Đã có không ít người đặt câu hỏi rằng mùa nào đẹp nhất ở Đà Lạt, rộng hơn là Lâm Đồng. Thực sự khó có thể khẳng định mùa nào cho ngôi vị ấy nhưng với Đà Lạt, sương mù đã trở thành “đặc sản” và thực sự quyến rũ bởi những mùa sương trắng giăng giăng.
Sương về ngang phố. Ảnh: Thụy Trang
Những tấm ảnh Đà Lạt với các đỉnh núi mây trôi, với ánh đèn vàng huyền hoặc, những mái nhà ẩn hiện thấp thoáng dưới lòng thung trong sương sớm luôn có sức mê hoặc rất lớn. Rất nhiều người chơi ảnh nghệ thuật đã hỏi rằng liệu đến Đà Lạt thời gian nào để có thể chụp được những tấm ảnh đẹp như vậy?
Thậm chí, trước nhu cầu của những người chơi Facebook thích “sống ảo” nhiều điểm “săn mây” gần đây cũng xuất hiện tại Đà Lạt. Điểm chung của những điểm hẹn này là có “quang cảnh - view”, thường là trên cao nhìn xuống các lòng thung xanh phía dưới; người săn mây săn sương phải chịu khó thức dậy sớm trong buổi đêm gần sáng rồi đến điểm hẹn ngồi chờ sương mù xuất hiện.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường Lâm Đồng, ở Lâm Đồng sương mù thuộc loại sương mù bức xạ, xảy ra chủ yếu vào cuối mùa đông là nhiều nhất, trong điều kiện gió nhẹ, trời ít hoặc quang mây, thời điểm này tầng kết khí quyển ổn định, mặt đệm lạnh đi nhanh chóng làm cho lớp không khí sát mặt đất dễ đạt đến trạng thái bão hòa hơi nước.
Sương mù thường xuất hiện vào lúc gần sáng ở vùng trũng hay thung lũng. Khi mặt trời mọc thì tan nhanh, hiếm có trường hợp sương mù kéo dài quá 8 giờ sáng.
Sương mù xuất hiện từng đám mà không thành từng lớp dày đặc, bay là là trên mặt cỏ, đồi trọc và rừng thông nhưng cũng tan dần khi mặt trời mọc. Còn ở các thung lũng, do ẩm ướt, lạnh nhiều và kín gió thì sương mù tồn tại lâu hơn so với những nơi cao và thoáng.
Theo số liệu quan trắc trong hơn 30 năm nay của các Trạm Khí tượng tại Đà Lạt, Liên Khương và Bảo Lộc cho thấy, Lâm Đồng xuất hiện nhiều sương mù nhất so với một số tỉnh lân cận và đạt giá trị cao nhất vào tháng 3 và tháng 4 hàng năm. Trong 2 tháng này, trung bình mỗi tháng có từ 6 đến trên 13 ngày sương mù xuất hiện tại 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc. Còn tại Liên Khương vùng Đức Trọng do chịu ảnh hưởng của dãy núi cao làm thay đổi hướng gió, kết hợp với địa hình bằng phẳng hơn so với các khu vực khác nên ít sương mù hơn.
Cụ thể, tại Đà Lạt, tháng ít sương mù nhất là tháng 11 và tháng 12, trung bình 2 tháng này chỉ có khoảng 3 ngày có sương mù; kế tiếp là tháng 6, tháng 7, tháng 8, và tháng 10, mỗi tháng trung bình có 4-5 ngày sương mù. Tháng Giêng, tháng 2, tháng 5 và tháng 9 mỗi tháng trung bình có khoảng 6-8 ngày có sương. Nhiều nhất trong năm là 2 tháng gồm tháng 3 và tháng 4; 2 tháng này mỗi tháng trung bình có hơn nửa tháng có sương mù, đặc biệt nhiều nhất trong năm chính là tháng 4.
Tại Bảo Lộc cũng có thể săn sương, miễn đừng đi vào tháng 8 vì tháng này là tháng ít sương nhất của thành phố này, trung bình trong tháng này chỉ có khoảng 2 ngày có sương. Đỡ hơn chút là tháng Giêng, tháng 6, tháng 7 và tháng 12, nhưng trung bình mỗi tháng này cũng chỉ chừng 3 - 4 ngày có sương. Các tháng còn lại trong năm có nhiều hơn với khoảng 5-7 ngày có sương.
Tại vùng Đức Trọng trung bình các tháng trong năm chỉ từ 1-3 ngày có sương, tháng nhiều nhất trong năm là tháng 4 với khoảng 4 ngày có sương mù trong tháng.
Một loại sương nữa mà giới chơi ảnh có thể quan tâm chính là sương móc. Sương móc là những giọt nước nhỏ đọng lại trên đồ vật, cỏ cây, nằm trên mặt đất, được hình thành khi nền nhiệt độ hạ thấp khiến hơi nước trong không khí tiếp giáp với các vật thể bị ngưng đọng lại. Sương móc thường xuất hiện vào chiều tối và ban đêm, do mặt đất bị lạnh đi nhiều vì bức xạ và tan đi do bốc hơi khi mặt trời mọc.
Theo số liệu ghi chép của Trạm quan trắc, khu vực Bảo Lộc và những vùng thấp dưới 800 m so với mặt nước biển, số ngày có sương móc không nhiều, trung bình mỗi năm có khoảng từ 70 đến 80 ngày có sương móc. Vùng Đà Lạt trung bình trong một năm có khoảng từ 150 đến 170 ngày có sương móc, trong các tháng từ tháng Giêng đến tháng 4 số ngày có sương móc cao nhất, từ 20 đến 25 ngày trong tháng.
Cũng cần quan tâm một chút đến chuyện nắng mưa tại Lâm Đồng. Theo số liệu ghi chép của Trạm Khí tượng, tổng số giờ nắng hằng năm ở Lâm Đồng từ 2.018 đến 2.386 giờ, trung bình từ tháng Giêng đến tháng 4 và trong tháng 12 đạt trên 200 giờ nắng. Mùa khô số giờ nắng cao hơn mùa mưa, mỗi ngày trung bình có từ 7 đến 9 giờ có nắng. Mùa mưa số giờ nắng ít hơn, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 4 đến 5 giờ có nắng. Tại Đà Lạt, tháng Giêng là tháng có nắng nhiều nhất, còn tháng 10 là tháng có nắng ít nhất.
Viết Trọng