(TITC) - UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có quyết định thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) đất ngập nước (ĐNN) Tam Giang - Cầu Hai, rộng 2.071,5 ha. Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 799,1 ha; phân khu phục hồi sinh thái 1.242,9 ha; phân khu dịch vụ - hành chính 29,5 ha. Việc thành lập KBTTN này nhằm tăng cường các hoạt động bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái (HST) đầm phá nói chung và các giá trị đa dạng sinh học (ĐDSH) nói riêng; đảm bảo quản lý tốt hơn, sử dụng khôn khéo vùng ĐNN đặc sắc này, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Vùng Đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế là hệ đầm phá bán khép kín lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa ven bờ tây vịnh Bắc Bộ và khu vực ven biển miền Trung. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích 22.000 ha mặt nước, kéo dài trên 68 km dọc bờ biển của tỉnh Thừa Thiên - Huế và gồm 3 thủy vực kế tiếp nhau: phá Tam Giang, đầm Thủy Tú (gồm đầm An Truyền, Thanh Lam, Hà Trung, Thủy Tú hợp thành) và đầm Cầu Hai. Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo môi trường sống và phát triển thuận lợi cho các loài thủy sinh vật, cung cấp các bãi giống, bãi đẻ và là nơi có tầm quan trọng đặc biệt đối với các loài chim di cư, trú đông.
Được xác định là thủy vực nước lợ điển hình, khu vực ĐNN của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có các HST tiêu biểu ở vùng ven bờ với 7 kiểu ĐNN điển hình: Thảm cỏ biển, bãi vùng gian triều, rừng ngập mặn, vùng nước cửa sông, đầm phá ven biển, các khu ĐNN nhân tạo sử dụng cho nuôi trồng thủy sản (ao, hồ, đầm) và đất canh tác nông nghiệp. Tương ứng với mỗi kiểu ĐNN là một loại hình HST với các đặc trưng về môi trường và hệ sinh vật khác nhau. Trong đó, tiêu biểu là HST cỏ biển, HST thủy sinh nước ngọt, HST đáy mềm và HST rừng ngập mặn. Đặc biệt, HST cỏ biển rất đặc thù, có tính chất điển hình cho vùng ven bờ biển Việt Nam và là sinh cảnh thích hợp cho quần tụ chim nước.
Về đa dạng thành phần loài, các kết quả điều tra, nghiên cứu cho thấy, khu vực này có 1.296 loài sinh vật (trong đó có 41 loài quý hiếm) sinh sống trong các HST đặc thù, đại diện cho loại hình cửa sông, đầm phá ven biển như cỏ biển, thực vật thủy sinh nước ngọt, đáy mềm, rừng ngập mặn... Đầm phá giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo môi trường sống và phát triển thuận lợi nhất cho các loài thủy sinh vật, cung cấp các bãi giống, bãi đẻ, là nơi trú chân, kiếm ăn của các loài chim di cư, trú đông (do vị trí của khu vực nằm trên tuyến di cư chính Đông Á - Úc Châu). Đầm phá có các loài sinh vật có trong sách Đỏ của Việt Nam như cá chình hoa, cá chình mun, cá măng, cá cháo lớn; rắn hổ chúa, trăn đất, trăn gấm; chim ác là, chim le khoang cổ… Các loài có tầm quan trọng quốc tế, quý hiếm bị đe dọa trên toàn cầu được liệt kê trong Danh lục đỏ của IUCN như chim di cư (sẻ đồng ngực vàng, choắt chân màng lớn); bò sát (rùa hộp trán vàng); cỏ biển (cỏ nàn)…
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là một trong những KBTTN ĐNN đã được quy hoạch theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với tổng diện tích được quy hoạch là 20.000 ha. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung, vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng, đặc biệt các hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản và phát triển kinh tế vùng ven bờ đã tác động mạnh, làm gia tăng nguy cơ suy thoái môi trường, cũng như HST đầm phá. Các tác động chính có thể liệt kê bao gồm: diện tích mặt nước tự nhiên bị phân mảnh, thu hẹp do diện tích nuôi trồng thủy sản tăng; nguồn tài nguyên thiên nhiên, ĐDSH giảm sút nghiêm trọng do phát triển nuôi trồng thủy sản thiếu quy hoạch và các hoạt động đánh bắt mang tính hủy diệt; môi trường nước có dấu hiệu ô nhiễm do chưa quản lý tốt việc xả thải ở đầm phá và trên các nhánh sông đổ vào phá.
