(TITC) - Sông Amazon là dòng sông dài thứ hai trên thế giới với 6.400 km, sông Amazon chảy qua Bra-xin, Cô-lôm-bi-a và Pê-ru. Lưu vực sông có diện tích khoảng 6,9 triệu km2, bao gồm các quốc gia Bô-li-vi-a, Bra-xin, Cô-lôm-bi-a, Ê-cu-a-đo, Gai-a-na thuộc Pháp, Gai-a-na, Pê-ru, Xu-ri-nam và Vê-nê-zu-ê-la. Sông Amazon chiếm 13% thảm thực vật và 40% rừng mưa nhiệt đới trên toàn cầu.
Dòng sông là hành lang giao thông chính cho người dân sinh sống trong khu vực này. Các tàu thuyền chở khách hoạt động thường xuyên tại nhiều nơi và giữa các thành phố lớn. Rừng mưa nhiệt đới Amazon sở hữu hệ động, thực vật vô cùng phong phú, nhiều loài đặc biệt quý hiếm như loài cá heo hồng, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hơn 400 tộc người bản địa cũng là những tiềm năng lớn để phát triển du lịch của vùng.
Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là so với các lưu vực sông khác, Amazon ít được khách du lịch trong vùng và khách quốc tế biết đến như một điểm đến du lịch. Phải thừa nhận việc cách trở về mặt địa lý, thiếu hụt hạ tầng cơ sở và sản phẩm phù hợp chính là rào cản khiến du lịch nơi đây khó có thể cạnh tranh với các điểm du lịch đường sông khác trong vùng và trên thế giới. Điểm du lịch đường sông nổi tiếng nhất là Khu bảo tồn quốc gia Pacaya-Samiria ở Pê-ru, có 3 lưu vực sông và thảm động thực vật vô cùng phong phú. Đây cũng là những tiềm năng lớn đối với phát triển du lịch vùng phụ cận sông Amazon.
Tổ chức Hiệp ước Hợp tác Amazon được thành lập từ năm 1988, là một tổ chức quốc tế hoạt động vì sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Amazon, trong đó, phát triển du lịch là một trong những vấn đề trọng tâm. Thông qua hoạt động của tổ chức, đã hình thành các tuyến du lịch xuyên biên giới ở khu vực Amazon, bao gồm hành trình du lịch Amazon – Ca-ri-bê (qua các nước Bra-xin, Gai-a-na, Xu-ri-nam), tuyến Amazon – Andes – Pacific (qua Bra-xin, Pê-ru), tuyến du lịch đường sông Amazon (qua Bra-xin, Cô-lôm-bi-a, Pê-ru, Ê-cu-a-đo, Bô-li-vi-a).
Mỗi tuyến đều có cẩm nang hướng dẫn du lịch bền vững nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp và các nhà điều hành tour trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch. Cẩm nang này cũng cung cấp chi tiết thông tin về các điểm du lịch bền vững, đồng thời có đầy đủ hướng dẫn, khuyến nghị dành cho du khách về cách hành xử bền vững ở khu vực Amazon.
Sông Danube
Là dòng sông dài nhất trong khu vực Liên minh châu Âu (EU) và dài thứ hai trong toàn châu Âu, sau sông Vôn-ga. Dòng sông bắt nguồn từ thị trấn Donaueschingen ở Rừng Đen của nước Đức, tại hợp lưu của hai dòng sông Brigach và Breg rồi chảy theo hướng Đông Nam với chiều dài 2.872 km, qua địa phận 10 quốc gia, trong đó có 4 thành phố thủ đô gồm Vienna, Bratislava, Budapest và Belgrade và lấy nước từ các sông thuộc 19 quốc gia, trước khi đổ ra Biển Đen qua Đồng bằng châu thổ sông Danube tại Ru-ma-ni và U-crai-na. Lưu vực sông Danube cũng mở rộng tới một số quốc gia khác, trong đó nhiều phụ lưu của sông Danube trở thành những con sông quan trọng, là nơi qua lại của các loại tàu thuyền ở vùng nước cạn.
Chính yếu tố trên đã biến lưu vực sông Danube trở thành khu vực mang tầm quốc tế, đóng vai trò rất quan trọng. Toàn bộ lưu vực có diện tích khoảng 800.000km2, là nơi sinh sống của 120 triệu cư dân – chiếm hơn 1/5 dân số toàn châu Âu.
Thượng nguồn sông Danube được biết tới như một điểm du lịch hấp dẫn từ lâu đời, có đầy đủ hạ tầng du lịch, phù hợp với thị hiếu và túi tiền mọi đối tượng khách, từ cơ sở lưu trú cao cấp như các lâu đài ven sông và các khách sạn sang trọng, các nhà hàng nổi tiếng, cho tới hệ thống nhà nghỉ bình dân. Cùng với dịch vụ tàu thuyền, giao thông đường sắt, đường bộ và đường không về phía thượng nguồn sông Danube và sự kết nối giữa các quốc gia đều rất hoàn hảo. Các sân bay khu vực nằm ở vị trí thuận lợi và luôn có khả năng cung ứng tốt, phục vụ ngày càng nhiều chuyến bay của các hãng hàng không truyền thống và giá rẻ.
