Hà Nội cần phát huy khai thác tiềm năng của hai khu di tích Hoàng Thành - Thăng Long và Cổ Loa trong phát triển du lịch

Cập nhật: 10/03/2021
(TITC) - Ngày 06/3, Thành ủy Hà Nội ban hành Thông báo số 152-TB/TU, kết luận của Thường trực Thành ủy tại buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: Thế Phi

Theo đó, để phát huy hết tiềm năng của các khu di tích trên địa bàn thành phố, đặc biệt là hai khu di tích Hoàng Thành - Thăng Long và Cổ Loa nhằm phục vụ có hiệu quả cho công tác giáo dục kiến thức lịch sử; giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch và quảng bá những giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô văn hiến, anh hùng, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo; tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp văn hóa và du lịch của Thủ đô, đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng long - Hà Nội và các cơ quan, đơn vị có liên quan quan tâm thực hiện một số nội dung.

Cần nhận thức một cách toàn diện, quán triệt đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, thành phố và khuyến cáo 5C của UNESCO trong công tác bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị các khu di sản, di tích; đồng thời, cần phân tích, đánh giá làm rõ những nội dung đã đạt được, chưa đạt được, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân khách quan, chủ quan để tập trung phát huy những nội dung đã làm được, rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, từ đó nhận thức được trách nhiệm đối với các di tích lịch sử để tập trung tâm huyết trong việc bảo vệ các di sản, di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa đối với Khu di sản trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa với các minh chứng đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu đời qua các thời kỳ lịch sử, có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của quốc gia trong mối quan hệ với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, cần nhận diện đầy đủ những giá trị về văn hóa, lịch sử, khoa học và những giá trị tiềm năng khác của Khu di sản trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa, để giải quyết hài hòa môi quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Khẩn trương thực hiện cam kết cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ trong 8 điểm khuyến nghị của Hội đồng quốc tế về di tích và di chỉ (ICOMOS), đặc biệt thống nhất cơ chế quản lý. Giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo Trung tâm và các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện công tác bàn giao tiếp nhận diện tích di sản và hiện vật, di vật theo tiến độ đã nêu tại Thông báo số 893-TB/QU-TU ngày 30/8/2019 giữa Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội; biên bản thỏa thuận thực hiện kế hoạch và lộ trình bàn giao toàn bộ di vật còn lại từ năm 2020 đến năm 2025 ký ngày 04/12/2020 giữa UBND thành phố và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Quyết liệt trong công tác phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai dự án xây dựng mới khu Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm để làm cơ sở nhận bàn giao các diện tích di sản còn lại.

Về việc triển khai các dự án đầu tư tại Khu di sản trung tâm Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội và Khu di tích Cổ Loa có thể coi là những dự án đầu tư phi vật thể, có giá trị văn hóa và lịch sử rất lớn, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, xin ý kiến rộng rãi, để có đầy đủ căn cứ thuyết phục trước khi thực hiện, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm phát huy hiệu quả giá trị của di tích Hoàng Thành -Thăng Long và Thành Cổ Loa, phục vụ nhân dân và khách quốc tế. Để thực hiện được điều đó, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành, các cơ quan liên quan trước mắt tập trung thực hiện sớm một số nhiệm vụ:

Đầu tư xây dựng hệ thống các khu bảo quản và trang thiết bị bảo quản di vật, hiện vật tại 18 Hoàng Diệu và trong Khu Hoàng Thành Thăng Long để bảo tồn các di vật, chống xuống cấp các công trình bảo quản hiện vật, di vật và đặc biệt là khu bảo quản tạm thời tại 18 Hoàng Diệu, cần ưu tiên đặc biệt và thực hiện ngay dự án xây dựng để bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật phục vụ khách tham quan tại 18 Hoàng Diệu nhằm khắc phục những bất cập nêu trên và xác định như một bảo tàng “mở” tại chỗ nằm trong tổng thể khu di tích bảo tồn. Mặt khác, Trung tâm phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vừa tổ chức nghiên cứu, vừa thực hiện bàn giao dần các hiện vật, di vật để sớm phát huy giá trị thu được; triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định làm cơ sở trình HĐND Thành phố xem xét bổ sung vào danh mục ưu tiên đầu tư trong năm 2021.

