Bình Liêu: Khẳng định điểm đến an toàn, hấp dẫn

Cập nhật: 05/04/2021
Ngày 11/3/2021, Quảng Ninh cho phép đón khách du lịch từ các tỉnh trong cả nước (trừ những địa phương có dịch đang phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly). Cùng với các địa phương trong tỉnh, thời điểm này, Bình Liêu đã sẵn sàng triển khai các kế hoạch, chương trình kích cầu du lịch năm 2021 đã đề ra.

Rộn rã đón mùa du lịch hè

Vốn không phải là mùa cao điểm của du lịch Bình Liêu, song mùa hè năm nay, với một kịch bản, chương trình chuẩn bị kỹ, chu đáo, Bình Liêu hứa hẹn mang đến cho du khách một mùa du lịch đầy sôi động với những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn.

Huyện đang hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến du lịch 4 mùa trên cơ sở khai thác hiệu quả thế mạnh về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và các lễ hội, nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây. Trong thời điểm tạm dừng các hoạt động du lịch để phòng chống dịch Covid-19, huyện đã tập trung rà soát các điểm đến, xây dựng các kế hoạch kích cầu du lịch phù hợp trong cả năm 2021, trong đó chú trọng đổi mới, tạo nên chuỗi các hoạt động du lịch hè đặc biệt gắn với dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới đây.

Đường tuần tra biên giới phía Tây Bình Liêu là một trong những điểm đến được du khách yêu thích. Ảnh: Tạ Quân

Theo đó, từ tháng 4 sẽ diễn ra liên tục các hoạt động hấp dẫn thu hút du khách, như: Hội Soóng Cọ giao duyên của dân tộc Sán Chỉ (tại xã Húc Động), ngày 27/4; Hội Kiêng gió của dân tộc Dao (tại xã Đồng Văn), ngày 15-16/5; tham quan trải nghiệm du lịch Bình Liêu mùa hoa trẩu (từ đầu tháng 4), mùa hoa sim biên giới (từ tháng 5); trải nghiệm vui chơi tại thác Khe Vằn và các điểm du lịch hấp dẫn, như núi Kéo Lạn, núi Cao Xiêm, rừng nguyên sinh Ngàn Chi, cung đường tuần tra và các điểm cột mốc biên giới...

Song song với chuẩn bị tổ chức các sự kiện, huyện chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban liên quan tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; các nhà hàng, cơ sở lưu trú thực hiện phun khử khuẩn, chấp hành nghiêm túc các quy tắc phòng dịch để đảm bảo hoạt động du lịch và đón khách diễn ra an toàn.

Chị Đỗ Ngọc Hoa (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) chia sẻ: "Được nghe, xem giới thiệu về Bình Liêu rất nhiều qua các trang mạng xã hội, qua bạn bè, song do công việc bận rộn tôi chưa có dịp đến đây. Nhất định mùa du lịch hè này, tôi và gia đình sẽ tổ chức chuyến đi khám phá Bình Liêu. Tôi rất háo hức được tham gia trải nghiệm các hoạt động lễ hội văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc nơi đây".

Thác Khe Vằn (xã Húc Động) là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn vào dịp hè.

Cùng với các hoạt động du lịch hè mới mẻ, hoạt động du lịch mùa thu - đông vốn đã làm nên thương hiệu du lịch Bình Liêu cũng hứa hẹn nhiều điểm đến thú vị, như: Tham quan mùa đổ nước trên di tích danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang xã Lục Hồn và các điểm ruộng bậc thang đẹp ở khu vực bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), khu vực thôn Ngàn Vàng (xã Đồng Tâm), xã Húc Động. Đặc biệt, Tuần Văn hóa - Du lịch Bình Liêu dự kiến tổ chức từ đầu tháng 11 đến hết năm 2021 với các điểm nhấn: Hoạt động trải nghiệm mùa hoa lau bát ngát núi đồi và các cột mốc, cung đường tuần tra biên giới linh thiêng, hùng vĩ (từ trung tuần tháng 10 đến đầu tháng 11), Hội Mùa vàng Bình Liêu, Hội Hoa sở Bình Liêu.

Quyết tâm tạo những đột phá

Bắt nhịp xu hướng phát triển du lịch thông minh, huyện đang nghiên cứu xây dựng ứng dụng di động (apps) số hóa các giá trị văn hóa phi vật thể, bản đồ số và không gian hình ảnh tuyến, điểm du lịch Bình Liêu. Ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng VH-TT huyện, cho biết: Từ ứng dụng này sẽ giúp du khách tra cứu một cách nhanh chóng, tiện ích các thông tin cần thiết về du lịch Bình Liêu, như giao thông, nhà hàng, khách sạn, điểm bán nông sản, điểm vui chơi... Đặc biệt, liên kết với các trang thông tin du lịch uy tín, đơn vị lữ hành; qua đó thực hiện chủ động, thống nhất việc cung cấp thông tin của Bình Liêu đến với khách du lịch.

Giao lưu bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ tại xã Húc Động trong các dịp lễ hội. Ảnh: Phạm Học

Mới đây, UBND tỉnh vừa có Văn bản số 824/QĐ-UBND phê duyệt Đề cương và dự toán Đề án phát triển du lịch bền vững, gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2030. UBND tỉnh dành 824,7 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế để Bình Liêu xây dựng Đề án. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để huyện tiếp tục đưa ra các định hướng phát triển du lịch thông qua việc lựa chọn các điểm, tuyến du lịch trọng điểm; hình thành các sản phẩm và loại hình du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng du lịch; xúc tiến và quảng bá, quản lý, khai thác và giám sát hoạt động du lịch, hợp tác phát triển du lịch....

Huyện cũng đang đẩy nhanh hoàn thiện các phần việc liên quan để khi cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) được nâng cấp thành cửa khẩu song phương và dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới, sẽ bắt tay ngay vào việc xúc tiến hợp tác xây dựng khu thử nghiệm du lịch biên giới Bình Liêu với khu Phòng Thành (Trung Quốc). Đồng thời, triển khai các giải pháp phát triển thị trường du khách quốc tế, trước mắt hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thí điểm tour cho khách tàu biển xuất phát từ Cảng tàu du lịch Bãi Cháy - Hạ Long.

Cắm trại trên núi Cao Ly cũng là một trải nghiệm thú vị đối với du khách khi đến Bình Liêu. Ảnh: La Lành (CTV)

Cũng trong năm 2021, huyện tiếp tục ưu tiên các nguồn lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng; tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu, xúc tiến, quan tâm đào tạo nguồn lực... nhằm thúc đẩy phát triển du lịch. Mặc dù vẫn chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, song huyện luôn chủ động các phương án đảm bảo cho hoạt động du lịch diễn ra thuận lợi trong trạng thái bình thường mới theo đúng chỉ đạo của tỉnh, phấn đấu sớm thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Nguyễn Dung

Nguồn: Báo Quảng Ninh