Làm du lịch, toàn vi vu nước ngoài. Giờ do dịch Covid-19, cửa khẩu quốc tế đóng băng nên du lịch nội địa lên ngôi. Bằng đủ thứ phương tiện, đi khảo sát nhiều nơi, tôi thực sự ngỡ ngàng vì quê hương mình quá hấp dẫn, đồng thời càng thấm thía câu thành ngữ tiếng Anh “No place like home” (Không đâu bằng nhà mình). Xin chia sẻ để mọi người cùng thưởng ngoạn 5 điểm du Xuân.
Kênh Nhiêu Lộc.
Lên Lào Cai đón giao thừa 2 nước
Lào Cai, giáp Vân Nam (Trung Quốc), có Sapa, núi Fansipan, núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây, chợ phiên Bắc Hà, ruộng bậc thang Y Tý… và nhiều bản làng đẹp như mơ. Vài năm nay, nhờ đường cao tốc, Sapa trở nên quá quen thuộc. Thị trấn Hà Khẩu (Vân Nam) và thành phố Lào Cai chỉ cách nhau dòng sông Nậm Thi. Cầu Hồ Kiều nối 2 nước, dài 138m và rộng 14m, khánh thành 8-1-2001.
Việt Nam - Trung Quốc có 1.406km đường biên giới chung với hàng chục cửa khẩu, nhưng chỉ Lào Cai - Hà Khẩu là nói chuyện xuyên quốc gia. Múi giờ cách nhau 1 tiếng. Ngoài hoa kiểng, trái cây, thịt cá, bao lì xì, đi chùa… Tết Việt có thêm bánh chưng, Tết Hoa thêm tục đốt pháo. Giao thừa Hà Khẩu thi nhau “đốt tiền”.
Chỉ khổ người già và trẻ con, no tai vì pháo nổ nhức óc, ngập phổi vì khói pháo, bụi đường. Giao thừa Lào Cai, pháo hoa khoe sắc, người người trẩy hội xông đất, khoe sắc hái lộc, chúc xuân, rồi lên đền Thượng và đền Mẫu, bên dòng Nậm Thi, cầu quốc thái dân an, gia cang hạnh phúc, non sông vững bền.
Homestay Xuân Diện (dân tộc Tày, xã Hợp Thành) là lựa chọn ưu tiên để trải nghiệm văn hóa bản địa. Ở đây có làng quê dân dã, thác Xuân điệu đàng, nơi 4 tộc người chung sống là Việt, Tày, Táy, Xa Phó. Thích khám phá thì đạp xe đi Tả Phìn rồi trekking “Cung đường huyền thoại Vân Sơn Đạo” - cưỡi mây, vượt núi, nối Lào Cai - Sapa (bản Phùng). Lộ trình mất chừng 8 tiếng. Phải chuẩn bị sức khỏe, trang phục, đồ ăn trưa.
“Tắm rừng Cồn Cỏ”
Đảo Cồn Cỏ cách bờ 30km, diện tích 238ha, nhân khẩu chưa tới 500 người, là tiền đồn phòng thủ phía Nam vịnh Bắc bộ. Là huyện nhỏ nhất nước của tỉnh Quảng Trị, 2 lần được tuyên dương Anh hùng, có nhà máy xử lý rác, hồ chứa nước ngọt, điện nước thoải mái, môi trường sạch đẹp. Hơn 70% diện tích đảo là rừng, cây phong ba (ướt trơn) và bão táp (ướt lông) nhiều vô kể.
Đảo Cồn Cỏ.
Lên đảo có thể tắm biển, không cần lặn vẫn thấy san hô; câu cá, câu mực, bắt nhum, tham quan cột cờ, hải đăng, đài Liệt sĩ, hang Quân y, hồ Nước ngọt, công sự phòng thủ xưa, rừng phong ba… Đảo toàn đá macma đen và đất bazan đỏ. Huyện không có xã, không có đất nông nghiệp, vỏn vẹn 19 hộ gia đình.
Còn lại là cơ quan quản lý và bảo vệ. Đặc sản đảo là rong nho, mọc tự nhiên, thành thảm, xanh mọng, bám đầy các bãi đá. Tha hồ ăn sống, làm gỏi và biến tấu thành hàng trăm món ngon bổ dưỡng.