Đầu tư xây dựng phục dựng Điện Kính Thiên: Thống nhất chủ trương đầu tư, sớm triển khai lập dự án đầu tư xây dựng phục dựng Điện Kính Thiên trên cơ sở phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ khảo cổ học một cách đầy đủ, tham khảo các công trình có kiến trúc tương tự. Nghiên cứu việc thiết lập mô hình Điện Kính Thiên theo tỷ lệ phù hợp kèm hồ sơ phục dựng Điện Kính Thiên để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng xã hội, Hội đồng Tư vấn hoàn thiện trước khi gửi xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó khẩn trương triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định (Thời gian phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư trong năm 2021).

Cột cờ Hà Nội. Ảnh: Thế Phi

Các dự án đầu tư khác tại Khu Hoàng Thành - Thăng Long và Thành Cổ Loa: Thống nhất chủ trương đầu tư thực hiện các dự án theo quy hoạch được duyệt. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cần phối hợp các cơ quan, đơn vị, huyện Đông Anh rà soát, đánh giá tính cấp thiết, sự phù hợp của từng dự án thành phần, từng hạng mục công trình để sắp xếp thứ tự ưu tiên đầu tư vừa đảm bảo được khai thác khách tham quan, vừa triển khai đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng cao, nằm trong tổng thể các khu bảo tồn. Đối với khu Trung tâm Hoàng Thành - Thăng Long hình thành trục không gian chính tâm; nghiên cứu khả năng kết nối với khu vực đường Điện Biên Phủ, vườn hoa tạo lập tổng thể không gian hoàn chỉnh. Phấn đấu hoàn thành các dự án đầu tư gắn với các ngày lễ kỷ niệm lớn của Đất nước, của thành phố trong thời gian tới.

Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong việc trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ, tham vấn và xin ý kiến của tổ chức UNESCO trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Hoàng Thành - Thăng Long, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cho đội ngũ thuyết minh, hướng dẫn viên đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Tăng cường năng lực cho Trung tâm từ phân cấp quản lý đến nguồn nhân lực để Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có đủ điều kiện, năng lực triển khai các nhiệm vụ, nhất là các dự án được phân cấp. Đối với các dự án lớn có ý nghĩa lịch sử, có tác động lớn mà Trung tâm chưa đủ năng lực để thực hiện thì Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan xem xét, quyết định theo quy định.

Căn cứ vào đề án phát triển du lịch của Thành phố, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cần xây dựng đề án gắn việc bảo tồn với du lịch; thực hiện chỉnh trang, sửa chữa, nâng cấp hạ tầng, cải tạo cảnh quan môi trường gắn với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để phục vụ khách tham quan, thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch. Đa dạng hóa loại hình du lịch, phân khúc các hạng mục tham quan, tương ứng với đó xây dựng đề án thu phí, lệ phí phù hợp trình HĐND thành phố thông qua để tăng nguồn thu cho Trung tâm, tiến dần đến đảm bảo tự chủ về tài chính.

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và phát triển du lịch, phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu ngành du lịch kết nối với hệ thống chung của thành phố; hoàn thiện đề án chuyển đổi số, số hóa các di tích, di vật, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và các hoạt động trưng bày, triển lãm, hướng đến hoàn thiện dữ liệu để xây dựng bảo tàng “ảo” về Hoàng Thành - Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản, du lịch học đường kết hợp giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng cho học sinh, sinh viên Thủ đô; thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng điểm đến, kết nối với các di tích, bảo tàng khác trên địa bàn thành phố. 

Thành lập Ban Chỉ đạo của thành phố do đồng chí Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban, Phó Trưởng ban thường trực là đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố, thành viên là các đơn vị có liên quan; thực hiện kiện toàn Hội đồng Tư vấn khoa học, mời Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam tham gia để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và triển khai thực hiện các dự án của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.

Trung tâm Thông tin du lịch