Sừng sững trên đỉnh núi Đầu Tán, phía bắc xã đảo Vĩnh Thực (Móng Cái), hải đăng Vĩnh Thực là ngọn đèn biển ở vị trí đầu tiên trong số hơn 90 ngọn hải đăng trải dài theo dải đất hình chữ S. Trải qua hơn nửa thế kỷ, hải đăng Vĩnh Thực luôn hoàn thành sứ mệnh của mình trước mọi hiểm nguy, gian khó.
Hải đăng Vĩnh Thực nằm ở vị trí đầu tiên trong số hơn 90 ngọn hải đăng trải dài dọc ven biển Việt Nam.
Từ Mũi Ngọc, Trà Cổ của Móng Cái, đi tàu cao tốc chỉ 10 phút du khách sẽ đặt chân đến đảo Vĩnh Thực. Những ngày dông gió, người dân chọn những con thuyền có mái che và lớp rèm nhựa để chắn sóng nhưng khi thời tiết thuận lợi, lựa chọn tối ưu là những chiếc ca nô không mái lướt kiêu hãnh qua những ngọn sóng bạc đầu. Trên hành trình ngắn ngủi từ Mũi Ngọc ra Vĩnh Thực, người ta có thể cất gọn vào tim những ấn tượng hòa quện mùi biển mặn mòi, tiếng gió rít bên tai và khung cảnh ngát xanh của biển trời của Tổ quốc. Một trải nghiệm chắc chắn không dễ quên.
Đảo Vĩnh Thực gồm 2 xã Vĩnh Thực và Vĩnh Trung, diện tích tự nhiên gần 5.000ha, dân số hơn 4.000 người. Người dân trên đảo vẫn giữ nếp sinh hoạt ồn ã nhưng rất đỗi chân thành của người vùng biển, họ sống chủ yếu bằng nghề đi biển và trồng trọt. Bên cạnh việc đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản, những cánh đồng ẩn phía sau những rặng núi vẫn nặng tình của đất, mang về những mùa vàng bội thu cho bà con sống nơi đây.
Quãng đường dẫn lên ngọn hải đăng dài gần 15km, đi qua những núi non, ao hồ cả những nếp nhà yên bình trước sân treo những mảnh lưới ngơi nghỉ sau mùa đánh bắt. Đi hết khu dân cư, khung cảnh nơi cuối con dốc mở ra bát ngát một bên là vực biển, một bên là vách núi cheo leo. Và xa xa trên đỉnh núi Đầu Tán là con mắt biển - Ngọn hải đăng Vĩnh Thực.
Đường lên hải đăng Vĩnh Thực hai bên cây cối xanh rì.
Hải đăng Vĩnh Thực trực thuộc Xí nghiệp Đảm bảo an toàn hàng hải Đông Bắc Bộ, Tổng Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải miền Bắc. Về thiết kế, hải đăng mang phong cách kiến trúc Pháp theo kiểu cổ, gồm hai khối riêng biệt nhưng được kết hợp rất hài hoà. Khu nhà phụ trợ bên dưới và khu tháp đèn màu trắng hình trụ nằm phía trên. Khối nhà phụ trợ được thiết kế hợp lý với những mái vòng cong và nối với chân tháp bằng một hành lang ngắn. Hải đăng có chiều cao tính từ chân móng lên đỉnh tháp đèn là 18m, chiều cao tháp đèn tính từ mặt nước biển lên đỉnh tháp là 86m. Với chiều cao tâm sáng là 84,5m, vào ban đêm hải đăng Vĩnh Thực phát ra ánh sáng trắng chớp đơn chu kỳ 5s phạm vi chiếu sáng 360 độ với tầm hiệu lực ánh sáng là 21 hải lý.
Được đưa vào sử dụng năm 1962, trải qua hơn nửa thế kỷ, hải đăng Vĩnh Thực luôn hoàn thành sứ mệnh của mình trước mọi hiểm nguy gian khó. Đứng lặng lẽ giữa biển trời Đông Bắc, hải đăng Vĩnh Thực nổi bật như một dấu ấn nặng tình của đất mẹ luôn ngóng chờ những người con bám biển trở về.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, hải đăng Vĩnh Thực luôn hoàn thành sứ mệnh của mình.
Vào mùa du lịch, hải đăng là điểm check-in lý tưởng cho những bạn trẻ thích khám phá khi đến với đảo Vĩnh Thực. Đứng trên đỉnh của tháp đèn, phóng tầm mắt ra là bao la biển trời, một bên là bãi tắm Đầu Đông với những dải cát vàng mềm mịn uốn cong như cung đàn, một bên là mũi Sa Vĩ - Nơi đặt nét bút đầu tiên của dải đất hình chữ S thiêng liêng.
Ngọn hải đăng là điểm check-in lý tưởng cho những bạn trẻ thích khám phá.
Hành trình đến với hải đăng Vĩnh Thực, du khách không chỉ đơn thuần đến với một địa danh đẹp, để khám phá, chiêm ngưỡng những điều mới lạ và kỳ thú, đó còn là hành trình để hướng về Tổ quốc, để nhìn thấy ở nơi địa đầu, biển đảo biên cương ấy, đất nước chúng ta đẹp và rạng rỡ biết nhường nào.
Hải đăng Vĩnh Thực nổi bật như một dấu ấn nặng tình của đất mẹ ngóng chờ những người con bám biển trở về.
Mai Linh