Mường La vùng đất sơn thủy hữu tình, núi non hùng vĩ, thơ mộng; cùng nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn khác... Tuy nhiên, những tiềm năng, thế mạnh đó chưa được khai thác, phát huy hiệu quả.
Mô hình du lịch cộng đồng tại xã Ngọc Chiến (Mường La).
Ngoài công trình thủy điện Sơn La là điểm đến quen thuộc đối với du khách khi đến với Mường La, nơi đây còn có hơn 20 công trình thủy điện vừa và nhỏ với các hồ nước nhân tạo rộng mênh mông; những mó nước khoáng nóng, hệ thống hang động đẹp và các di tích lịch sử thời kỳ chống Pháp. Bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc trên địa bàn với nhiều lễ hội được duy trì, như: Lễ hội Mừng cơm mới; Lễ hội cúng vía trâu tại xã Ngọc Chiến; Lễ hội “Pang a” (Lễ hội tạ ơn) của dân tộc La Ha, xã Pi Toong; “Ngày hội văn hóa dân tộc Mông” tại xã Chiềng Công... Hệ thống giao thông từ Mường La đi Than Uyên (Lai Châu), Nghĩa Lộ (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai) thuận lợi trong việc kết nối du lịch liên vùng, là những tiền đề quan trọng để phát triển du lịch.
Tuy nhiên, du khách đến với Mường La chưa nhiều, lượng khách lưu trú qua đêm, nghỉ dài ngày còn ít, doanh thu từ du lịch thấp... Nguyên nhân do sản phẩm du lịch đơn điệu thiếu sức hấp dẫn; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, chưa có sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm; công tác quảng bá du lịch chưa thực sự hiệu quả, tính liên kết du lịch vùng còn hạn chế nên hình ảnh điểm đến Mường La còn mờ nhạt trong bức tranh du lịch chung của Sơn La và cả vùng Tây Bắc. Đơn cử như, du khách đến tham quan Thủy điện Sơn La, ngoài ngắm công trình đồ sộ thì không còn dịch vụ nào khác, muốn “tiêu tiền” cũng không được. Tuyến du lịch đường thủy trên hồ là một trong những thế mạnh, có thể tổ chức những tour trải nghiệm đặc thù của Mường La. Du khách có thể ngắm cảnh lòng hồ thủy điện Sơn La, qua các bản làng tái định cư; thăm những địa danh hấp dẫn trên lòng hồ như: lũng hổ, núi bàn tay phật, núi đá thùng...; trải nghiệm cách nuôi cá trên lòng hồ, thưởng thức ẩm thực... Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp, hay HTX nào đứng ra phục vụ chuyên nghiệp.
Ông Lò Văn Bước, chủ cơ sở Nhà nổi Mường Trai, chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng du lịch lòng hồ, năm 2018 gia đình tôi làm nhà nổi, mua thuyền để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm lòng hồ. Tôi kết nối với các hộ sản xuất, nuôi thủy sản và các chủ thuyền trên địa bàn để liên kết cùng hoạt động, phục vụ các dịch vụ theo nhu cầu của du khách; lập Fanpage “Nhà nổi Mường Trai” để quảng bá hình ảnh về các điểm du lịch, các dịch vụ, giới thiệu thông tin và cách thức liên hệ tạo thuận lợi cho khách đặt dịch vụ theo nhu cầu. Tuy nhiên, do có ít cơ sở đầu tư vào lĩnh vực này nên dịch vụ còn nghèo nàn, thiếu sự liên kết, nguồn nhân lực phục vụ du lịch chuyên nghiệp chưa có nên hiệu quả kinh tế chưa cao...
Khắc phục những hạn chế, huyện Mường La đang tập trung triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, như: Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, kinh nghiệm về du lịch tới tìm hiểu, đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo sự đa dạng cho các tuyến, tour du lịch của huyện.
Xây dựng kế hoạch tôn tạo một số di tích gắn với các hoạt động tham quan du lịch, như Đồn Mường Chiến, gắn với du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến; Đồn Pom Pát, hang Co Nong, thị trấn Ít Ong, gắn với điểm du lịch công trình thủy điện Sơn La.
Đặc biệt, phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Công ty Thủy điện Sơn La, họp bàn xây dựng Điểm du lịch Thủy điện Sơn La. Trong đó, sẽ tham mưu thành lập Ban quản lý điểm du lịch nhà máy thủy điện Sơn La; khảo sát các điểm đến, xây dựng hạ tầng du lịch; hoàn thiện các điều kiện còn thiếu để công nhận điểm du lịch; tổ chức tập huấn, cấp thẻ hướng dẫn viên; quảng bá xúc tiến du lịch, đón đoàn Famtrip khảo sát, đánh giá chất lượng điểm du lịch...
Phối hợp với UBND huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu xác định các điểm đến, tour tuyến khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La gắn với Quy hoạch Khu du lịch quốc gia lòng hồ thủy điện Sơn La. Đối với khu vực lòng hồ thuộc huyện Mường La xây dựng các bến thuyền phục vụ du lịch; phát triển cá lồng, chợ cá sông Đà gắn với du lịch lòng hồ; thu hút các hộ kinh doanh, HTX, doanh nghiệp đầu tư nhà hàng dịch vụ ăn uống; dịch vụ thuyền du lịch; trồng cây bản địa, cây mang bản sắc văn hóa dân tộc như: gạo đỏ, mắc trai hai bên hồ, tạo cảnh quan, phục vụ du khách...
Đối với Ngọc Chiến, một điểm du lịch hấp dẫn đang được nhiều du khách lựa chọn, huyện tập trung phát triển hạ tầng du lịch, nâng cấp các tuyến đường để du khách thuận tiện đến khám phá, trải nghiệm. Cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến tích cực vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, xây dựng những tuyến đường hoa, cùng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách.
Đồng chí Bùi Tiến Sỹ, Bí thư đảng ủy xã Ngọc Chiến, chia sẻ: Giải quyết được “bài toán” về cơ sở hạ tầng là động lực rất quan trọng để Ngọc Chiến phát triển du lịch bền vững. Toàn xã có 18 homestay và nhà nghỉ đáp ứng nhu cầu về ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi và tắm khoáng nóng, Ngọc Chiến phấn đấu năm nay đón khoảng 30 nghìn lượt khách, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Từ những giải pháp cụ thể, tin rằng Mường La sớm đánh thức tiềm năng phát triển du lịch, trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch khám phá vùng Tây Bắc.
Việt Anh