Biển sáng nay nắng nhẹ. Những vạt nắng mỏng đan xiên qua những tầng mây. Gió lao xao, cả bãi biển cũng lao xao, tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng như những câu nói thì thầm. Màu xanh của mặt biển, tưởng chừng những hơi biển mặn mòi kia cũng mang màu xanh. Ngoài biển là những vị khách đang nô đùa với sóng, hòa cùng thiên nhiên nguyên thủy và ánh lên một màu sắc xanh của biển, màu sắc của tương lai.
Phía xa xa, ngay mép nước là những người con của biển đang âm thầm làm những công việc “không ai nhờ, mà cũng ai bảo”. Đó là Nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã Sasa team. Bất ngờ, một chú rùa con được đội giải cứu sinh vật biển thả ra từ những tấm lưới cũ chìm dưới biển, những tấm lưới này được anh Lê Chiến gọi là “lưới ma”. Anh Chiến giải thích: “Chúng tôi gọi đây là lưới ma, vì những tấm lưới này như bóng ma dưới đáy biển, âm thầm giết các sinh vật không may vướng vào chúng”. Công việc cắt lưới ma có đơn giản? đó là câu hỏi tôi đưa ra, anh Chiến cho biết: “Công việc cắt lưới ma không đơn giản, bởi trong lưới ngoài những sinh vật có độc như cá, rắn, còn có thể chứa vật sắc nhọn, gây nguy hiểm cho đội cứu hộ của chúng tôi”.
Anh Lê Chiến cùng đội SST thu dọn lưới ma
Nhóm cứu hộ sinh vật hoang dã Sasa team, viết tắt là SST, thành lập năm 2018. Không ai khác, anh Lê Chiến là người thành lập, là trưởng nhóm và cũng là dân “chuyên nghiệp”, còn những thành viên trong đội đều là “tay ngang”, tuổi đời từ 25 đến 35. Anh Chiến sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng lại chọn theo đuổi đam mê cứu hộ biển ở tận mảnh đất miền Trung Ðà Nẵng. Anh từng học về công nghệ sinh học nên sớm nhen nhóm tình yêu dành cho lĩnh vực sinh học biển, nhất là sự sống của san hô và một số loài sinh vật hoang dã khác.
Mỗi ngày, anh Lê Chiến ngụp lặn dưới đáy biển, quan sát những rạn san hô và chữa bệnh cho chúng đúng cách. “Mỗi lần ngụp lặn dưới đáy biển, tôi rất buồn khi chứng kiến rác, túi ni lông, ngư cụ hỏng, lưới rách... trôi dạt tràn lan. Sóng đánh chúng cuộn vào hàng dài dãy san hô, trực tiếp và gián tiếp làm hỏng hệ sinh thái tự nhiên”, anh Chiến tâm sự. Công việc chẳng mấy dễ dàng với anh.
Giá thể san hô
Khi được hỏi điều gì làm anh đam mê hệ sinh thái biển đến vậy? Anh cười và bảo: “Có lẽ là từ nhỏ với các chương trình của VTV2 về thế giới động vật hay sinh vật đại dương. Sau này anh cũng làm nghiên cứu cũng như lên bản đồ các rạn san hô tại Việt Nam”. Ðể theo đuổi đam mê vốn dĩ không hề dễ. Ngoài việc cứu hộ những sinh vật biển bị mắc vào lưới ma thì công việc Sasa tập trung làm nhiều nhất 3 năm qua là cùng nhau lặn xuống các rạn san hô ven bán đảo Sơn Trà, đưa những cành san hô bị gãy, đang bị tẩy trắng vì người ra dẫm đạp, ca nô thả mỏ neo làm hư hại... lên bờ, gắn vào giá thể rồi lặn xuống đáy biển ven bờ cố định lại. Sasa áp dụng nhiều phương pháp như giá thể nhân tạo, giá thể tự nhiên.
