(TITC) - Theo tác giả Stephen L.Wearing, Jennie Small và Simone Grabowski, Đại học Công nghệ Sydney, trải qua nhiều thế kỷ, giới trẻ đi du lịch đã chiếm tỷ lệ lớn. Theo ước tính của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), năm 2012, lượng khách du lịch lứa tuổi thanh thiếu niên chiếm 20% trong tổng số hơn 1 tỷ lượt khách quốc tế mỗi năm. Số liệu thống kê du lịch của Úc năm 2013 cho thấy hơn 25% lượng khách quốc tế đến quốc gia này ở độ tuổi 15-29. Theo báo cáo của UNWTO năm 2008 về xu hướng du lịch của thanh niên, “hơn 80% khách du lịch là thanh niên cho biết chuyến đi du lịch của họ đã ít nhiều làm thay đổi lối sống của họ, và phần lớn đi du lịch theo hướng có trách nhiệm và suy nghĩ nhiều hơn về các vấn đề như công bằng xã hội và nghèo đói”.
Thanh niên được đánh giá là một phân khúc thị trường quan trọng mở đường cho du lịch có trách nhiệm. Là một hình thức của du lịch tuổi trẻ, du lịch thiện nguyện có thể là một phương tiện để thay đổi giới trẻ hướng đến một tương lai bền vững. Theo Wearing – một tác giả viết về du lịch thiện nguyện, khách du lịch thiện nguyện là những “tình nguyện viên tổ chức các kỳ nghỉ gắn với các hoạt động trợ giúp hoặc xóa đói giảm nghèo cho một số cộng đồng địa phương, bảo vệ môi trường hoặc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến xã hội hay môi trường”. Quan niệm của Wearing ngụ ý rằng khách du lịch thiện nguyện có lòng nhân ái giúp đỡ người khác. Du lịch thiện nguyện mang thông điệp mong muốn các cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ các trải nghiệm du lịch và du lịch thiện nguyện góp phần vào một tương lai bền vững cả về kinh tế và xã hội (Laythorpe, 2009). Các nghiên cứu cho thấy rằng mỗi khách du lịch thiện nguyện có động lực khác nhau, có thể là xuất phát từ lòng vị kỷ, lòng nhân ái hoặc cả hai. Nhiều khách du lịch thiện nguyện đã tự phát triển thành mục tiêu du lịch (Coghlan & Fennell, 2009; Grabowski, 2013; Rehberg, 2005). Một số nhà nghiên cứu đã xem xét tác động của du lịch thiện nguyện đến sự phát triển của bản thân khách du lịch thiện nguyện (Lepp, 2008; Matthews, 2008; Sin, 2009; Wearing, 2002; Wearing, Deville & Lyons, 2008); và đã thấy rằng du lịch thiện nguyện có thể là một sự nỗ lực của chính bản thân du khách – chủ yếu quan tâm đến trải nghiệm sự thay đổi trong nhận thức của bản thân (Sin, 2009). Một số nhà nghiên cứu cho rằng chính sự chú trọng vào bản thân tiềm ẩn nguy cơ du lịch thiện nguyện gặp phải những bất đồng văn hóa (Griffin, 2004; Rayomond & Hall, 2008; Simpson, 2004). Tuy nhiên, số khác thấy rằng chính trong quá trình du lịch thiện nguyện tạo cơ hội giao lưu văn hóa (Devereux, 2008; Wearing & Grabowski, 2011). Ví dụ, theo quan điểm của Matthews (2008), du lịch thiện nguyện hiện là một hình thức trao đổi đôi bên cùng có lợi liên quan đến quá trình chia sẻ hai chiều để “đạt được sự bình đẳng giữa bản thân và người khác”.
Mặc dù động cơ vì bản thân, giới trẻ dễ tác động và sẵn sàng thay đổi. Theo các nhà nghiên cứu về khách du lịch thiện nguyện là thanh niên Úc ở Niu Di-lân, giới trẻ hướng ngoại, có xu hướng mở với những đặc trưng văn hóa khác nhau và có thể thay đổi (Zahra, 2011; Zahra & McIntosh, 2007). Nghiên cứu năm 2007 của Zahra và McIntosh chỉ ra rằng sau chuyến đi, khách du lịch thiện nguyện thấy mọi thứ “hoàn toàn khác theo hướng tươi sáng hơn”. Họ cho biết có sự thay đổi trong cuộc sống gia đình, tài sản vật chất và chất lượng cuộc sống. Nghiên cứu khác cho thấy những khách du lịch thiện nguyện là giới trẻ thay đổi trở thành tình nguyện viên khi trở về nhà (Esslinger, 2005; Grabowski, 2014). Ngoài ra, năm 2012, Crossley đã tiến hành một cuộc khảo sát tâm lý xã hội để đánh giá tác động của du lịch thiện nguyện đến sự thay đổi của bản thân du khách và thấy rằng thay đổi của khách du lịch thiện nguyện ở Kenya là một sự tự thay đổi về “tinh thần”, điều này có nghĩa là để trải nghiệm sự thay đổi này, các tình nguyện viên cần tiếp xúc với những trải nghiệm tiêu cực để thấy được triển vọng mới, sự tươi sáng của cuộc sống. Những trải nghiệm tiêu cực bao gồm trải nghiệm sự nghèo khổ, và sự khác biệt về điều kiện vật chất giữa ở nhà và cộng đồng địa phương.
