Người đàn ông bỏ ra 9 năm để đưa thiên nhiên đi khắp nơi

Cập nhật: 23/03/2021
Một người đàn ông đã dày công 9 năm trời để tạo nên chiếc xe “kỳ quái” phủ đầy cây xanh và chở khoảnh rừng này đi khắp nơi.

Ông Võ Văn Tiệp bên chiếc ô tô cây xanh sắp hoàn thiện sau 13 năm nuôi dưỡng.

Từng xuất hiện quanh các con đường ở phường Ninh Sơn (TP. Tây Ninh), thời gian gần đây, chiếc xe đạp được quấn đầy cây sanh của ông Võ Văn Tiệp (59 tuổi, ngụ khu phố Ninh An, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) đã gây sự chú ý với người đi đường bởi dáng thế “độc, lạ”, có một không hai.

Ông Tiệp cho biết, cây có tuổi đời khoảng 10 năm, nhưng ông đã mất 9 năm để tạo hình. Vì đam mê, yêu thiên nhiên, yêu cây xanh nên ông đã tự thiết kế cho mình một chiếc xe để thư giãn.

Nhìn từ xa, cây sanh mang hình chiếc xích lô phủ đầy lá. Mái che rộng khoảng 70cm, thân cây cao khoảng 75cm (tính từ gốc đến mái che). Toàn bộ rễ và nhánh được kết dính vào nhau trông rất vững chãi.

“Tạo tác cây sanh ôm đá ai cũng làm được rồi. Tôi muốn làm điều khác lạ hơn, không va chạm với ai. Đó là tự thiết kế bộ rễ và nhánh uốn ôm hình thành một chiếc ghế ngồi có mái che trên một chiếc xe đạp. Để vừa trải nghiệm cho chính mình và cho gia đình mình”- ông Tiệp nói.

Ông Tiệp đã bỏ 9 năm để tạo hình chiếc xích lô cây sanh và di chuyển khắp nơi trong thành phố.

Theo ông Tiệp, để tạo hình cho cây sanh, bộ rễ, thân cây, nhánh cây đều được tạo thành một khối liên kết theo “khung sườn ghế inox” có tay vịn. Cây được ký sinh vào ghế, rễ được nuôi trong ống nhựa PP. Trải qua nhiều năm bộ rễ đã ôm trọn thành một khối, gắn chặt vào nhau cũng là lúc phần khung đã mục. Khi đó, bộ rễ sẽ chắc chắn hơn.

Đề cập đến bộ khung xe xích lô đạp, ông Tiệp cho hay, đó là xe đạp thường thôi, khi nghĩ đến việc tạo hình với cây sanh, ông tháo rời bánh trước, dùng sắt hàn thành một bộ đỡ dưới, gắn thêm trục xoay ngang nối hai bánh xe đạp song song. Vậy là đã có một chiếc xe ba bánh hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để xe di chuyển dễ dàng, ông Tiệp còn thiết kế thêm bộ đẩy, thắng (phanh), kính chiếu hậu, kèn, đèn trước, đèn sau, ghế sau,…

“Dù là một chiếc xe tự chế, nhưng tôi phải nghĩ đến sự an toàn. Gương chiếu hậu để nhìn hai bên phía sau, kèn để báo hiệu cho người đi trước, hai đèn trước sau dùng năng lượng mặt trời phát sáng…. Bởi vì mỗi ngày, tôi đều chở hai cháu nhỏ của tôi đi dạo khắp nơi mà!”- ông Tiệp cười nói.

Ưu điểm của cây sanh là dẻo dai, sinh trưởng tốt, dễ tạo hình.

Hiện sức chở của xe đạt khoảng 50kg. Đây là điểm mạnh của xích lô cây đi động mà ông Tiệp đã dày công tạo thành.

Ngoài chiếc xích lô, ông Tiệp còn đang “hiện thực hóa” một xe ô tô cây sanh hơn 13 năm tuổi với mái che phủ đầy lá xanh, hoa vàng. Ông cho biết, ô tô cây sanh của ông có sức chở 6 người, gồm khoang lái và khoang sau. Ô tô này sẽ được mô phỏng theo ô tô điện thường gặp trong các khu du lịch.

Ông Tiệp tâm sự: “Nghề của tôi là mua bán, vận chuyển muối, nhưng vì yêu thích cây cảnh, yêu thiên nhiên. Tôi muốn tạo thêm sự kết nối giữa con người với thiên nhiên. Để khi đi đâu, làm gì, chúng ta đều cảm nhận được thiên nhiên đang rất gần”.

Sau hơn 10 năm chăm sóc, ông Tiệp coi hai chiếc xe cây như “báu vật” trong nhà. Ông Tiệp chia sẻ: “Tôi cho rằng, mình làm vì đam mê, nhưng đam mê mà đem lại lợi ích cho sức khỏe thì nên làm! Khi mình dành thời gian cho nó, mình sẽ không mất gì đâu! Đừng nghĩ rằng, tiêu tốn công sức, tiền của thì sẽ mất, nhưng ngược lại, cái mà chúng ta nhận được sẽ nhiều hơn!”

Thân, rễ được kết dính vào nhau tạo thành một thế vững chắc.

Khi chúng tôi đang trò chuyện với ông Tiệp, có người gọi điện hỏi giá mua chiếc xe xích lô “kỳ quái”, ông bảo: “Nếu tính trung bình mỗi ngày công tôi bỏ ra là 50.000 đồng, đến nay đã 9 năm. Cây sanh và các vật dụng tôi không tính. Chỉ tính tiền công thôi, ông cứ nhân chi phí theo ngày. Nếu chấp nhận, tôi sẵn sàng bán”.

Rồi, có người trả ông 150 triệu, nhưng nhờ ông gửi ra Bình Định, ông từ chối ngay. Ông cho biết, thật lòng nó như bảo vật của tôi vậy, bán đi để làm gì. Nếu có ai muốn giao lưu hay xem xe, tôi sẵn sàng bỏ ngày công đi làm để gặp gỡ. Tôi làm vì tôi đam mê chứ không xem nó vật thương phẩm để mua bán.

Có người hỏi mua với giá cao, nhưng ông không bán vì cho rằng đó là niềm đam mê của ông.

Cây sanh là một loại cây xuất hiện khá nhiều trong không gian xanh công cộng và trong các gia đình. Cây dẻo dai, sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, ít sâu bệnh, dễ tạo hình, lá xanh mướt quanh năm đầy sức sống. Chia sẻ với PV Báo Tây Ninh Online về quá trình chăm sóc, tạo hình cho cây, ông cho biết: “Mình ăn thì cây nó cũng ăn vậy! Cứ tưới tắm hàng ngày, vô phân đều đặn cho nó thì nó sẽ khỏe, sẽ lớn, nó mới cho mình sự sống”.

Tâm Giang

Nguồn: Báo Tây Ninh