Đảo bạt ngàn xanh mát mắt. “Tắm rừng Cồn Cỏ” là trải nghiệm kỳ thú. Rừng đảo có nhiều dược liệu quý, nhiều nhất là giảo cổ lam và sâm cau rừng. Theo các lối mòn, len lỏi giữa rừng cây, đi bộ cho vã mồ hôi (như xông hơi), rồi hít thở các kháng chất từ dược liệu, kích hoạt hệ tuần hoàn, thần kinh, tiêu hóa giải độc. Saponin trong giảo cổ lam gấp 3-4 lần nhân sâm. Nấu nước uống thay trà, nấu canh, ngâm rượu, sắc thành thuốc đều hiệu quả.
Sâm cau thân thảo, củ màu đỏ hoặc nâu đen tùy loại, là loại thuốc bổ thận, tráng dương, bồi bổ cơ thể. Nấu nước uống, canh, lẩu, ngâm rượu... Tìm hiểu và hái thảo dược trong phạm vi cho phép là trải nghiệm độc đáo.
Đến Cồn Cỏ để rửa mắt, rửa phổi, trút bỏ xô bồ phố thị. Càng trân quý những giá trị chân thực của cuộc sống hòa bình. Vùng đất lửa năm xưa, giờ mát xanh cây trái, rợp tiếng chim hót, ve kêu và hào phóng gió biển.
Đón nắng xuân rực rỡ mai vàng ở chùa lạ
Chùa có tên là Quan Âm, cạnh Quốc lộ 55, thôn Đa Tro, xã Đa Mi (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận), nhìn ra hồ thủy điện Hàm Thuận rộng hơn 2.500ha, như một bức tranh tuyệt tác. Chùa có cả chục ngàn cây mai và thông, nên gọi là Thiên Mai tự, Ngàn Thông tự. Là chùa Mở vì không có cổng hay cửa chùa, là chùa Tiên vì cảnh quá đẹp và là chùa Lạ vì chưa quen và độc đáo…
Chùa ở độ cao 864m, ban ngày dịu mát, tối se lạnh. Chính điện chùa chừng trăm mét vuông, đơn sơ, chân mộc, chỉ có mái và vách sau, khởi dựng từ năm 2000. Bàn thờ Phật giản dị, các thầy gần gũi giữa khu vườn rộng 7,3ha. Có mấy chục loài cây ăn trái, rau củ và hàng trăm loài thực vật.
Nhiều thứ “kỳ hoa dị thảo” như chuối sen, phật thủ, ngải cứu tím, chùm ngây, cau kiểng… Cây mít cao kều mà trĩu quả. Cây bằng lăng như cây sào cắm đầy bông… Ngoài hai thầy trụ trì, có hai nam phật tử làm công quả, gọi là “Tứ trụ Thiên Mai”, đảm đương mọi chuyện. Vài tịnh thất không có vách. Phòng khách chỉ có mái, luôn sẵn ấm nước vối, trà, trái cây, bánh, toàn cây nhà lá vườn.
Khắp nước, chưa chùa nào như vậy. Từ con người đến thiên nhiên; tĩnh lặng, an nhiên, ngát hương trời đất, mơ màng như lạc trôi đất Phật giữa đời thường. Chùa nhỏ mà tâm lớn. Vãn chùa, lòng nhẹ tênh, phấn chấn, quên hết mọi xô bồ, nhiễu nhương phố thị.
Xuân về, chùa rực vàng nắng mai. Sáng sớm, cầm chén trà nhâm nhi, đợi bình minh, đón nắng Xuân rực mai vàng, tỏa sáng hồ chập chùng đồi núi, bỗng thấy đời đẹp như mơ.
Lạc về miền ký ức
Ấp Cồn Chim (xã Hòa Minh, Châu Thành, Trà Vinh), nằm giữa sông Cổ Chiên, cách trung tâm thành phố Trà Vinh 10km đường sông hoặc 15km đường bộ. Đón đoàn là những người dân mộc mạc chân quê, bước ra từ đồng ruộng.
Sự chất phác, thân thiện thể hiện qua ánh mắt, nụ cười, lời nói và những chiếc nón lá cho khách che nắng. Làng quê tĩnh lặng, yên bình và đẹp nao lòng. Sông nước mênh mông và dừa éo (xiêm dây) trĩu quả. Đường nhỏ, nhà nhỏ, quán nhỏ, nói nhỏ. Thứ gì cũng be bé xinh xinh mà duyên thầm kỳ lạ. Cứ như lạc về miền ký ức xa xưa.
Cả ấp 54 hộ dân, toàn nhà lá, không có máy lạnh, bởi quanh năm gió hào phóng. Diện tích 62ha, vừa đủ đạp xe rong chơi, tản bộ. Người dân luôn thuận thiên kiếm sống. Nửa năm nhiễm mặn (tháng 3 - tháng 9) nuôi tôm, cua và cá nước lợ; nửa năm còn lại trồng lúa và khai thác thủy sản tự nhiên.