Thu lưới ma dưới đáy biển
Hiện tại Sasa đang áp dụng phương pháp cấy trên giá thể tự nhiên kết hợp cùng phân mảnh micro. Một phần rất quan trọng trong việc tái tạo rạn san hô là các số liệu về định danh loài, mức độ đa dạng của san hô, mật độ che phủ, các loài săn mồi, các nguy cơ đe dọa... sau đó mới tiến hành tái tạo lại rạn, toàn bộ quy trình lấy số liệu này có thể kéo dài từ 1 - 3 năm.
Các bạn nhỏ cùng SST chung tay dọn rác trên biển
Thông thường, để tái tạo được một rạn san hô, chúng ta sẽ mất 10 năm. Tháng 10/2020, bão đổ bộ vào miền Trung, mọi thứ trên bờ đều bị cuốn đi theo những cơn sóng dữ. Khi biển lặng, anh Lê Chiến lặn xuống rạn san hô ở Bãi Nam và phát hiện những tảng san hô lớn bị lật úp, san hô sừng hươu bị sóng biển quật tan tành. Ảnh hướng của nước biển nóng lên, các rạn san hô cũng bị tẩy trắng hàng loạt. Anh Chiến chia sẻ: “May mắn vườn ươm của nhóm chỉ bị ảnh hưởng diện tích nhỏ. Đa số các nhành san hô đang phát triển tốt. Các thành viên Sasa lại cùng nhau lặn xuống biển, dọn sạch những tấm "lưới ma", không để bất cứ tấm lưới nào vướng lại và có thể hủy hoại toàn bộ công sức bảo tồn, tái tạo của nhóm”.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng nói: “Bảo vệ môi trường biển và các hệ sinh thái dưới biển cực kỳ khó khăn, vất vả. Phải thực sự yêu quý, gìn giữ môi trường thì các bạn trẻ mới làm được việc này. Tôi rất trân trọng và cám ơn sự chung tay của cộng đồng, đặc biệt là hoạt động của Trung tâm cứu hộ biển Sasa. Hoạt động của Trung tâm Sasa là một mô hình cộng đồng hết sức có ý nghĩa, được các bạn trẻ chủ động tạo lập, duy trì. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kết nối, trao đổi, thông qua các kênh hỗ trợ để có thể đồng hành cùng các bạn trong hoạt động này một cách phù hợp nhất”.
Lưới ma mắc vào san hô
Việc bảo tồn san hô hết sức cần thiết. Không còn san hô đồng nghĩa với việc không còn hệ sinh thái giàu có nhất trên hành tinh này. Vậy rạn san hô có tác dụng như thế nào đến hệ sinh thái biển? Anh Chiến tâm huyết chia sẻ với tôi: “Rạn san hô là hệ sinh thái quan trọng nhất của hành tinh này, vừa giàu có nhất và vừa đa dạng nhất. Việc thoái hóa hoặc biến mất rạn san hô trên đại dương thế giới có thể khiến nứt gãy hoàn toàn chuỗi thức ăn dưới đáy dại dương và dẫn đến tuyệt chủng sự sống dưới đáy biển. Với cơ sở logic, chúng ta có thể dễ dàng phán đoán phản ứng cũng như tác động của loài người khi không còn hải sản (sẽ không còn rừng, vì rừng sẽ nhường chỗ cho nông nghiệp, không còn sông suối vì phải nhường chỗ cho chăn nuôi). Rất có thể đại diệt chủng lần thứ 6 sẽ diễn ra”.
Ba năm qua, những chiến binh của Sasa đã giải cứu hơn 100 cá thể rùa, cá heo. Và những chiến binh ấy vẫn ngày ngày đằm mình dưới biển để tái tạo rạn san hô giúp cho môi trường biển luôn mãi xanh. Biển sẽ mãi bao bọc chở che con người khi con người nhận thức được tầm quan trọng của biển và sẵn sàng thay đổi thì con người sẽ nhận lại quả ngọt. Sau ồn ào biển nhất định dịu êm. Những gì anh Lê Chiến và Trung tâm Sasa đã và đang tạo nên hiệu ứng, lan tỏa sự nhiệt huyết, tình yêu đại dương mãnh liệt đến cộng đồng trong nước và quốc tế.
Bùi Thị Thoa (Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương)