Giữ gìn môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp và an toàn là tiêu chí hàng đầu để thu hút du khách của nhiều địa phương và điểm du lịch trên cả nước.
Anh Trung với việc làm quen thuộc
Xuất phát từ ý thức bảo vệ môi trường du lịch bền vững, tại Đà Nẵng, nhiều hoạt động bảo vệ môi trường đã được các cá nhân, tập thể cùng thực hiện, góp phần chung tay góp sức xây dựng một thành phố du lịch sạch đẹp trong lòng du khách.
Tạo điểm đến văn minh, thân thiện
Tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, người dân quanh khu vực này thường thấy một nhóm bạn trẻ mang vác lỉnh kỉnh những gậy, bao tải… Đó là các thành viên ở nhóm Dọn rác Sơn Trà. Huỳnh Thanh, một thành viên của nhóm cho rằng chỉ có cách tự mình bắt tay vào làm thì mới thu hút được người khác cùng tham gia. Chính vì lý do đó, “đội ngũ” nhặt rác ngày càng đông thành viên. “Mỗi khi cúi xuống nhặt từng cái chai nhựa, từng mảnh ni lông… thì mới biết sự cần thiết của việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Dọn rác xong thấy trong lòng nhẹ nhõm khi nhìn bãi biển trở nên sạch đẹp”, Thanh tâm sự.
Anh Đào Đặng Công Trung, người được vinh danh là Công dân tiêu biểu của TP Đà Nẵng trong vấn đề bảo vệ môi trường, cũng là chủ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho rằng, những người làm du lịch càng phải ý thức rõ tác hại của rác thải đối với môi trường: “Để bảo vệ môi trường và hướng tới tạo dựng điểm đến văn minh thì cần sự chung tay của toàn xã hội chứ không chỉ riêng cá nhân hay tập thể nào. Một thành phố du lịch đầy rác thải, dù có đẹp thế nào cũng không thể là nơi thu hút du khách quay trở lại. Có rất nhiều cách làm để bảo vệ môi trường, như phát động các tour trekking rừng kết hợp nhặt rác; lặn ngắm san hô nhặt rác; khám phá du lịch cộng đồng các bản làng vùng núi và hải đảo ở homestay kết hợp với hoạt động thu gom rác… sử dụng các sản phẩm và chế phẩm thân thiện với môi trường”, anh Trung nêu ý kiến.
Bản thân anh cũng là người rất “mê nhặt rác”. Mỗi ngày cuối tuần, anh lại leo lên chiếc xe máy cũ, đi dọc con đường lên bán đảo Sơn Trà để lượm rác, vỏ chai nhựa, lon bia... do người dân và khách tham quan bỏ lại. Không chỉ nhặt rác ở trên bờ, anh lại cùng đội nhóm chèo thuyền dưới biển để vớt rác, việc làm ý nghĩa của anh Trung đã thu hút được rất nhiều bạn trẻ cùng tham gia làm sạch bảo vệ môi trường.
Nhóm chèo thuyền vớt rác ở biển Sơn Trà
Ý nghĩa lớn từ hành động nhỏ
Năm 2020, ngành du lịch Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hoạt động vì môi trường như ra quân dọn vệ sinh tại 2 khu vực tuyến biển và bán đảo Sơn Trà; hưởng ứng bảo vệ môi trường biển; phát động phong trào Chống rác thải nhựa, tuyên truyền đến công chức, viên chức, người lao động không sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường... Hưởng ứng phong trào, nhiều cơ sở kinh doanh đã ý thức được việc cần phải bảo đảm môi trường du lịch, hạn chế rác thải ra môi trường để điểm đến mới bền vững và thu hút khách. Đơn cử như Khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng đã hạn chế sử dụng đồ dùng một lần, thay vào đó là những vật dụng thân thiện với môi trường như ống hút giấy, các đồ dùng như bàn chải đánh răng, lược… được đựng trong túi giấy; túi đựng đồ của khách cũng là túi cói và nón lá… Những việc làm này giúp hạn chế được khối lượng rác thải rất lớn ra môi trường.
Với lượng khách du lịch mỗi năm, Đà Nẵng đang phải đối diện với lượng rác thải khổng lồ. Trong khi đó các hình thức tuyên truyền, vận động người dân và du khách tham gia không xả thải, vứt rác, bảo vệ môi trường… còn chưa có hiệu quả. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân và du khách trong việc bảo vệ môi trường sạch đẹp. Tạo điều kiện cho những hoạt động thân thiện với môi trường và có chế tài xử lý nghiêm đối với hành vi xả thải bừa bãi. Ngoài ra, người dân cần nâng cao ý thức về tác hại của rác thải đến môi trường xã hội, cùng nhau xây dựng môi trường trong sạch không rác bắt đầu từ những nhân tố nhỏ nhất như cá nhân, gia đình, tổ dân phố, từ đó nhân rộng mô hình thực hiện tốt để hành động bảo vệ môi trường cùng lan tỏa.
Ngọc Hà