Vùng trung và hạ nguồn sông Danube thua xa vùng thượng nguồn cả về cơ sở hạ tầng và phát triển sản phẩm; tuy nhiên ở đó đang phát triển ngày càng nhiều các đường bay mới và sân bay mới. Nhiều khu vực trên sông Danube rất cần được nâng cấp nếu muốn phát triển du lịch. Ở nhiều nơi, chất lượng nước không bảo đảm an toàn và gây cản trở sự phát triển của thể thao dưới nước. Vấn đề này đang được quan tâm, nhưng chưa có nhiều cải thiện do công tác khắc phục và nâng cấp gặp nhiều khó khăn và tốn kém.
Một trong những cách tốt nhất đi tham quan khu vực này là tàu thuyền, vì du khách có thể ăn nghỉ trên tàu thuyền, thậm chí nếu không có nhu cầu lên bờ thì các chuyến đi ngắn trong ngày tham quan những điểm chính dọc sông càng dễ tổ chức hơn. Đối với những du khách đam mê đạp xe hoặc leo núi mà không có đòi hỏi cao về dịch vụ lưu trú và ăn uống thì có xu hướng lựa chọn lưu trú tại nhà dân hoặc cơ sở lưu trú tập thể. Loại hình cơ sở lưu trú này ngày càng phát triển bởi vì tương đối tiết kiệm chi phí xây dựng và quản lý cũng như khuyến khích được cộng đồng địa phương tham gia kinh doanh.
Trung tâm Phát triển Danube được thành lập ở Belgrade năm 2010 đã góp phần thúc đẩy hợp tác công-tư trong phát triển du lịch ở vùng Danube. Hoạt động trọng tâm của Trung tâm là hỗ trợ phát triển kinh tế khu vực trung và hạ nguồn sông Danube (bao gồm Crô-a-ti-a, Xéc-bi-a, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Môn-đô-va và U-crai-na) thông qua việc xây dựng một thương hiệu du lịch chung cho các quốc gia này; mục tiêu dài hạn là giúp đỡ các vùng kém phát triển ở Danube bắt kịp với vùng thượng nguồn sông Danube về hạ tầng du lịch, phát triển sản phẩm và tăng trưởng du lịch.
Bên cạnh sự phát triển của những tour du lịch mới như thăm di tích La Mã và hành trình trải nghiệm rượu vang, Trung tâm cũng khuyến khích các công ty lữ hành xây dựng thêm nhiều chương trình tour mới. Sông Danube là điểm đến rất hấp dẫn trong các chương trình du lịch đường thủy, mỗi năm ước tính thu hút khoảng 150 tàu du lịch, trong đó phần lớn đến thượng nguồn sông Danube. Chỉ 50 tàu đến Belgrade năm 2013 và 30 tàu đến Tulcea.
Hành trình du ngoạn trên sông và đạp xe dọc bờ sông chắc chắn là những sản phẩm du lịch phổ biến nhất. Bên cạnh đó vùng Danube còn có hàng loạt các hoạt động giải trí khác như các tour du lịch văn hóa và tham quan thành phố, các hoạt động dựa vào thiên nhiên như xem chim hoặc câu cá, tour trải nghiệm ẩm thực và rượu vang địa phương, các hoạt động thể thao và các chương trình chăm sóc sức khỏe. Những chương trình hội nghị về du lịch đường thủy cũng thu hút ngày càng nhiều đại biểu quan tâm tham dự.
Chính sách vùng về phát triển du lịch sông Danube không chỉ chú trọng về du lịch đường sông của mỗi quốc gia thành viên, mà còn hướng đến phát triển du lịch bền vững dưới mọi hình thức. Mục đích nhằm giúp những cộng đồng địa phương nghèo thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua những loại hình du lịch khác nhau, mang đến cơ hội việc làm mới, khuyến khích phát triển kỹ năng và từ đó hạn chế sự dịch chuyển của thế hệ trẻ đến những trung tâm đô thị.
Sông Nile
Với chiều dài 6.696km, sông Nile là con sông dài nhất trên trái đất, chảy qua địa phận nhiều quốc gia ở châu Phi bao gồm Bu-run-đi, Công-gô, Ê-ti-ô-pi-a, Eritrea, Kê-ni-a, Ru-an-đa, Su-đan, Xu-đăng, Tan-da-ni-a, U-gan-đa và Ai Cập. Sông Nile có hai nhánh chính là Nile trắng và Nile xanh. Hai nhánh sông gặp nhau gần thủ đô Khartoum (Xu-đăng), đánh dấu sự khởi đầu của du lịch đường sông và các điểm văn hóa truyền thống từ thời cổ đại gắn liền với sông Nile.
