(TITC) - Bắc Kạn là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Bắc nước ta. Nơi đây có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm và các loài cây thuốc có giá trị. Nhưng do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng khai thác gỗ rừng, săn bắn trái phép cùng tập quán canh tác nương rẫy của người dân đã có những ảnh hưởng nhất định đến công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.
Rừng keo trồng ở Bắc Kạn
Đẩy mạnh trồng rừng gắn với phát triển kinh tế bền vững
Bắc Kạn là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng phủ rừng cao nhất cả nước đạt 72,9%, với diện tích 160.000 ha rừng tự nhiên và gần 290.000 ha rừng sản xuất. Giai đoạn 2016 - 2019, tổng diện tích rừng trồng mới của Bắc Kạn đạt 26.600 ha, bình quân đạt 6.250 ha/năm, trong đó diện tích cây gỗ lớn 3 năm đạt trên 13.000 ha; sản lượng gỗ khai thác đạt 160.000 m3. Để đạt kết quả trên, tỉnh đã đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, tiến hành rà soát sắp xếp, quy hoạch lại 3 loại rừng phù hợp với tình hình thực tế; thực hiện giao khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng, nhờ đó đã giúp người dân làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập. Đồng thời, lực lượng Kiểm lâm cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, tích cực vận động, hướng dẫn, giám sát hoạt động trồng rừng của người dân địa phương. Năm 2019, diện tích thực hiện trồng lại rừng sau khai thác, trồng cây phân tán vượt 17,9% chỉ tiêu kế hoạch được giao; chất lượng rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển.
Năm 2020, tỉnh trồng mới 5.900 ha rừng, trong đó: Diện tích trồng rừng phân tán là 1.900 ha, chủ yếu là các loại cây như lát hoa, trám trắng, trám đen, dổi, sao, sấu...; rừng trồng lại sau khai thác là 4.000 ha (diện tích rừng này do người dân tự bỏ vốn đầu tư). Nhiều địa phương đã đăng ký thực hiện như: Huyện Chợ Mới (900 ha); Na Rì (600 ha); Chợ Đồn (580 ha); TP. Bắc Kạn (120 ha).
Triển khai kế hoạch, các địa phương đã chủ động chuẩn bị kinh phí, giống cây con giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng cho nhân dân. Ban quản lý Chương trình mục tiêu phát triển rừng bền vững các địa phương đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền cấp xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chính sách, lợi ích trồng rừng cũng như quy định mới về công tác trồng rừng của tỉnh đến mọi tầng lớp nhân dân; hướng dẫn người dân trồng các loài cây gỗ lớn xen với cây gỗ nhỏ ở diện tích chân, sườn đồi…
Đẩy mạnh công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học rừng
Bắc Kạn có năm hệ sinh thái, gồm: Rừng tự nhiên trên núi đá, núi đất; rừng trồng; đất nông nghiệp; khu dân cư và đất ngập nước, tập trung ở các Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) và Vườn quốc gia (VQG) như: KBTTN Kim Hỷ (có diện tích vùng lõi hơn 15,7 nghìn ha và vùng đệm gần 23 nghìn ha); KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc (vùng lõi 4,1 nghìn ha, vùng đệm 16,3 nghìn ha); Khu bảo vệ cảnh quan Thác Giềng (khoảng 500 ha); VQG Ba Bể (hơn 10 nghìn ha). Hệ thực vật tại các khu vực có rừng trên địa bàn theo thống kê có 1.972 loài, trong đó 144 loài quý hiếm có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng; hệ động vật có 84 loài thú, 314 loài chim, 69 loài lưỡng cư và bò sát, 1.091 loài côn trùng, 108 loài cá, trong đó có 59 loài quý hiếm cần được bảo vệ.
Để tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, các cán bộ kiểm lâm đến từng nhà, hướng dẫn bằng những hình ảnh dễ hiểu, sinh động… Đồng thời, nhiều tổ bảo vệ rừng ở thôn, bản được thành lập. Các tổ vận động người dân giao nộp súng săn; phối hợp với kiểm lâm tuần rừng, nhờ đó, trong thôn không còn hộ phá rừng, săn bắt động vật hoang dã, không để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép. Mỗi năm, lực lượng kiểm lâm thực hiện bốn đợt truy quét cao điểm những khu vực có nguy cơ phá rừng cao, chủ yếu tập trung ở địa bàn các huyện Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông, Chợ Mới... Nhờ đó, những năm gần đây, tỷ lệ phá rừng giảm dần, năm 2019 chỉ còn 16 vụ, giảm 12 vụ so với năm 2018. Vừa qua, VQG Ba Bể đã phát hiện loài vạc hoa xuất hiện sau hơn 25 năm, là điều hiếm thấy vì loài này chỉ phân bố trong các vùng địa sinh học Á nhiệt đới Trung Quốc - Himalaya và rừng ẩm nhiệt đới Ðông Dương. Nhiều loài thực vật quý hiếm đã được bảo tồn như cây du sam đá vôi (thông đá) ở KBTTN Kim Hỷ. Loài cây này có số lượng cá thể rất hạn chế, phân tán, chỉ còn 14 cây ở KBTTN. Ban Quản lý KBTTN đã lập phương án trồng 1 nghìn cây con ươm bằng hạt từ những cây còn sót lại. Ngoài ra, 2 loài cây bò khai (rau dạ hiến) và trà hoa vàng mọc hoang trong rừng, trước đây bị khai thác tận diệt, suy giảm mạnh về số lượng, nay đã được trồng, nhân rộng diện tích, vừa bảo tồn vừa giúp người dân có sinh kế.
Theo Quy hoạch bảo tồn ĐDSH đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Bắc Kạn, đến năm 2030, tỉnh sẽ thành lập các cơ sở bảo tồn, gồm: Vườn thực vật Ba Bể (diện tích 20 ha); Trung tâm cứu hộ và bảo tồn, phát triển sinh vật (2,55 ha); Bảo tàng thiên nhiên (0,5 ha); Vườn thực vật Lũng Lỳ (7,13 ha); Vườn ươm Kéo Nàng (2 ha) thuộc KBT loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc; Trung tâm Bảo tồn Du Sam diện tích (1 ha) thuộc KBTTN Kim Hỷ…
Để thực hiện mục tiêu trên, giải pháp ưu tiên được tỉnh triển khai trong thời gian tới là trồng mới trên những khu vực trảng cỏ không có tái sinh bằng cây bản địa ở vùng phục hồi sinh thái; bổ sung, nâng cao số lượng cây có giá trị kinh tế bằng tái sinh nhân tạo hoặc xúc tiến tái sinh tự nhiên; quy tụ, lưu trữ, bảo tồn, phát huy nguồn gien thực vật và các thảm thực vật hiện có. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KBTTN chủ động chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn phối hợp cùng UBND các xã trong khu bảo tồn, các đoàn thể tích cực tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước, Luật Bảo vệ và phát triển rừng để nhân dân phối hợp thực hiện; Phối hợp chặt chẽ với các hạt Kiểm lâm, Công an, Quân đội tăng cường tổ chức tuần tra, truy quét, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng trong KBTTN…
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện các chính sách bảo vệ rừng, giải quyết sinh kế người dân; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng địa phương tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy mạnh xã hội hóa, có cơ chế, khuyến khích, tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, nhất là đối với các dự án phát triển thủy điện, khai thác khoáng sản, xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ du lịch... Tăng cường công tác tái sinh phục hồi rừng, nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng. Quản lý việc chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, tránh để lợi dụng nhằm trục lợi; không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác. Chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tài trợ nước ngoài về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trung tâm Thông tin du lịch