(TITC) - Quần thể Hòn Yến thuộc địa bàn thôn Nhơn Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; cách trung tâm Thành phố Tuy Hòa khoảng 20km về hướng Bắc, cách thắng cảnh Gành Đá Đĩa 15km về hướng Nam và Quốc lộ 1 khoảng 3km về hướng Đông. Đây là khu vực bao gồm Hòn Yến, Hòn Đụn, Bàn Than, Gành Yến, Hòn Choi, Vũng Choi tạo thành một quần thể thắng cảnh tự nhiên vô cùng độc đáo bên bờ biển; trong đó Hòn Yến là điểm nhấn nổi bật nhất của quần thể danh thắng này.
Hòn Yến có độ đa dạng sinh học cao; trên cạn có thảm thực vật bao phủ và một số loài chim như nhạn biển, yến; dưới nước là nơi sinh tồn, phát triển của các hệ sinh thái san hô, cỏ biển, rong biển và một số loài cá nhỏ, hải sâm, sao biển… có giá trị kinh tế, khoa học; đặc biệt rạn san hô nơi đây đa dạng, phong phú về chủng loại, nhiều màu sắc và độc đáo, gắn với giá trị địa chất, địa mạo, là biểu tượng của tỉnh Phú Yên. Kết quả điều tra khảo sát, đánh giá tình hình thực tế về đa dạng sinh học, quần thể san hô tại khu vực Hòn Yến và một số khu vực khác năm 2019 của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho thấy, khu vực này phân bố san hô với diện tích 12,71 ha; thảm rong, cỏ biển có diện tích khoảng 6,5 ha, với 17 loài san hô cứng và 40 loài động vật không xương sống cỡ lớn.
Với sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và giá trị từ các hệ sinh thái, đa dạng sinh học, ngày 29/4/2018, quần thể Hòn Yến đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Quần thể Hòn Yến là danh thắng có giá trị tự nhiên, từ địa chất đến hệ động, thực vật, đa dạng sinh học; có giá trị về văn hóa, lịch sử và tiềm năng phát triển du lịch biển hấp dẫn. Tuy nhiên, các khảo sát gần đây cho thấy, quần thể Hòn Yến đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, do có lượng lớn nước thải, rác thải chưa qua xử lý từ hoạt động nuôi trồng thủy sản; hoạt động dân sinh; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên bờ và khách du lịch tham quan. Đối với khu vực nuôi trồng thủy sản, 100% các lồng bè nuôi đều xả thải trực tiếp ra môi trường biển, không qua xử lý; điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến các thủy sinh vật, mà còn dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh. Ngoài ra, hoạt động xả thải (nước thải, rác thải, dầu…) từ các tàu bè phục vụ du lịch và khai thác thủy sản; chất thải do rửa trôi đất, theo sông, kênh, suối kéo theo chất ô nhiễm từ đất liền đổ vào biển cũng góp phần gây ô nhiễm môi trường nơi đây. Đặc biệt, các tác động tiêu cực từ con người; khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt; hoạt động giẫm đạp lên các hệ sinh thái… cũng làm cho rạn san hô ven bờ nơi đây đã và đang bị hủy hoại nghiêm trọng.
Trước thực trạng đó, ngày 2/7/2019, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành văn bản số 3464/UBND-KT về việc tăng cường công tác bảo vệ đa dạng sinh học và giữ vệ sinh môi trường khu vực quần thể Hòn Yến; trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Yên chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học liên quan đề xuất và triển khai các giải pháp bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái san hô; xây dựng Đề án thành lập Khu bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái san hô; qua đó, đánh giá thực trạng, xu thế phát triển hệ sinh thái san hô biển, đảo ven bờ nhằm xác lập các nội dung nghiên cứu cho quản lý, bảo tồn, phục hồi và sử dụng bền vững.
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt Đề án bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến, huyện Tuy An đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 để chi tiết hóa những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cũng như phân bổ trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội liên quan cùng hướng đến công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học Di tích thắng cảnh cấp quốc gia quần thể Hòn Yến. Đề án triển khai trong nhiều giai đoạn, trong đó, năm 2020, tập trung điều tra, đánh giá hiện trạng để đưa ra phương án bảo vệ, bảo tồn phù hợp.
Theo đó, việc bảo vệ, bảo tồn được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, quản lý tổng hợp và liên ngành, kết hợp giữa quản lý nhà nước với nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự tham gia của cộng đồng. Công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường quần thể Hòn Yến được tiến hành, thực hiện thường xuyên, lâu dài, dựa trên nguyên tắc phòng ngừa là chính, kết hợp với kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến vào bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Mục tiêu của đề án là tăng cường hoạt động bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường quần thể Hòn Yến nhằm chặn đứng mức độ gia tăng ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; hướng đến khai thác sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan khu vực, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội huyện Tuy An nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung.Đồng thời, Đề án cũng đề ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm:
Hoàn thành điều tra, thống kê, đánh giá toàn diện về ĐDSH quần thể Hòn Yến làm cơ sở cho công tác quản lý và thành lập khu bảo tồn.
Tăng cường năng lực, thể chế, chính sách, ban hành các văn bản cụ thể hóa các quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học có tính chất đặc thù, ưu đãi để áp dụng cho khu vực quần thể Hòn Yến; Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường cán bộ chuyên môn, cán bộ quản lý;xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, tập huấn về quản lý đa dạng sinh học; bảo đảm tính hiệu lực và hiệu quả trong việc thực thi công tác bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường khu vực quần thể Hòn Yến; đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có hoạt động xả thải ra môi trường gây mất cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước và đa dạng sinh học quần thể Hòn Yến.
Phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm và bảo vệ môi trường quần thể Hòn Yến. Theo đó, một số chỉ tiêu thực hiện được đặt ra là hơn 85% khu vực bị ô nhiễm môi trường được khắc phục, xử lý; hơn 90% hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên bờ trong khu vực nghiên cứu có dụng cụ phân loại rác tại nguồn; hơn 90% chất thải rắn sinh hoạt của các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên bờ trong khu vực nghiên cứu được thu gom và xử lý triệt để; kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, nước thải của các hộ dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên bờ đảm bảo chất lượng trước khi thải ra biển; 100% khu vực công cộng và các vị trí thuận lợi có thùng đựng rác thải để người dân, du khách bỏ rác; di dời và xử lý triệt để các lồng bè nuôi tôm hùm, hoặc nuôi trồng thủy hải sản không theo quy hoạch, gây mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái khác trong khu vực.
Bảo tồn đa dạng sinh học khu vực quần thể Hòn Yến, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng các dụng cụ khai thác thủy sản hủy diệt (lờ dây, đăng, chấn, kích điện), đặc biệt là hóa chất nguy hại gây hủy diệt sinh vật, đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường trong khu vực; xây dựng chương trình bảo tồn sử dụng và phát triển bền vững các loài; hệ sinh thái đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô trong khu vực nghiên cứu.
Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm và thu hút sự tham gia của cộng đồng về quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan, môi trường quần thể Hòn Yến.
Trung tâm Thông tin du lịch