Các chương trình du lịch trên sông Nile có độ dài thời gian khác nhau, có thể trong 3, 4 hoặc 7 ngày, và có hơn 250 tàu thuyền phục vụ trên tuyến sông. Mặc dù tàu thuyền có thể đi lại trên sông Nile quanh năm, nhưng mùa lý tưởng nhất cho du lịch sông Nile là từ tháng 10 – tháng 4. Nhiều hoạt động được du khách ưa thích như khám phá thế giới động vật hoang dã ở Kê-ni-a, tour xem khỉ ở U-gan-đa và leo núi Kilimanjaro.
Mặc dù du lịch cũng đã thu được những thành công nhất định trong những năm qua, nhưng vùng sông Nile đang đối diện với nhiều thách thức như thực trạng nghèo khó, khan hiếm nước, sự xuống cấp của các di sản văn hóa và những biến đổi xã hội theo hướng tiêu cực.
Được khởi xướng từ năm 1999, Sáng kiến lưu vực sông Nile là khuôn khổ hợp tác liên chính phủ giữa các quốc gia ven sông sông Nile. Đây là nền tảng cơ bản cho các bên liên quan đối thoại và trao đổi thông tin, cũng như cùng nhau lập kế hoạch và quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Nile.
Theo Ngân hàng Thế giới, hợp tác phát triển khu vực sông Nile mang lại cơ hội thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường hội nhập khu vực và phát triển bền vững, ổn định. Sông Nile là một trong những khu vực kém phát triển nhất thế giới, mặc dù có tiềm năng rất lớn trong mở rộng quy mô đầu tư trong nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch, nhằm xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng bền vững.
Sông Trường Giang
Sông Trường Giang dài 6.300km, là con sông dài thứ ba thế giới, chảy qua 11 tỉnh của Trung Quốc trước khi đổ ra Biển Hoa Đông tại Thượng Hải. Sông có vai trò quan trọng trong lịch sử, văn hóa và kinh tế Trung Quốc, chảy qua một loạt hệ sinh thái, và là nơi cư trú của nhiều loài đặc hữu và loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Ở thượng nguồn sông Trường Giang, các hoạt động du lịch chủ yếu liên quan đến địa hình núi, các nền văn hóa cổ và các dân tộc thiểu số sinh sống dọc bờ sông. Thượng nguồn cũng là khu vực lý tưởng cho du lịch mạo hiểm đi bè trên sông và du lịch sinh thái. Khu vực trung và hạ nguồn sông Trường Giang, từ Trùng Khánh đến Thượng Hải, là nơi tập trung phần lớn tài nguyên du lịch với nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận bao gồm Tô Châu Viên Lâm, núi Hoàng Sơn và núi Vũ Di, các ngôi làng cổ Nam An Huy, Công viên Địa chất Quốc gia Lư Sơn, các công trình cổ trên núi Võ Đang và Khu danh thắng Vũ Lăng Nguyên.
Du lịch dọc sông Trường Giang đã phát triển từ lâu. Dòng sông bắt đầu trở thành một điểm đến du lịch từ khi người Anh đi tàu thủy hơi nước đầu tiên đến Trung Quốc. Giữa thế kỷ 19, tàu thủy hơi nước đưa hành khách từ Thượng Hải đến Hán Khẩu, Nghi Xương và khu vực phía Tây.
Dự án xây dựng đập Tam Hiệp - dự án thủy điện lớn nhất thế giới hoàn thành năm 2009 tạo thuận lợi cho tàu du lịch đi lại dễ dàng trên sông, và kể từ đó, du lịch đường thủy ở đây có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Dù vậy, còn một số vấn đề cản trở phát triển du lịch của khu vực này. Thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương khi mỗi tỉnh có cơ quan quản lý du lịch và đơn vị marketing độc lập, do đó công tác marketing, hoạch định chính sách và phát triển sản phẩm còn những hạn chế cục bộ. Công tác cung cấp thông tin du lịch chưa hiệu quả, cạnh tranh giá cả không lành mạnh dẫn đến tình trạng chất lượng dịch vụ kém và thậm chí lừa đảo khách. Phát triển hạ tầng được quan tâm đầu tư, nổi bật với đập Tam Hiệp, nhưng hệ thống sản phẩm du lịch đường sông như du lịch mạo hiểm, văn hóa, sinh thái và cộng đồng chưa được chú trọng phát triển. Một điều đáng buồn là dòng sông cũng đang gặp vấn đề ô nhiễm rác thải do du khách và người dân sinh sống ven sông thải ra. Du khách được khuyến cáo là không nên bơi ở sông Trường Giang và cũng quá muộn khám phá thế giới động vật hoang dã nơi đây.
Vai trò của du lịch quốc tế dọc sông Trường Giang khá khiêm tốn do doanh thu thấp, tuy nhiên được chính quyền trung ương và địa phương nhìn nhận là có tiềm năng phát triển. Hệ thống đập không được ưa chuộng trong các chương trình du lịch của khách phương Tây đến Trung Quốc mà thay vào đó là khách du lịch nội địa do người dân Trung Quốc biết được tầm quan trọng của sông Trường Giang đối với lịch sử và văn hóa Trung Quốc, điều này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua những câu chuyện, bài thơ viết về dòng sông này.
Trung tâm Thông tin du lịch