Nhằm góp phần tuyên truyền, vận động người dân Đà Nẵng và du khách không cho khỉ thức ăn khi lên bán đảo Sơn Trà, đã có nhiều tình nguyện viên đăng ký tham gia trực tại các điểm sau khi có sự kêu gọi đăng tuyển từ Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (BQL).
Thói quen cho khỉ ăn của người dân gây ảnh hưởng đến tập quán của khỉ.
Hưởng ứng sự kêu gọi của BQL trong chiến dịch “Tuyên truyền người dân, du khách không cho khỉ ăn tại bán đảo Sơn Trà” được khởi động từ ngày 22-2, đã có hơn 20 bạn đăng ký tham gia. BQL đã chọn được tám bạn phù hợp, là sinh viên các trường đại học và người dân Đà Nẵng.
Bắt đầu từ ngày 26-2, vào các khung giờ từ 9 giờ đến 11 giờ và 15 giờ đến 17 giờ hằng ngày, các tình nguyện viên sẽ thực hiện chốt trực tại các vị trí thường có tình trạng cho khỉ ăn, như: trước cổng chùa Linh Ứng, khu vực miếu Đôi, quán ăn Hoang Dã cách chùa 300m.
Đều đặn trước 15 giờ mỗi ngày, anh Lê Khả Thiên (38 tuổi, người dân Đà Nẵng) chạy chiếc xe máy cũ kỹ đến khu vực miếu Đôi trực. Anh Thiên là một trong những người đầu tiên đăng ký và tham gia làm tình nguyện viên tại Sơn Trà.
Đây là khu vực dưới chân núi Sơn Trà đi lên chùa Linh Ứng. Khỉ thường xuống những cây chung quanh tìm kiếm thức ăn, dẫn tới tình trạng nhiều người dừng xe lại để xem và cho khỉ ăn những loại thức ăn như trái cây, đồ đóng gói… Dần dần đã tạo thói quen cho khỉ xuống gần đường chờ xin thức ăn từ du khách. Thời gian lâu hơn sẽ làm cho khỉ “quên” đi tập tính kiếm thức ăn của loài và tạo tính hung dữ.
Anh Lê Khả Thiên trực tại khu vực miếu Đôi.
Trong những lần trực tại đây, không ít lần anh Thiên đã chứng kiến những cảnh khỉ tấn công người khi giành thức ăn. Cả đàn khỉ từ trên núi kéo xuống, đua nhau chạy đến chỗ người cho ăn, nhiều lúc chúng tràn xuống cả đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và cho cả đàn khỉ. Có lần, anh Thiên đã cùng nhân viên BQL tham gia giải cứu một bé gái bị khỉ tấn công khi dùng thức ăn dụ khỉ xuống để chụp hình.
Anh Khả Thiên chia sẻ “Lúc đầu mới nhận trực, trong quá trình nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân cũng gặp phải sự phản kháng và cự cãi của họ. Nhưng dần dần, mình cũng học được kinh nghiệm trong việc xử lý những tình huống như vậy. Công việc của tôi có thể sắp xếp được thời gian nên cũng muốn góp phần bảo vệ hệ sinh thái bán đảo Sơn Trà, nhất là khi thấy lượng người đến cho khỉ ăn đã giảm dần lại càng thấy vui”.
Các tình nguyện viên sẽ trực mỗi người một ca tùy điều kiện mỗi người. Cùng với đó, BQL cũng cử nhân viên phối hợp lực lượng Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn tuần tra, nhắc nhở du khách.
Công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh hơn, như: đề xuất Sở Du lịch thành phố có văn bản gửi các công ty lữ hành, Hội lữ hành, Chi hội hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng, đơn vị vận chuyển… khuyến cáo khách không cho động vật hoang dã ăn khi tham quan các điểm đến tại bán đảo Sơn Trà; tăng cường công tác tuyên truyền trực quan, lắp đặt bổ sung bảng khuyến cáo có kích thước lớn, sử dụng hình ảnh thực tế về tác hại của việc cho khỉ ăn để tuyên truyền tới du khách; sử dụng loa di động…
Trưởng phòng Quản lý và khai thác du lịch Sơn Trà (thuộc BQL) Dương Thị Xuân Liễu cho biết, BQL hy vọng với sự chung tay góp sức của cộng đồng, những người yêu thiên nhiên Sơn Trà sẽ giảm thiểu tối đa những tác động xấu đến tập quán sinh sống, sự sinh tồn của các loài động vật tại bán đảo Sơn Trà. BQL đã có biện pháp mạnh như lập biên bản gửi về địa phương nên tình trạng cho khỉ ăn đã giảm so lúc trước, khỉ cũng đã ít xuống đường. Sắp tới, BQL sẽ phối hợp các trường trên địa bàn TP Đà Nẵng, tuyên truyền cho học sinh về tác hại khi cho khỉ ăn…
Thuỳ Thiêm – Thanh Tâm