Quảng Ninh: "Sống xanh" để bảo vệ môi trường

Cập nhật: 16/03/2021
Môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống con người. Nhưng hiện trạng cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường đang là hồi chuông cảnh báo đến nhiều vấn đề trong cuộc sống hiện nay như: Biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, sự cân bằng của hệ sinh thái, cạn kiệt tài nguyên… Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường còn gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến kinh tế và tác động đến cuộc sống sinh hoạt của chúng ta hiện nay. Vì thế, các hoạt động, phong trào về bảo vệ môi trường (BVMT) là những hành động thiết thực, nhất là hiện nay các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện để hướng tới một môi trường sống trong lành và phát triển.

Hành động nhỏ lan tỏa thành những phong trào lớn

“Sống xanh” không còn là một khái niệm quá mới mẻ bởi nó không chỉ dừng lại ở trào lưu mà đang lan tỏa thành những làn sóng mạnh mẽ trong cộng đồng xã hội. Từ những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ lại đang len lỏi vào mỗi gia đình hiện nay như: Sử dụng làn đi chợ, phân loại rác thải tại gia đình… đang hình thành nên những hành động hết sức thiết thực để bảo vệ môi trường sống xung quanh chúng ta. Từ những hành động nhỏ đó, đã tác động đến ý thức của mỗi người trong xã hội, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chị Trần Thị Hương hướng dẫn nhân viên may các sản phẩm túi tái chế

Đối với chị Trần Thị Hương, chủ xưởng may tái chế Green Life tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, xây dựng lối “sống xanh” đối với chị đã trở thành niềm đam mê bất tận. Niềm đam mê ấy được chị “thổi hồn” vào những sản phẩm tái chế từ những vật liệu mà vô tình chúng ta đã bỏ quên. Trong ngôi nhà nhỏ của chị và cũng là xưởng may, ngay từ khi bước vào cổng, đó là những chậu hoa đủ màu sắc được chị trồng vào những lốp xe ô tô cũ, được tái chế sơn lại thật bắt mắt.

Những chiếc túi tái chế từ pano quảng cáo của chị Hương được rất nhiều khách hàng ưa chuộng

Chị chia sẻ: “Hàng ngày trên đường đi tôi đều bắt gặp những chai nhựa, những chiếc vải bạt, pano, áp phích mà chúng ta đã bỏ đi, tôi thấy rất lãng phí và còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường bởi những đồ dùng này phải rất lâu, thậm chí vài chục năm mới có thể phân hủy. Thay vì chúng ta bỏ đi, tại sao chúng ta không tái chế nó”.

Những mảnh pano thừa từ may túi xách được chị Hương tận dụng may lại thành các túi ươm cây giống.

Nghĩ là làm, chị Hương đã bắt tay vào thực hiện ngay. Chị tham gia một khóa học cắt may, lên mạng học thêm những cách thức làm các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa. Qua quá trình tham khảo, học hỏi; dần dần xưởng may của chị cho thành phẩm ra nhiều sản phẩm tái chế đẹp - độc - lạ. Như từ những tấm pano, áp phích chị đã sáng tạo ra những sản phẩm hết sức hữu ích như túi xách đi chợ, đi học hết sức bắt mắt.

“Ý tưởng may túi tái chế xuất phát từ mô hình “Biến rác thành tiền” được triển khai thời gian của Hội LHPN TP Hạ Long. Tham gia vào hoạt động này, tôi thấy rằng việc tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa vô cùng cần thiết và là việc làm hết sức ý nghĩa để rác thải nhựa không ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta. Những sản phẩm đầu tiên mà xưởng may làm ra, được chị em phụ nữ trên địa bàn thành phố mua để làm quà tặng cho hội viên, người thân trong gia đình. Từ đó, các chị em cũng là những tuyên truyền viên tích cực đến việc giảm thiểu rác thải nhựa, BVMT…” - chị Hương chia sẻ thêm.

"Tôi chọn sống xanh" là khẩu hiệu của các thành viên trong xưởng may tái chế Green Life.

Bên cạnh việc tận dụng những tấm pano đã qua sử dụng, chị còn thu gom cả vải thừa những cửa hàng may để kết hợp may thành túi vải để làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm của chị đa dạng hơn về mẫu mã cũng như chủng loại, ngoài túi xách đi chợ, còn có túi vải đeo đi chơi, ba lô cho học sinh, túi đựng tài liệu… Qua hơn một năm hoạt động, xưởng may của chị Hương đã sử dụng nguồn nguyên liệu trên 5 tấn pano và 2 tấn vải thừa để sản xuất gần 700.000 sản phẩm tái chế các loại.

Hội LHPN TP Hạ Long tổ chức Ngày hội tái chế và tái sử dụng rác thải nhựa tháng 12/2020.

Dễ dàng nhận thấy, “sống xanh” hiện nay đã góp phần khơi dậy thói quen của nhiều đối tượng trong xã hội về sử dụng các sản phẩm từ nhựa. Các cửa hàng thời trang, nông sản, nhà hàng ăn uống; bước đầu đã sử dụng những sản phẩm thay thế túi nilon; khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm sử dụng được nhiều lần, dễ phân hủy.

