Con người và hệ sinh thái tự nhiên

Cập nhật: 02/01/2009
Con người phụ thuộc rất nhiều vào các hệ sinh thái và những lợi ích mà chúng đem lại như thức ăn và nguồn nước uống, nguyên vật liệu… Tuy nhiên, trong những thập kỷ qua loài người đã tác động quá nhiều đến môi trường sinh thái.


Các hệ sinh thái đã thay đổi như thế nào?

Dưới bàn tay can thiệp của con người, hầu như tất cả các hệ sinh thái trên trái đất đều đã biến đổi. Đặc biệt, trong vòng 50 năm qua, các hệ sinh thái đã thay đổi với tốc độ nhanh chóng hơn bao giờ hết. Ngày nay, sự thay đổi chóng mặt đó đang diễn ra rõ rệt ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn như việc khai thác kiệt quệ nguồn thủy sản trên diện rộng hay sự lạm dụng tài nguyên nước vào sản xuất nông nghiệp đã làm các hệ sinh thái bị ảnh hưởng.

Các hệ sinh thái phụ thuộc vào những vòng tuần hoàn cơ bản của sự sống như các chu trình nước, các-bon, và các chất dinh dưỡng. Các hoạt động của con người đã làm thay đổi những chu trình này thông qua việc sử dụng ngày càng cạn kiệt nguồn tài nguyên nước ngọt, thải khí CO¬2, và dùng quá nhiều phân bón. Điều này không những làm tổn thương chính các hệ sinh thái mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi mà các hệ sinh thái đó mang lại cho con người.

Các quần thể động thực vật đã giảm về số lượng, diện tích vùng cư trú của chúng cũng thu hẹp. Hiện có đến 1/4 các loài động vật có vú trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong vòng 100 năm qua, hoạt động của con người đã gây ra tình trạng tuyệt chủng nhiều hơn là do các quá trình tự nhiên gây ra từ 50 đến 1.000 lần. Các bằng chứng về khảo cổ học ngày càng cho thấy có nhiều loài giống nhau đã từng phân bố ở các vùng miền khác nhau trên trái đất nhưng giờ đã không còn tồn tại. Một số loài quý hiếm đã biến mất và những loài phổ biến lan tràn đến các khu vực mới, tính đặc thù về di truyền của các loài cũng đã giảm đi, cụ thể là các cây trồng và vật nuôi.

Kéo theo sự suy giảm dịch vụ hệ sinh thái

Dịch vụ hệ sinh thái là những lợi ích đa dạng mà các hệ sinh thái đem lại cho con người. Tuy nhiên, khi tính đa dạng của tự nhiên bị phá vỡ sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cung cấp các dịch vụ của hệ sinh thái và sự phục hồi của chúng sau những xáo trộn.

An sinh của con người được đo bằng sự thịnh vượng, đầy đủ về sức khỏe, của cải vật chất, những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, an ninh và sự tự do. Sự thay đổi của dịch vụ hệ sinh thái đã tác động đến tất cả những yếu tố này.

Dịch vụ sinh thái, cụ thể là sản xuất lương thực, gỗ và ngư nghiệp, có tầm quan trọng đối với công ăn việc làm và hoạt động kinh tế. Việc sử dụng tập trung các hệ sinh thái thường đem lại lợi ích ngắn hạn hiệu quả nhất, nhưng thường rơi vào tình trạng quá tải và dẫn tới những tổn thất ghê gớm về lâu dài. Một quốc gia có thể có GDP cao nhờ việc tàn phá các khu rừng và “vắt kiệt” tài nguyên ngành ngư nghiệp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đó là sự phát triển thiếu bền vững, về lâu dài, tài nguyên và sinh kế của người dân sẽ không còn. Nếu giá trị kinh tế đầy đủ của các hệ sinh thái được xem xét trong việc đưa ra quyết định của các nhà quản lý thì sự suy thoái sẽ giảm xuống rõ rệt, và thậm chí còn được đẩy lùi.

Hiện nay, mức độ nghèo đói vẫn còn cao. Thế giới có khoảng 1 tỷ người có thu nhập dưới 1USD/ngày, họ sống chủ yếu dựa vào các hệ sinh thái thông qua các hoạt động như nông nghiệp, chăn thả và săn bắn. Những khu vực phải đối mặt với các thách thức lớn nhất có xu hướng trở thành những khu vực có nhiều vấn nạn liên quan đến hệ sinh thái nhất, hiện nay là châu Phi, châu Á và Mỹ La Tinh.

Việc sản xuất đại trà lương thực giúp cho hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh đói nghèo, nhưng cũng để lại những ảnh hưởng tiêu cực. Sự suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái đang làm tổn hại đến nhiều người nghèo nhất trên thế giới, và đôi khi lại là nhân tố chính gây ra tình trạng đói nghèo vì nó làm tăng sự lệ thuộc vào các dịch vụ hệ sinh thái. Và điều này sẽ tăng thêm áp lực cho các hệ sinh thái, các nỗ lực giảm đói nghèo cũng như sự suy thoái hệ sinh thái.

Xét lại nguyên nhân

Các yếu tố do con người hay tự nhiên làm thay đổi các hệ sinh thái được gọi là những yếu tố điều khiển. Chẳng hạn, thay đổi môi trường sống và sự khai thác quá mức là những yếu tố điều khiển trực tiếp ảnh hưởng rõ rệt đến các tiến trình hệ sinh thái. Những yếu tố điều khiển gián tiếp tác động đến các hệ sinh thái bằng cách ảnh hưởng đến các yếu tố điều khiển trực tiếp.

Những yếu tố điều khiển gián tiếp thường là những thay đổi về dân số, hoạt động kinh tế, và công nghệ, cũng như những yếu tố văn hóa và chính trị xã hội. Ví như, dân số thế giới đã tăng gấp đôi trong 40 năm qua, hầu hết là tăng ở những nước đang phát triển. Số dân đô thị trên thế giới tăng từ khoảng 200 triệu trong năm 1900 đến 2,9 tỷ trong năm 2000, và con số thành phố có số dân vượt quá 1 triệu tăng từ 17 trong năm 1900 đến 388 trong năm 2000. Điều đó gây áp lực cho nguồn tài nguyên và nhiều khi còn dẫn đến tranh chấp.

Trong khi đó, những yếu tố điều khiển trực tiếp là sự thay đổi môi trường sống, thay đổi khí hậu, các loài xâm lấn, sự khai thác quá mức và sự ô nhiễm. Hiện nay, các yếu tố điều khiển trực tiếp dẫn đến suy thoái hệ sinh thái đang tăng không ngừng.

Các kịch bản về tương lai của hệ sinh thái

Theo các kịch bản, những yếu tố điều khiển trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trong 50 năm tới cũng sẽ giống như những yếu tố điều khiển hiện nay. Tuy nhiên, tầm quan trọng của chúng sẽ thay đổi. Biến đổi khí hậu và hiện tượng phì dưỡng (quá nhiều chất dinh dưỡng) trong nước sẽ trở thành những vấn đề nghiêm trọng, trong khi tăng trưởng dân số sẽ bớt quan trọng hơn.

Các kịch bản cũng dự đoán rằng sự biến đổi nhanh chóng của các hệ sinh thái để phục vụ nông nghiệp, đô thị hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ còn tiếp diễn. Sự mất đi môi trường sống sẽ dẫn đến mất tính đa dạng sinh học vào những năm 2050.

Trong một số kịch bản, mức độ con người khai thác các hệ sinh thái sẽ tăng nhưng theo cách bền vững hơn, đồng thời sức khỏe con người nói chung sẽ được cải thiện. Duy có 1 kịch bản cho rằng viễn cảnh sẽ là sự nghèo nàn tiêu cực, sức khỏe con người giảm sút, và các hệ sinh thái bị suy thoái tại các quốc gia đang phát triển.

Người ta có thể đặt ra câu hỏi: Vậy, các hệ sinh thái thay đổi theo thời gian như thế nào? Nhìn chung, con người có xu hướng sử dụng các hệ sinh thái phục vụ lợi ích trước mắt hơn là vì tương lai lâu dài. Trong khi đó, những hậu quả do sự tác động của con người đối với các hệ sinh thái thường không biểu hiện ngay lập tức. Điều này có nghĩa rằng những chi phí do hiện tại gây ra sẽ đổ lên thế hệ mai sau.

Nếu để tự nhiên, hầu hết những thay đổi trong các hệ sinh thái đều diễn ra chậm, có thể phát hiện ra và tiên đoán được. Có những loài, đặc biệt là thực vật có thể phải trải qua thời gian cực kỳ lâu mới bị tuyệt chủng. Sự chậm trễ này đem lại các cơ hội cho việc khôi phục môi trường sống và giải cứu các giống loài.

Nhưng khi có sự can thiệp của con người, các hệ sinh thái dễ có nguy cơ hứng chịu những thay đổi đột ngột và rơi vào tình trạng khó phục hồi sau khi bị huỷ hoại. Một khi hệ sinh thái nào trải qua sự thay đổi đột ngột thì việc khôi phục lại tình trạng ban đầu sẽ diễn ra chậm chạm, tốn chi phí, và đôi khi là không thể phục hồi.

Quản lý bền vững

Việc đẩy lùi sự suy thoái của các hệ sinh thái trong khi vẫn đòi hỏi chúng đáp ứng được các nhu cầu ngày càng tăng của con người là một thách thức lớn. Những thay đổi trong chính sách có thể làm giảm đi nhiều hệ quả tiêu cực của áp lực gia tăng đối với hệ sinh thái. Tuy nhiên, những gì con người đã xúc tiến dường như còn quá khiêm tốn.

Chúng ta đều biết các hệ sinh thái đang bị hủy hoại nặng nề và các dịch vụ hệ sinh thái sẽ còn tiếp tục bị mất đi nếu chúng ta không có những chương trình hành động hữu hiệu. Những hoạt động như tăng cường sự phối hợp quốc tế, phát triển và phổ biến công nghệ, và cải tiến việc sử dụng thông tin được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều tích cực trong công tác bảo vệ các hệ sinh thái và an sinh cho con người. Bên cạnh đó, người ta cũng cho rằng cần rút ngắn khoảng cách về thông tin, tăng cường tính minh bạch trong thông tin, kêu gọi sự tham gia của cộng đồng và xây dựng những mô hình tham khảo tốt cho những nhà ra quyết sách.

Nguồn: Thiennhien.Net