Tọa lạc trên triền đồi thông thơ mộng, có vị thế đắc địa của thành phố cao nguyên Đà Lạt, khu biệt điện Trần Lệ Xuân được xây dựng cách nay hơn nửa thế kỷ. Khởi nguyên, đó là nơi nghỉ dưỡng vào những ngày cuối tuần của vợ chồng Cố vấn Ngô Đình Nhu và Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân…
Trung tâm lưu trữ quốc gia 4, nơi bảo quản mộc bản Triều Nguyễn
Không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, khu biệt điện Trần Lệ Xuân còn nổi tiếng một thời với vẻ xa hoa, lộng lẫy xứng với danh tiếng và quyền uy của chủ nhân. Nơi đây từng được mệnh danh là đệ nhất biệt điện trời Nam.
Khởi thủy, năm 1957, bà Trần Lệ Xuân đã mua lại của ông Nguyễn Văn Yên khu đất số 56 tại đồi Lam Sơn và biệt thự Blanche Neige với tổng diện tích 13.000 m2. Sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính về việc mua bán, đến năm 1958, Trần Lệ Xuân đã cho xây dựng và sửa sang thành một khu biệt điện. Khu biệt điện Trần Lệ Xuân là một quần thể kiến trúc độc đáo gồm ba ngôi biệt thự được đặt tên rất hoa mỹ, mang phong thái quý tộc: Bạch Ngọc, Lam Ngọc và Hồng Ngọc.
Một góc khu biệt diện Trần Lệ Xuân
Biệt thự Bạch Ngọc là nơi vui chơi giải trí những dịp cuối tuần của gia đình bà cùng các tướng lãnh cao cấp thời Việt Nam Cộng Hòa. Tầng hai của toà biệt thự được xem là quán bar thời bấy giờ, là nơi bày các tiệc rượu và ngắm cảnh. Bởi khi khu biệt điện này được xây dựng, xung quanh chỉ có một vài nóc nhà, mà chủ yếu là những rừng thông trập trùng. Hơn nữa, vào thời đó khu vực này thường được bao phủ bởi sương mù tạo cảnh đẹp nên thơ, mờ ảo. Ngoài ra, bà Lệ Xuân còn cho thiết kế hồ bơi nước nóng có thể chứa 300 mét khối nước, nơi sâu nhất 2,2 mét và cạn nhất chỉ 1 mét. Đến ngày nay, nguyên lý làm nóng nước của hồ vẫn chưa có lời giải đáp. Có người cho rằng có thể bà cho người đun 300 mét khối nước tương đương với thể tích hồ để đổ xuống, tuy nhiên cách làm này không khả thi. Ngoài ra, người ta đặt giả thiết, có thể sử dụng năng lượng ánh nắng mặt trời, nhưng Đà Lạt những năm đó nhiệt độ rất thấp từ 8 -10 độ, nên cũng không nhiều ánh nắng để làm nóng nước…
Biệt thự Lam Ngọc là nơi ở và làm việc chính của gia đình. Căn biệt thự được thiết kế khá cầu kỳ với lối kiến trúc Pháp. Bên trong biệt thự trang bị rất hiện đại, có phòng tiếp khách, phòng khiêu vũ, phòng trang điểm, phòng đọc sách, phòng ngủ… Mỗi phòng đều thiết kế lò sưởi. Đặc biệt, tại phòng khách phía trên được thiết kế làm bằng đồng, còn các phòng khác làm bằng gạch nung. Trần Lệ Xuân còn cho thiết kế hầm trú ẩn nội bộ tại phòng ngủ và hầm thoát hiểm tại phòng đọc sách của Cố vấn Ngô Đình Nhu để phòng khi “có biến”…
Biệt thự Hồng Ngọc có thiết kế “nhà Pháp” rất đặc trưng với hệ thống lò sưởi rất đẹp, cửa sổ chớp bên ngoài, cửa kính bên trong và tường xây rất dày để cách nhiệt. Hồng Ngọc nhỏ hơn 2 biệt thư trên, là biệt thự bà xây dựng tặng cho người cha của mình - Luật sư Trần Văn Chương. Tuy nhiên, thời bấy giờ ông Chương đang làm Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ nên chưa về ở đây một ngày nào thì cuộc đảo chính năm 1963 đã diễn ra…
Một địa điểm cuối cùng không thể không nhắc đến trong khu biệt điện đó là Vườn hoa Nhật Bản. Để làm vườn Nhật Bản, Trần Lệ Xuân mời kiến trúc sư Hiroshi Kitagawa (người Nhật) về rất nhiều lần thiết kế theo phong cách Nhật Bản nhưng có điểm nhấn đặc biệt tại hồ nước vườn hoa. Đó là khi hồ đầy nước sẽ hiện rõ bản đồ Việt Nam hình chữ S. Ở giữa hồ nước hình chữ S có những tảng đá cắt ngang qua tượng trưng cho vĩ tuyến 17, phía cuối hồ có một cây cầu bắc qua nơi ghi dấu địa phận mũi Cà Mau.
Biệt diện Trần Lệ Xuân. Ảnh tư liệu trước 1975
Sau cuộc đảo chính tháng 11 năm 1963, chế độ “gia đình trị” họ Ngô bị lật đổ, khu biệt điện phải chịu chung số phận như chủ nhân của mình, bị sung công và được giao cho Toà Thị chánh Đà Lạt quản lý. Năm 1969, khu đất được chuyển giao làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên. Đến năm 1975, sau cuộc tháo chạy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, không ít cổ vật vô giá đã bị tẩu tán, di tích bị đập phá để xóa dấu vết. Trong suốt quá trình đó, khu biệt điện Trần Lệ Xuân trở nên hoang tàn và đi vào quên lãng. Sự tàn phá của thời gian và con người khiến cho nơi đây không còn nguyên vẹn. Song, như một “cơ duyên” với ngành lưu trữ, sau nhiều biến cố thời cuộc, năm 2006, toàn bộ khu di tích được trùng tu, tôn tạo và trở thành địa chỉ đặt cơ sở của Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, nơi lưu giữ kho tàng Mộc bản triều Nguyễn (được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới vào ngày 31/7/2009). Đến năm 2008, Trung tâm đã mở cửa đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu. Bên cạnh tham quan khu biệt điện ghi dấu những ký ức quá khứ đặc biệt, khách còn được tiếp cận với các chuyên đề về lưu trữ…
Ngày nay, khi bước chân vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, khách vẫn có thể cảm nhận về sự xa hoa, quyền uy của ông bà “cố vấn” thời bấy giờ. Mọi đồ vật, mọi góc cạnh vẫn mang hơi thở của người chủ nhân trước đây. Khu biệt điện giữa đồi thông là một địa chỉ du lịch không thể thiếu trong hành trình khám phá, trải nghiệm của du khách khi đến với đô thị Đà Lạt.
Vương Thị Tâm