Giáo viên và học sinh trường Song ngữ quốc tế Học viện Anh Quốc - UK Academy Hạ Long ra quân trồng cây tại khuôn viên nhà trường. Ảnh: Minh Nguyệt

Trong các trường học, đã hình thành cho học sinh ý thức thu gom các loại phế liệu tái chế như chai nhựa, vỏ lon nước… để xây dựng, trang trí thành những bồn hoa. Một số các khu chợ, nhiều người đã dần bỏ thói quen sử dụng túi nilon để đựng thực phẩm, thay thế vào đó là làn nhựa đi chợ, hộp đựng thức ăn sử dụng nhiều lần…

Từ những hành động nhỏ đã lan tỏa thành những phong trào lớn, truyền tải đi thông điệp tích cực về BVMT.

Cùng hành động vì môi trường xanh

Chung tay cùng hành động giải quyết các vấn đề rác thải nhựa, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, hướng dẫn và chỉ đạo các phong trào về “Chống rác thải nhựa”. Các hoạt động về truyền thông, nâng cao nhận thức cũng được tập trung triển khai hiệu quả với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú.

Nhân viên Ban quản lý Vịnh Hạ Long hướng dẫn du khách tham quan thả vỏ chai vào chú cá đựng rác thải nhựa tại khu vực Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: Phan Hằng

Tính từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã đăng, phát hành trên các hạ tầng của trung tâm với gần 1000 tác phẩm liên quan đến “Chống rác thải nhựa”. Không chỉ đưa ra những thông tin về tác hại của rác thải nhựa, Trung tâm Truyền thông tỉnh còn cung cấp nhiều thông tin về những sáng kiến của cá nhân, tổ chức, cộng đồng trong việc hạn chế và tái sử dụng rác thải nhựa. Qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức của nhiều đối tượng trong xã hội về những mối nguy hại của rác thải nhựa đối với môi trường sống.

Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 20 cuộc mít tinh, 158 lượt ra quân, 3 cuộc diễu hành, tổ chức 100 gian hàng, 4 cuộc triển lãm; treo hàng nghìn băng rôn, phướn, poster tuyên truyền dọc các tuyến đường chính, điểm đông dân cư... Các địa phương, đơn vị có nhiều cách làm thiết thực như đã chủ động thay thế chất liệu băng rôn, phướn tuyên truyền từ bạt PP, hiplex sang dạng băng rôn, phướn bằng vải dán chữ giấy; tổ chức phát đồ đựng (túi vải, túi giấy, túi nilon thân thiện môi trường...).

Song song với đó, các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế nhằm giảm thiểu chất thải nhựa được các cơ quan, đơn vị căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao đã tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quản lý BVMT, chống rác thải nhựa.

Công ty CP Nhựa Super Trường Phát giới thiệu các vật liệu HDPE (vật liệu nhựa thân thiện với môi trường) sử dụng phao nổi trong nuôi trồng thủy sản cho các hộ nuôi của HTX nuôi trồng thủy sản Phất cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn). Ảnh: Hoàng Nga

Điển hình như Sở TN - MT tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quản lý chất thải rắn, đặc biệt tại các lưu vực sông, ven biển; tham mưu cho tỉnh phê duyệt thực hiện nhiệm vụ điều tra, khảo sát, lập kế hoạch giảm thiểu phát thải rác thải nhựa, kế hoạch giảm thiểu sử dụng cung ứng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, dùng một lần; thí điểm thực hiện mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, trong đó có chất thải nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần tại các địa phương như: Uông Bí, Cô Tô, Ba Chẽ. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các địa phương vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các hội chợ, triển lãm cam kết thực hiện phòng chống rác thải nhựa, thay thế túi nilon phân hủy, nhựa dùng một lần bằng các đồ đựng thân thiện môi trường. Sở Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện BVMT, sinh thái, chống rác thải nhựa tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nhiều sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã “Nói không với rác thải nhựa” bằng việc sử dụng bình nước kim loại, bình thủy tinh thay thế cho chai nước nhựa tại các cuộc họp, hội nghị.

Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động trong việc sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, không phát túi nilon khó phân hủy cho khách hàng hoặc chuyển sang sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.

Tỉnh Đoàn Quảng Ninh khánh thành "Vườn cây tuổi trẻ" tháng 3/2021 tại Cung Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh góp phần giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường cho đoàn viên thanh niên.

Nhiều mô hình BVMT, chống rác thải nhựa được triển khai thực hiện hiệu quả như: Mô hình không mang và sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi tham quan Vịnh Hạ Long, huyện đảo Cô Tô; mô hình phân loại rác thải tại nguồn tại phường Thanh Sơn (Uông Bí), xã Lương Mông (Ba Chẽ), thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô); mô hình “Biến rác thải thành tiền”; Chi hội phụ nữ sống xanh; xây dựng nhà ươm giống từ các vật liệu tái chế và thân thiện môi trường; mô hình bàn làm việc không giấy tờ…

Năm nay, với hàng loại các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch giờ Trái đất, sẽ có hàng loạt các hoạt động tuyên truyền, treo pano, băng rôn, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan và các địa điểm thích hợp sẽ được triển khai. Đây là một trong những cách lan tỏa thông điệp xanh về giá trị của nước, lên tiếng vì thiên nhiên, tầm quan trọng của đại dương, thời tiết và khí hậu để bảo vệ sự sống.

Với những phong trào, hành động thiết thực ấy đã góp phần lan tỏa sâu rộng trong mỗi cá nhân, cộng đồng thêm ý thức giữ gìn để môi trường sống thêm “xanh”.

Vân Anh

Nguồn: Báo Quảng Ninh