn Cỏ hôm nay, du khách không những được ngắm nhìn, trải nghiệm những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mà còn cảm nhận được sự vươn lên mạnh mẽ của huyện đảo để đạt mục tiêu trở thành một điểm du lịch thu hút đông đảo du khách gần xa. Với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo, trong thời gian qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, quân và dân trên đảo làm tốt công tác vệ sinh môi trường, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.
Bên cạnh tuyên truyền thông qua các hội nghị, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, cổ động trực quan, Mặt trận tổ quốc huyện Cồn Cỏ đã tích cực phối hợp với Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ tổ chức tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt thuỷ, hải sản ở khu vực quanh đảo Cồn Cỏ. Công tác tuyên truyền được thể hiện sinh động thông qua hội thi “Vì biển đảo quê hương” và các hội diễn văn nghệ với chủ đề “Tuổi trẻ chung tay bảo vệ biển, đảo” đã tạo sự lan toả về trách nhiệm của cán bộ, quân và dân trên đảo trong công tác bảo vệ môi trường, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, cải thiện môi trường sống trên đảo và vùng biển quanh đảo.
Một trong những nội dung phối hợp giữa Khối Mặt trận đoàn thể với UBND huyện là công tác tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện bảo vệ tài nguyên môi trường. Với việc chọn ngày thứ 7 đầu tiên của tháng ra quân làm vệ sinh bờ biển đã thu hút đông đảo quân và dân trên đảo tham gia. Bên cạnh đó, Mặt trận huyện đã phối hợp với UBND huyện thực hiện mô hình bờ biển tự quản, chia 5 tuyến đường chính trên đảo cho cán bộ, chiến sĩ 17 cơ quan để đảm nhận chăm sóc, quản lý. Tùy theo kế hoạch hoạt động, các cơ quan, đơn vị bố trí mỗi tháng ít nhất một ngày tổng dọn vệ sinh khu vực phụ trách, góp phần đưa hoạt động “làm sạch biển” trở thành việc làm tình nguyện, thường xuyên.
Ngoài ra, huyện đảo đã phát động xây dựng mô hình chống rác thải nhựa với các hoạt động thiết thực như ký kết mô hình chống rác thải nhựa giữa Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện đảo Cồn Cỏ, các đơn vị lữ hành du lịch thường xuyên đưa khách ra đảo. Đồng thời phát động quân dân thu gom rác thải nhựa và vệ sinh trên đảo; tập huấn chống rác thải nhựa cho cán bộ, chiến sĩ và người dân; thả con giống bổ sung nguồn lợi hải sản ở Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ…
Theo những người dân sống ở trên đảo cho biết: “Nhờ các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và cùng vào cuộc, đồng hành tích cực nên đã góp phần nâng cao ý thức của mỗi hộ gia đình sống trên đảo trong việc bảo vệ môi trường. Hiện nay, từ khuôn viên từng hộ gia đình cho đến khu dân cư, người dân đã chủ động thu gom rác đúng nơi quy định, dọn vệ sinh các điểm kinh doanh, phát quang cây dại, trồng hoa, thu gom rác thải, giữ cho cảnh quan môi trường luôn sạch sẽ, trong lành…”. Để tạo điểm nhấn cho đảo, Mặt trận tổ quốc huyện Cồn Cỏ còn vận động thực hiện mô hình “đảo hoa giấy” với việc trồng và đặt những chậu hoa giấy sặc sỡ sắc màu nằm dọc các trục đường chính của đảo để tạo cảnh quan xinh đẹp cho hòn đảo này.
Trong thời gian vừa qua, Lãnh đạo huyện Cồn Cỏ đã nhận rõ tầm quan trọng của công tác giữ gìn môi trường biển trong sạch, xây dựng đảo xanh, sạch, đẹp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện đảo này. Do đó, Lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phát động phong trào chung tay bảo vệ môi trường hàng năm. Sau nhiều lần phát động, phong trào đã khẳng định cách làm đồng bộ, sáng tạo, không chỉ góp phần giữ gìn môi trường biển, đảo mà còn góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, gắn kết được trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị đối với việc chung tay xây dựng huyện đảo văn minh, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng nếp sống thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hoá, đảo an toàn, là đảo ngọc giữa Biển Đông.
Trung tâm Thông tin du lịch