Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) đất ngập nước Vân Long là nơi có tỷ lệ che phủ rừng tốt, giá trị cao về đa dạng sinh học, có điều kiện tốt cho các loài động vật hoang dã sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học rừng đặc dụng Vân Long luôn được xem là nhiệm vụ cấp thiết.
Theo kết quả điều tra mới nhất của ngành chức năng, rừng đặc dụng Vân Long có 722 loài thực vật thuộc 476 chi, 163 họ. Trong số 722 loài thống kê được có 15 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ như: Cốt toái bổ, Tuế đá vôi, Sơn địch, Hồi đá vôi... Ngoài ra, còn có cây Nghiến là loài cây đặc hữu của Việt Nam.
Về động vật, rừng đặc dụng Vân Long đã ghi nhận được 39 loài thú thuộc 19 họ, 8 bộ; 100 loài chim thuộc 39 họ, 13 bộ; 38 loài bò sát ếch nhái thuộc 17 họ, 3 bộ; 43 loài cá thuộc 16 họ, 5 bộ; 132 loài côn trùng thuộc 47 họ, 10 bộ; 48 loài động vật thân mềm trên cạn thuộc 20 họ, 3 bộ; 60 loài động vật loài giáp xác thân mềm ở dưới nước thuộc 20 họ.
Đây còn là nơi tập trung đông nhất loài Voọc mông trắng và có thể dễ dàng quan sát ngoài tự nhiên. Sự nguyên sơ của núi rừng cùng với sự đa dạng cảnh quan và các loài động, thực vật là tiềm năng cho Vân Long phát triển du lịch sinh thái.
Voọc mông trắng được bảo vệ tại Vân Long. Ảnh minh hoạ
Theo Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình), để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, nâng cao hơn nữa các giá trị tính đa dạng sinh học của khu bảo tồn, bảo vệ các loài thú quý hiếm, nhất là bảo vệ loài Voọc mông trắng - loài thú đặc hữu quý hiếm của Việt Nam, Chi cục đã chủ động xây dựng và thực hiện quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước điều tra thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Đáng chú ý, thông qua sự hợp tác với Hội Động vật học Frankfurt, số lượng cá thể Voọc mông trắng ngày càng tăng, sinh trưởng và phát triển tốt. Các chương trình, dự án, nhiệm vụ về hỗ trợ khoán khoanh nuôi tái sinh rừng, khoán bảo vệ rừng, trồng rừng cũng được tích cực triển khai.
Tính từ năm 2001 đến nay, đã có hơn 40 ha rừng được trồng mới tại Vân Long, trong đó 3 ha rừng là cây bản địa được trồng, khoanh nuôi để tăng cường thức ăn cho loài Voọc mông trắng. Tỷ lệ che phủ rừng tốt đã tạo môi trường sinh sống cho các loài động, thực vật, làm giá đỡ cho các loài chim sinh trưởng, phát triển.
Với tổng diện tích 2.736 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, thuộc địa giới hành chính 7 xã của huyện Gia Viễn. Nhân dân các xã có rừng sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, một bộ phận người dân sống phụ thuộc vào rừng. Để bảo vệ rừng, những năm qua, các chương trình hỗ trợ thôn vùng đệm, giúp nhân dân biết cách phát triển rừng gắn với sinh kế, bảo vệ tính đa dạng sinh học được triển khai tích cực.
Bên cạnh đó, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng Hoa Lư - Vân Long thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân địa phương với nhiều hình thức: Tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, lồng ghép nội dung vào các chương trình, hội nghị... Thành lập các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng, tổ đội phòng, chống cháy rừng; xây dựng các tuyến đường tuần tra, đặc biệt những phân khu, vị trí trọng điểm có các loài động, thực vật quý hiếm, nhằm ngăn chặn việc khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản trái phép.
Đồng thời, tổ chức cho cán bộ đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn về công tác thực thi pháp luật, nâng cao kiến thức về môi trường, quản lý đất và sử dụng các nguồn tài nguyên bền vững; phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện bổ sung Dự án đa dạng sinh học Khu bảo tồn, thống nhất quản lý toàn bộ diện tích rừng, đất lâm nghiệp và diện tích đất ngập nước; xây dựng phương án quản lý bền vững rừng đặc dụng và chương trình quản lý khai thác du lịch tại khu bảo tồn đảm bảo tính nguyên vẹn và phát triển bền vững trên cơ sở liên doanh, liên kết, cho thuê môi trường rừng...
Nhờ đó, công tác bảo vệ rừng tại rừng đặc dụng Vân Long được thiết lập, tính đa dạng sinh học ngày càng được nâng lên, cảnh quan được tôn tạo.
Xác định công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và rừng đặc dụng Vân Long nói riêng luôn là nhiệm vụ thường xuyên, thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Ninh Bình sẽ chú trọng nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ tính đa dạng sinh học. Mặt khác, thúc đẩy thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn bền vững; tăng cường công tác kêu gọi hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm nâng cao nguồn kinh phí và hiệu quả công tác bảo vệ rừng.
Tuyết Chinh