Tối 27-3, các địa danh nổi tiếng ở các thành phố như Paris, Moscow, Athens, Rome, Berlin, Rio de Janeiro… đã đồng loạt tắt đèn để nâng cao nhận thức về vấn đề môi trường. Sự kiện năm nay nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự tàn phá thiên nhiên và sự bùng phát ngày càng tăng của các dịch bệnh như Covid-19.
London Eye tắt đèn trong Giờ Trái đất vào tối thứ Bảy, 27-3 để thể hiện sự ủng hộ đối với môi trường. Ảnh: Yui Mok/PA.
Giờ Trái đất là sự kiện toàn cầu thường niên do Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức.
Các thành phố trên khắp thế giới đã tắt đèn vào thứ Bảy, 27-3 trong Giờ Trái đất. Ở London, Anh, Tòa nhà Quốc hội, London Eye, tòa nhà chọc trời Shard và các bảng hiệu đèn neon của Piccadilly Circus nằm trong số những địa danh tắt công tắc đèn.
Ông Lindsay Hoyle, Chủ tịch Hạ viện Vương quốc Anh cho biết: “Thật là một tin tuyệt vời khi một lần nữa quốc hội Anh lại tham gia Giờ Trái đất, cùng các địa danh trên khắp đất nước Anh và trên thế giới để nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu”.
Ông nói: “Điều này cho thấy cam kết của chúng tôi trong việc cải thiện môi trường bền vững và đóng vai trò trong việc giảm tiêu thụ năng lượng".
Ở Paris, Pháp, đêm 27-3, Tháp Eiffel đã trải qua ba giai đoạn tối dần, nhưng có rất ít người xem vì cả nước đang có lệnh giới nghiêm lúc 7 giờ tối vì Covid-19. Tòa tháp đã đóng cửa đối với công chúng kể từ ngày 30-10 vì đại dịch.
Đấu trường La Mã ở Rome trước và sau khi chìm trong bóng tối hưởng ứng chiến dịch bảo vệ môi trường trong Giờ Trái đất. Ảnh: Fabio Frustaci / EPA.
Ở Rome, Italy, ánh đèn đã tắt tại Đấu trường La Mã 2.000 năm tuổi, trong khi cảnh sát thực thi các quy định hạn chế di chuyển vì Covid-19, kiểm tra giấy tờ của những người đứng xem.
Quang cảnh đường chân trời tối sầm ở Hồng Công, Trung Quốc trong Giờ Trái đất 2021. Ảnh: Reuters.
Châu Á đã bắt đầu sự kiện này sau khi màn đêm buông xuống. Đường chân trời của các đô thị từ Singapore đến Hồng Công (Trung Quốc) tối sầm, các địa danh như Nhà hát Opera Sydney của Australia cũng vậy.
Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga, nơi diễn ra sự kiện môi trường tắt đèn hàng năm. Ảnh: Anadolu Agency / Getty Images.
Cổng Brandenburg ở Berlin, Đức và Quảng trường Đỏ ở Moscow, Nga cũng tắt đèn trong tối 27-3 để tham gia sáng kiến Giờ Trái đất diễn ra hàng năm để kêu gọi hành động về biến đổi khí hậu và môi trường.
Một nhà hoạt động môi trường của WWF mặc bộ đồ Gấu trúc chuẩn bị nhấn công tắc khổng lồ tắt đèn tại Cổng Brandenburg ở Berlin, Đức. Ảnh: Getty Images.
Sau châu Âu, Giờ Trái đất di chuyển về phía tây sang châu Mỹ. Tòa nhà Empire State ở New York, Obelisk of Buenos Aires và Bảo tàng Ngày mai của Rio lần lượt nhạt nhòa khi ánh đèn.
Năm nay, WWF muốn nhấn mạnh mối liên hệ giữa sự tàn phá của thế giới tự nhiên và tỷ lệ mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người ngày càng tăng trong đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia tin rằng, hoạt động của con người như phá rừng trên diện rộng, phá hủy môi trường sống của động vật và biến đổi khí hậu đang thúc đẩy sự gia tăng này và cảnh báo nhiều đại dịch hơn có thể xảy ra nếu không làm gì.
Tổng giám đốc WWF Marco Lambertini, cho biết: “Sự suy giảm các loài thụ phấn, ít cá hơn trong đại dương và sông ngòi, rừng biến mất, hay sự mất đa dạng sinh học rộng hơn, đều là bằng chứng cho thấy thiên nhiên đang rơi tự do hàng giờ. Và điều này là do cách chúng ta sống và điều hành nền kinh tế của mình".
“Bảo vệ thiên nhiên là trách nhiệm đạo đức của chúng ta, nhưng mất đi nó cũng làm tăng khả năng dễ bị tổn thương của chúng ta trước các đại dịch, đẩy nhanh biến đổi khí hậu và đe dọa an ninh lương thực toàn cầu”, ông nhấn mạnh.
Ở Singapore, nhiều người đứng ở bờ sông chứng kiến những tòa nhà chọc trời chìm trong bóng tối. Và trong công viên Gardens by the Bay gần đó, cụm các tác phẩm cây nhân tạo Supertree Grove cũng đã tắt đèn.
Đèn được tắt để kỷ niệm Giờ Trái đất tại Supertree Grove, Gardens By the Bay, ở Singapore, vào tối 27-3. Ảnh: Reuters.
Ở Hồng Công (Trung Quốc), người dân tại các điểm quan sát nhìn ánh đèn mờ dần trên những tòa nhà chọc trời san sát nhau, trong khi ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, cổng Namdaemun lịch sử tối sầm lại.
Ở Thái Lan, trung tâm mua sắm CentralWorld cực kỳ nổi tiếng của Bangkok đã đếm ngược đến 8 giờ 30 phút tối trước khi màn hình kính bên ngoài tối đi trong một giờ, còn bên trong, trung tâm mua sắm dường như vẫn hoạt động bình thường.
Hoàng Thảo (Theo Guardian, Straitstimes, Reuters)