Trước hiện trạng nêu trên, ngày 20/2/2020, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 494/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thành lập KBTTN ĐNN Tam Giang - Cầu Hai và Quyết định số 495/QĐ-UBND về việc thành lập KBTTN ĐNN Tam Giang - Cầu Hai. Theo đó, tổng diện tích KBTTN ĐNN Tam Giang - Cầu Hai là 2.071,5 ha, bao gồm phân vùng Ô Lâu (1.270,2 ha), phân vùng Cồn Tè - Rú Chá (187,1 ha) và 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản (614,2 ha). Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 799,1 ha; phân khu phục hồi sinh thái: 1.242,9 ha; phân khu dịch vụ - hành chính: 29,5 ha.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là bảo tồn, phục hồi được các HST đặc thù, quan trọng, ĐDSH và nguồn lợi thủy sản của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (HST thảm cỏ biển tại các khu vực Cồn Tè (Hương Trà), Cồn Dài (Phú Vang), Vinh Giang - Vinh Hiền, Lộc Bình – Lộc Trì (Phú Lộc); Thảm thủy sinh nước ngọt tại cửa sông Ô Lâu (Phong Điền, Quảng Điền); HST rừng ngập mặn tại khu vực Rú Chá (Hương Trà)); Bảo vệ, duy trì và phục hồi bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản tại khu vực Cồn Dài (Phú Vang), Vinh Giang - Vinh Hiền, Lộc Bình - Lộc Trì (Phú Lộc); Bảo vệ quần thể của các loài chim hoang dã quý hiếm, có giá trị bảo tồn, đặc biệt các loài chim di trú; phục hồi và phát triển phân vùng Ô Lâu trở thành “sân chim” tiêu biểu của khu vực và toàn quốc; Bảo vệ và phục hồi các loài thủy sản quý hiếm, đặc trưng, có giá trị bảo tồn và giá trị kinh tế; Duy trì các chức năng sinh thái của đầm phá ven biển; bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững các giá trị tài nguyên ĐNN và dịch vụ HST của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; Phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục; cộng đồng địa phương được tham gia quản lý, khai thác, sử dụng bền vững các giá trị của Khu bảo tồn ĐNN; nâng cao nhận thức và kiến thức về môi trường của cộng đồng; tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các nhà khoa học, các nhóm người yêu thiên nhiên trong nước và quốc tế nghiên cứu khoa học sinh học, sinh thái học và bảo tồn; Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng tại địa phương trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên ĐNN thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp.
Việc thành lập KBTTN ĐNN Tam Giang – Cầu Hai nhằm bảo tồn và phục hồi ĐDSH, nguồn lợi sinh vật và các HST đặc thù trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội và tăng cường vai trò của cộng đồng trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; Giảm thiểu các tác động làm suy giảm chất lượng môi trường sống, ảnh hưởng đến cấu trúc của HST, ĐDSH và nguồn lợi thủy sản; tăng cường khả năng chống chịu của các HST trong khu bảo tồn, thích ứng với những biến động tự nhiên của đầm phá và biến đổi khí hậu. KBTTN ĐNN Tam Giang - Cầu Hai trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học sinh học, sinh thái học và bảo tồn về đầm phá của Việt Nam và thế giới.
Trung tâm Thông tin du lịch