Đường quê tinh khôi, hoa khoe sắc dịu. Những bảng hiệu bằng gỗ tạp, tre, cần xé thùng rác, ống hút… đều tự làm, lạ và đáng yêu. Nhà nào cũng cửa nẻo sơ sài, cả ngày mở đón gió và đón khách. Không nghe mùi thuốc trừ sâu. Không thấy xiệc điện hay lưới vét tận thu.
Làng có quy ước về lối sống. Từ nếp nhà đến cách khai thác sản vật thiên nhiên. Có quán và chợ quê, phục vụ khách. Không karaoke và giải trí phố thị nhưng tha hổ chơi nhảy dây, chồng nụ, đánh ruộng, ô ăn quan, rồng rắn lên mây…
Tham gia, ai cũng thấy như được trở về tuổi thơ, trong veo cổ tích. Ghé nhà nào cũng được mời chào thân thiện. Gặp bữa dùng cơm chung, có gì ăn nấy. Chập chững làm du lịch, mỗi nhà chọn vài món đãi khách, toàn cây nhà lá vườn. Từ cách nấu nướng đến bày biện. Món nào cũng tươi, sạch, không cầu kỳ gia vị, được chế biến bằng cả tấm lòng.
Đến Cồn Chim, khách quên mình đi du lịch, mà đang về quê. Mỗi hộ, một nếp nhà miền Tây xưa. Nhiều khách tò mò xem chế biến, rồi xắn tay tham gia, như là thành viên mới trong gia đình. Vừa học thêm vài món lạ, vừa ăn ngon hơn.
Cồn Chim đẹp nhất lúc bình minh, khi những tia nắng đầu tiên đánh thức hoa lá. Ấn tượng nhất là hoàng hôn, khi nắng lịm dần trên cành lá và chìm hẳn dưới dòng Cổ Chiên. Lãng mạn nhất là những đêm rằm.
Cả đường làng và cây cỏ lênh láng vàng trăng. Du lịch Cồn Chim nhà quê mà khách mê mệt nghỉ. Cái chất quê mùa vô giá, dù rằng “Về Cồn Chim, người quê chỉ có tấm lòng” (Trần Tiến).
Tiễn hoàng hôn, ngắm sao trên dòng kênh
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài 8,7km, chảy qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, quận 3, Bình Thạnh, quận 1 (TPHCM), một thời tấp nập (trước 1930), một thời ô nhiễm khủng khiếp (trước 2002). Giờ điệu đàng hơn cả Venice (Italia). Từ tháng 6-2012, kênh Nhiêu Lộc hồi sinh như phép lạ, quán xá nở rộ, cá lội tung tăng, đường ven sông đẹp như tranh, thành nơi chạy bộ, tập thể dục.
Cuối 2015, Công ty Sài Gòn Boat mở tour “Du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc” với đội tàu 44 chiếc, gồm thuyền Phụng chở 2-6 người, thuyền Quy 8-20 người và du thuyền 20-40 người. Trên thuyền có thức uống, ăn nhẹ, nhạc hòa tấu, ảo thuật vui, đờn ca tài tử…
Thuyền chạy êm ru, dịch vụ chuẩn quốc tế. Thủy trình dài 4,5km với 90 phút. Bến đầu là Thị Nghè, qua các cây cầu Điện Biên Phủ, Bùi Hữu Nghĩa, cầu Bông, Hoàng Hoa Thám, Trần Khánh Dư, cầu Kiệu, Công Lý. Do cầu Lê Văn Sỹ quá thấp nên tạm dừng. Tại bến cuối, khách lên xe điện, chạy dọc đường Hoàng Sa, về lại bến Thị Nghè.
Tiễn hoàng hôn, ngắm mưa, đợi trăng, thưởng sao… là những trải nghiệm thú vị. Mỗi thời điểm, dòng kênh thay đổi xiêm y, từ màu sắc, ánh sáng, âm thanh đến mùi vị, thoảng hương ẩm thực hai bờ, nghe gió Sài Gòn hào phóng, thấy mây Bến Thành lãng tử, cảm trăng Bến Nghé điệu đàng…
Cả thành phố thu nhỏ trên đoạn kênh ngắn. Từ lịch sử, kiến trúc, đến văn hóa. Một Sài Gòn - TPHCM bình dị mà lịch lãm, nhộn nhịp mà hào hiệp, xa lạ mà thân quen…
Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours