Doanh nghiệp du lịch xã hội và những xu hướng mới đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái

Cập nhật: 23/05/2020
(TITC) - Theo ông Nicolas Stern, Nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, mô hình doanh nghiệp xã hội đang phát triển nhanh chóng và được đánh giá cao bởi những người theo xu hướng mới. Các doanh nhân theo đuổi lợi ích công cộng, tạo dựng giá trị xã hội trong khi vẫn có lợi nhuận hợp lý. Họ tìm kiếm mục đích, ý nghĩa trong việc đóng góp cho cuộc sống và là tác nhân thay đổi các giá trị kinh tế xã hội.

Kỳ thi Trung cấp nghề tại Trường Hoa Sữa 

Một số doanh nhân tìm cách đáp ứng nhu cầu xã hội ở địa phương, một số thì xây dựng mô hình thay thế đáp ứng nhu cầu xã hội mà Chính phủ hoặc các doanh nghiệp khác không làm được, một số khác tìm cách tạo ra mô hình hoạt động xã hội mới hơn, hiệu quả hơn mô hình cũ.

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) phải lấy mục tiêu xã hội làm sứ mệnh hoạt động tối thượng ngay từ khi thành lập, và điều này phải được tuyên bố một cách công khai, rõ ràng, minh bạch. Nói cách khác, mỗi doanh nghiệp xã hội được lập ra vì mục tiêu xã hội cụ thể của mình.

Cả hai cuốn sách ‘Làm thế nào để thay đổi thế giới: các doanh nghiệp xã hội và sức mạnh của những ý tưởng mới’ của David Bornstern và cuốn ‘Sức mạnh của những người phi lý trí’ của Hartigan đều nhấn mạnh tác động toàn cầu của những doanh nghiệp xã hội và những đóng góp của họ vào Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc và vào những vấn đề cấp bách khác của thế giới. Hàng năm Diễn đàn Thế giới Skoll vinh danh những doanh nghiệp xã hội thành công nhất ở khắp nơi trên thế giới và trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục hay nông nghiệp. Quỹ Ashoka là một trong những quỹ quốc tế đầu tiên cung cấp nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp xã hội, và hiện nay đang có 184 dự án liên quan đến du lịch.

Hàng năm Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng trao giải Sáng kiến đổi mới du lịch cho những sáng kiến xuất sắc trong lĩnh vực du lịch. Giải thưởng nhằm tôn vinh những cá nhân và các sáng kiến du lịch đóng góp tích cực cho sự tiến bộ của ngành du lịch và tác động tích cực tới quản lý nhà nước và sự phát triển xã hội nói chung. Sáng kiến được giải cũng phù hợp với những chính sách, ưu tiên và chương trình của UNWTO trong đó có Quy tắc đạo đức toàn cầu, và Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Các số liệu kinh tế khác cho thấy có sự quan tâm ngày càng tăng đối với đầu tư vào các công ty xã hội. Ví dụ như tại Mỹ, đầu tư vào lĩnh vực phát triển bền vững và có trách nhiệm với xã hội đã tăng từ 3,74 nghìn tỷ đô la Mỹ năm 2012 lên 6,57 nghìn tỷ đô la Mỹ năm 2014, tăng 76%. Theo như Diễn đàn Đầu tư có trách nhiệm và bền vững 2014, cứ 6 đô la được đầu tư thì có 1 đô la là đầu tư vào phát triển bền vững và có trách nhiệm, được quản lý theo cách thức hiệu quả, và đã tạo áp lực lên các doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội hơn. Klein nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư có ý thức cần rút khỏi các ngành khai thác như dầu mỏ và than đá để giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Ngành du lịch, vừa là ngành tác động vừa là ngành bị tác động bởi biến đổi khí hậu sẽ chịu ảnh hưởng từ vấn đề này. Jeremy Rifkin - nhà khoa học chính trị nổi tiếng, nhà cố vấn của nhiều chính phủ, cho rằng các công nghệ mới sẽ giúp chúng ta thay đổi mô hình phát triển. Ông miêu tả 5 trụ cột của “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3” sẽ tạo ra hàng ngàn doanh nghiệp và hàng triệu việc làm, tái lập nền tảng các mối quan hệ giữa con người, từ quyền lực chiều dọc sang chiều ngang, điều này sẽ tác động đến phương thức kinh doanh, quản lý xã hội, giáo dục con cái và tham gia vào đời sống thường nhật. Năm trụ cột của “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3” gồm: (1) sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo; (2) ở tất cả các lục địa sẽ xây dựng những nhà máy điện mini để thu gom năng lượng tái tạo tại chỗ; (3) áp dụng công nghệ hydro và các công nghệ lưu trữ khác trong mọi công trình và cơ sở hạ tầng để lưu trữ năng lượng gián đoạn; (4) sử dụng công nghệ Internet để chuyển đổi lưới điện của tất cả các lục địa thành một liên mạng lưới chia sẻ năng lượng hoạt động giống như Internet (khi hàng triệu tòa nhà tạo ra những lượng nhỏ năng lượng tại chỗ, chúng có thể bán phần thặng dư trở lại lưới điện và chia sẻ điện với các quốc gia láng giềng cùng châu lục), và (5) chuyển các phương tiện vận tải sang các phương tiện chạy điện và pin nhiên liệu có thể mua và bán điện thông qua một lưới điện thông minh ở cấp châu lục.

Mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khai thác tài nguyên đã là tiêu chuẩn vàng cho thành công trong nhiều thế kỷ, nhưng hành tinh của chúng ta không thể duy trì mãi cách thức này mà không bị ảnh hưởng. Với tình trạng khan hiếm về tài nguyên, các mô hình kinh tế xanh ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều chính phủ, điểm đến và cộng đồng.

Ngành du lịch cũng đang tìm kiếm các biện pháp toàn diện hơn thay vì tăng trưởng thuần túy về lượng khách và chi tiêu. Vì du lịch đại trà sử dụng quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa nên cần phải được xem xét lại. Những trải nghiệm mà những du khách thế hệ mới mong muốn khó có thể tìm thấy ở nơi đông đúc và điểm đến đại trà. Họ muốn chuyển từ hành vi tự đề cao cá nhân sang hành vi tập trung vào bảo vệ sinh thái. Điều này đòi hỏi cần thiết kế hệ thống trải nghiệm du lịch mới để cung cấp những trải nghiệm sáng tạo có ý nghĩa nhằm đáp ứng nhu cầu của người theo trào lưu văn hóa mới. Các điểm đến sẽ được duy trì thông qua những trải nghiệm mà khách du lịch có ý thức tạo dựng môi trường xã hội tốt đẹp hơn.

Sự thay đổi này có thể được hỗ trợ thông qua sự hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân, cộng đồng nhân dân. Cách tiếp cận hợp tác có thể chuyển đổi điểm đến thành nơi nuôi dưỡng tài nguyên văn hóa quý báu và sẽ bền vững hơn trong tương lai.

Các công ty du lịch và các bên liên quan chịu trách nhiệm không chỉ đáp ứng sự chuyển đổi mô hình xã hội, mà còn có thể nắm lấy vai trò đi đầu và dẫn dắt. Các doanh nghiệp xã hội vẫn có thể kiếm được lợi nhuận hợp lý và chung tay với chính quyền và xã hội dần chấm dứt tình trạng du lịch vô trách nhiệm và chuyển sang hình thức du lịch có trách nhiệm hơn. Nắm lấy ý tưởng chia sẻ giá trị, chia sẻ kinh tế, tìm kiếm ý nghĩa và lợi ích xã hội có thể tạo ra sự chuyển đổi mà điểm đến và trái đất cần có để tồn tại.

Vì vậy, doanh nghiệp du lịch xã hội là xu hướng mới chứ không phải là hiện tượng đơn lẻ mà là dấu hiệu của việc chuyển đổi xã hội và tác động đến các khía cạnh khác của xã hội. Doanh nghiệp du lịch xã hội có thể được xem như là chất xúc tác cho sự thay đổi xã hội rộng hơn và là một phần của sự chuyển đổi mô hình lớn hơn hướng tới nền kinh tế vững chắc, có ý thức với xã hội, bền vững cho môi trường sinh thái.

Tại Việt Nam cũng đã có một số doanh nghiệp du lịch xã hội xuất hiện như Trường du lịch Hoa Sữa, Nhà hàng KOTO tại Hà Nội và Mai Handicrafts tại TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhận thức xã hội vẫn chưa tách bạch giữa hai loại hình doanh nghiệp vì lợi nhuận và các tổ chức không vì lợi nhuận, do đó các DNXH chỉ mới phát triển ở mức độ đơn lẻ, quy mô hạn chế.

Vì vậy cần coi các DNXH nói chung và các doanh nghiệp du lịch xã hội nói riêng như những đối tác chia sẻ gánh nặng, giúp Chính phủ thực hiện các mục tiêu xã hội. Do đó, việc ban hành các văn bản pháp luật tạo lập khuôn khổ pháp lý, và đề ra các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các DNXH hoạt động và phát triển là vô cùng cần thiết.

Trung tâm Thông tin du lịch