Mô hình du lịch thiện nguyện tại Việt Nam
Tại Việt Nam, mô hình du lịch thiện nguyện cũng đã bước đầu được khai thác ở những mức độ khác nhau, từ việc kết hợp đưa khách đến những vùng sâu vùng xa để tặng quà cho những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn, quyên góp tiền để xây dựng trường học cho trẻ em…, cho đến những chương trình, dự án thu hút tình nguyện viên giúp đỡ dạy tiếng Anh, và các kĩ năng cho các em học sinh ở vùng núi… Điển hình như Tổ chức tình nguyện vì Giáo dục (VEO) hoạt động theo mô hình của doanh nghiệp xã hội. VEO hướng tới 3 mục đích chính là cung cấp dịch vụ du lịch thuần túy cho khách hàng, mang đến những cơ hội trải nghiệm, phát triển bản thân cho đối tượng thanh thiếu niên và hỗ trợ cộng đồng. Trong các chuyến trải nghiệm du lịch do VEO tổ chức, du khách sẽ dành 50% cho hoạt động cộng đồng gồm giáo dục, hỗ trợ sửa chữa điện, đường, trường, trạm, quảng bá du lịch địa phương. VEO đã thực hiện các dự án vì cộng đồng tại Bản Cỏi (Phú Thọ), Sa Pa, Thác Bà (Yên Bái), Hà Thành (Hà Giang), biển Quy Nhơn. Có đến 70% lợi nhuận hàng năm được VEO tái đầu tư cho các dự án, chương trình cộng đồng tại các địa phương, điểm du lịch. VEO đã thu hút gần 14.000 tình nguyện viên du lịch thường xuyên tham gia vào hoạt động của các dự án. Doanh thu của VEO năm 2015 đạt 1,2 tỷ đồng, sang đến năm 2016 con số này là là 2,9 tỷ đồng và năm 2017 là 4,9 tỷ đồng. Đối tượng khách hàng của VEO chủ yếu là các bạn trẻ 18 – 24 tuổi, trong đó khoảng 10% khách hàng là du khách nước ngoài.
Tác động tích cực của du lịch thiện nguyện
Du lịch thiện nguyện và việc phát triển sản phẩm du lịch tình nguyện đảm bảo những mục tiêu và nguyên tắc của phát triển bền vững có ý nghĩa hết sức to lớn đối với môi trường, văn hóa – xã hội và kinh tế, cụ thể: Góp phần đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên điểm đến, bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo tồn những giá trị tự nhiên – là tiềm năng, là tiền đề để phát triển du lịch. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, tôn trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương – một trong những trụ cột phát triển du lịch bền vững. Giúp đỡ, hỗ trợ cộng đồng dân cư cải thiện đời sống, nâng cao dân trí, nhận thức về môi trường, văn hóa, nhận định được vai trò của mình trong việc bảo tồn những giá trị tự nhiên, văn hóa và phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của địa phương. Hoạt động du lịch thiện nguyện mang tính giáo dục lớn đối với những du khách trực tiếp tham gia, không những chỉ tăng cường sự giao lưu văn hóa, mở mang kiến thức xã hội, nâng cao kĩ năng sống mà hơn thế giúp họ nhận thức rõ những giá trị của tự nhiên, văn hóa địa phương, nâng cao ý thức trách nhiệm cá nhân đối với môi trường và xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với việc hình thành tính cách, giá trị sống, quan niệm và lập trường sống nhân văn. Từ đó giúp hình thành nên những thế hệ tương lai có nhân cách sống tích cực, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn. Các hoạt động du lịch thiện nguyện góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế địa phương, huy động được nguồn vốn, vật chất từ các cá nhân, tập thể, tổ chức để hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào du lịch của vùng, tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Tóm lại, du lịch thiện nguyện có thể được xem như một hình thức giáo dục công dân mang tính thực tiễn; tạo sự thừa nhận và hội nhập sự đa dạng văn hóa; và thúc đẩy phát triển tình công dân toàn cầu (Georgiou, 2008; Netanyahu, 1998). Để phổ biến thông điệp này, điều quan trọng là các tổ chức cử tình nguyện viên cố gắng hết sức hành động một cách có trách nhiệm đối với việc đưa sản phẩm đến với phân khúc thị trường khách du lịch thiện nguyện trẻ đầy triển vọng; và thắt chặt quan hệ với các cộng đồng liên quan. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng các tình nguyện viên được các cộng đồng chào đón và thu được kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao hiểu biết và ý thức về trách nhiệm dân sự. Chắc chắn rằng sẽ mở ra một hình thức du lịch thanh niên thiện nguyện theo hướng bền vững.
Trung tâm Thông tin du lịch